Tốt nghiệp loại giỏi, cô sinh viên nghèo chới với khi mắc bệnh nguy hiểm

15/08/2017 - 12:56

PNO - Suốt 4 năm đại học, cô sinh viên nghèo khó luôn phấn đấu lấy học bổng bù vào học phí. Tốt nghiệp loại giỏi, chưa kịp vui mừng, Hà lại mắc bệnh nguy hiểm.

Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trên tay, cô gái Hoàng Thị Thu Hà (22 tuổi, sinh viên trường Học viện Hành chính quốc gia, TP.HCM) chưa dám tin mình hoàn thành được 4 năm học. 

Lấy học bổng để đóng học phí suốt 4 năm

Từ năm lớp 6, Hà luôn bị chảy mủ ở tai trái, trời lạnh khiến một bên tai của em lùng bùng, không nghe rõ, cảm sốt triền miên. Nhiều lần thấy những bước chân xiêu vẹo của Hà trên con đường từ nhà đến trường, hàng xóm bảo về nhà nghỉ, Hà lắc đầu rồi chạy thật nhanh. Em sợ không được đi học.

Cái nắng bỏng rát, cơn mưa ngập trời ở miền quê Quảng Bình đầy đá sỏi, không ngăn được bước chân đến trường của em.

Năm lớp 10, tai trái Hà ngày càng chảy mủ nhiều hơn, tai phải cũng bắt đầu “lên tiếng” bệnh tật. Gia đình gom góp tiền đưa em đi khám bệnh. Bác sĩ nói Hà bị viêm tai giữa nặng, phải phẫu thuật ngay.

Tot nghiep loai gioi, co sinh vien ngheo choi voi khi mac benh nguy hiem
Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, Hà chưa kịp vui mừng vì sắp có một công việc ổn định để phụ giúp gia đình, em lại đối diện với bờ vực sinh tử vì không đủ tiền phẫu thuật.


“Em cứ tưởng phẫu thuật lần đó xong sẽ khỏi, nhưng khi đang học năm nhất ở học viện, cả hai tai của em đều bị chảy mủ. Em không dám đi khám bệnh, bởi từ khi vào Sài Gòn đi học, số tiền 1 triệu đồng mỗi tháng mẹ chu cấp, thuê phòng trọ đã hơn 600 ngàn, còn hơn 300 ngàn để chi phí một tháng trời ròng rã. Em cật lực đi làm thêm, cũng chỉ được tầm 400 ngàn mỗi tháng", Hà kể lại.

Được sinh viên khóa trên giới thiệu, một mạnh thường quân đã đồng ý tặng cơm cho em. Mỗi ngày, mạnh thường quân này tặng em một hộp cơm, em mang về chia làm hai, ăn vào buổi sáng và tối.

Suốt 4 năm ròng rã, em cứ chia cơm sống qua ngày, tiền mẹ chu cấp, em chỉ sử dụng cho những lúc thuốc thang cấp bách. Tiền học phí em luôn nợ cho đến khi… nhận học bổng.

Hà tâm sự: “Cha em bị bệnh, mất sức lao động đã hơn 10 năm. Các chị đã có gia đình nhưng cũng khốn khó lắm, chuyện ăn chuyện học của em và em trai dồn hết lên vai mẹ, em sợ mẹ gánh không nổi.

Mẹ đã già yếu lắm rồi, lại thêm bệnh đau khớp, lao lực. Em giấu gia đình việc em bị bệnh, không thì thằng em phải nghỉ học để kiếm tiền lo cho em, tội nó”.

Tot nghiep loai gioi, co sinh vien ngheo choi voi khi mac benh nguy hiem
Nhìn cô gái rạng ngời trong bộ đồng phục tốt nghiệp, ít ai biết rằng em đã bị bệnh tật hành hạ hơn 10 năm nay.


Hà khoe, cậu em trai học giỏi lắm, vừa thi đậu vào Đại học Huế. Em trai gọi điện thoại thông báo cho Hà, cười rổn rảng phía đầu dây, rồi chợt im bặt khi nghe Hà bệnh. 

Em trai bàn với mẹ, mình không đến trường nữa, để dành tiền lo cho chị. Nghe em nói, Hà khóc suốt mấy đêm liền. Hà gọi điện thoại về quê, bảo em trai lấy tiền đó đóng học phí, còn bản thân Hà… không sao.

“Em mong bệnh… chờ em”

Hai từ “không sao” bật ra mặn đắng, khi Hà cảm nhận rõ thính lực của em ngày một giảm đi, tai trái đã không nghe được gì, tai phải chỉ nghe được âm thanh trên dưới một mét xen lẫn với những tiếng lào xào. 

Cơ thể em yếu dần đi, môi tái nhợt thiếu máu, tần suất nóng sốt ngày một nhiều hơn. Lâu lâu tai lại đau nhói, Hà cảm nhận rõ rệt thời gian của mình đang được đếm ngược từng ngày.

Bên trong cô gái nhỏ nhắn này có một niềm tin mãnh liệt rằng bệnh sẽ đợi được em, sẽ đợi được từng đồng tiền người mẹ già ở quê bó từng cây chổi muồng, chổi đót để gom góp chi phí.

Hà nhẩm tính: “Hôm nào mẹ khỏe, một ngày mẹ bó được hơn 10 cây chổi, mỗi cây giá 15 ngàn đồng rồi chở đi bán. Nếu đắt hàng, có thể trong một ngày mẹ bán hết được, còn nếu không thì… 2, 3 ngày cũng hết. 

Hiện đang bước vào mùa mưa, em lo lắm, mẹ chạy xe hơn 50 cây số mới lấy được cây muồng, cây đót mang về, đường xa nguy hiểm lắm. Mùa mưa lại không làm chổi được. Gia đình có thể hái rau dưới ao, bắt cá ngoài ruộng để sống qua ngày. Còn bệnh của em, em mong nó… chờ em”.

Tot nghiep loai gioi, co sinh vien ngheo choi voi khi mac benh nguy hiem
Bệnh tật hành hạ, đau ốm triền miên không ngăn nổi tinh thần hiếu học của cô gái này.


Nhìn xa xăm, Hà chỉ tiếc cho những năm tháng sinh viên đầy khát vọng, những cuộc điện thoại mời Hà đi phỏng vấn, người ta biết em bệnh tật, nên đã từ chối. Từ khi ra trường, trên dưới 10 lần bị từ chối nhưng Hà không nản lòng, em luôn cố gắng tìm việc để sớm có tiền phẫu thuật. 

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Khánh Nho, trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Trưng Vương, Hà bị viêm tai giữa nhưng do để lâu không điều trị nên bệnh đã ở giai đoạn nặng. Hai tai của Hà tổn thương khá nặng, em bị viêm tai xương chũm có túi lõm. Cả hai bên tai đều có chỉ định phẫu thuật nhưng ưu tiên phẫu thuật tai trái trước. Sau khi mổ, sức khỏe Hà ổn định khoảng từ 3 đến 6 tháng sẽ phẫu thuật tai phải.

Bác sĩ Khoa cho biết: “Sau phẫu thuật, thính lực của bệnh nhân sẽ bị giảm phần nào, tình huống xấu nhất là em phải dùng máy trợ thính. Tuy nhiên, trước mắt, Hà phải được mổ càng sớm càng tốt vì viêm tai quá nặng lại để lâu ngày nên tai giữa cô đặc, hư hết. Cả hai màng nhĩ của Hà ngày càng bị hút lõm, hệ thống xương con đã lõm hết. Không phẫu thuật sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng”.

Tot nghiep loai gioi, co sinh vien ngheo choi voi khi mac benh nguy hiem
Theo bác sĩ Nho, Hà phải được phẫu thuật càng sớm càng tốt, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.


“Nếu có thể vay mượn được, em cũng vay để trị dứt bệnh, có sức khỏe không lo không trả được nợ. Nhưng quê em ai cũng nghèo, hàng xóm gom góp đến mức nào cũng chỉ được vài triệu. Trong khi chi phí mổ đã lên đến hơn 10 triệu đồng, chưa kể đến mổ xong còn nằm việc, thuốc thang. Em thực sự không kham nổi”, Hà quay đi chỗ khác.

Nhìn lại quãng thời gian bệnh tật gần bằng với những năm tháng đến trường, Hà khẽ cười tự nhận bản thân quá can đảm, dám lấy tính mạng để đánh đổi thời gian lên giảng đường. 

Ước mơ đầy nghị lực vươn lên của cô gái nhỏ đang cần sự chung tay giúp đỡ của quý độc giả để thực hiện trọn vẹn. Hà đang khát khao chiến thắng bệnh tật, mong rằng quý độc giả, mạnh thường quân góp sức để em vượt qua khó khăn này.

Mọi sự hỗ trợ xin liên lạc qua số tài khoản Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0071001049165 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh TP.HCM. Với nội dung "giúp em Hoàng Thị Thu Hà".

Bạn đọc có thể đến trực tiếp phòng Bạn đọc của Báo Phụ Nữ TP.HCM số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI