Tổng cục Thủy sản làm việc về sự cố tàu vỏ thép nhanh hỏng tại Bình Định

26/05/2017 - 16:47

PNO - Sáng 26/5, đoàn công tác Tổng cục thủy sản có buổi làm việc với ngành chức năng của Bình Định về sự cố tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng trong thời gian qua.

Trước khi có buổi làm việc với ngành chức năng, trong sáng 25/5, đoàn trực tiếp đi kiểm tra thực tế các tàu vỏ thép hư hỏng phải nằm bờ của ngư dân ở cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định).

Tong cuc Thuy san lam viec ve su co tau vo thep nhanh hong tai Binh Dinh
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đang nằm bờ tại cảng cá Đề Gi.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản tổ chức đoàn công tác vào Bình Định phối hợp với Sở NN&PTNT để đi xuống gặp trực tiếp ngư dân, xem tình trạng hỏng hóc về máy, về vỏ như thế nào để sơ bộ ban đầu xác định nguyên nhân hỏng hóc. Đoàn cũng làm việc với Sở NN&PTNT để xem quy trình giải quyết những thủ tục hành chính để giúp dân vay vốn trong thời gian qua có đúng thủ tục hay không.

Sau đó Bộ NN&PTNT tiếp tục làm việc với các nhà máy đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, kết hợp phản ánh của ngư dân và của nhà máy đóng tàu  để kết luận được nguyên nhân ban đầu về tình trạng hỏng hóc, làm sao khắc phục sớm nhất tàu cá cho ngư dân để họ đi đánh bắt có hiệu quả.

Tong cuc Thuy san lam viec ve su co tau vo thep nhanh hong tai Binh Dinh
Chuyên gia hàng máy Doosan kiểm tra máy móc trên tàu BĐ 99245 TS sáng 25/5.

“Qua kiểm tra thực tế các tàu, chúng tôi thấy phản ảnh của báo chí là thực tế. Hiện một số tàu đang hỏng hóc về máy, về một số trang  thiết bị trên tàu và vỏ tàu đang có gỉ sét. Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã lường trước những phát sinh của nó nên cũng không có bất ngờ.

Vì vậy, trong Nghị định 67 có một nhóm chính sách là đào tạo, huấn luyện các ngư dân vận hành tàu cá vỏ thép và có quy định là sau 1 năm thì tàu vỏ thép phải lên đà sửa chữa. Những hỏng hóc vừa rồi là chuỗi những hỏng học mà Bộ NN&PTNT khi triển khai Nghị định 67 đã nhìn thấy cần phải xem xét. Không thể có một chuỗi hoàn chỉnh, không có trục trặc gì.

Tới đây chúng tôi sẽ làm việc với nhà máy đóng tàu như tỉnh Bình Định đã làm với ngư dân. Nhà máy đóng tàu, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT phải ngồi lại với nhau để giải quyết sớm nhất những tồn tại đó”, ông Oai nói.

Tong cuc Thuy san lam viec ve su co tau vo thep nhanh hong tai Binh Dinh
Ngư dân Trần Đình Sơn, chủ tàu BĐ 99245 TS yêu cầu phía cung cấp máy phải thay mới đầu máy chính trong buổi làm việc với đơn vị cung cấp máy, công ty đóng tàu sáng 26/5.

Theo ông Ngọc Oai, để làm rõ nguyên nhân các hư hỏng của tàu vỏ thép cần nhiều thời gian. Chỉ riêng phần vỏ gỉ sét cũng đã có nhiều yếu tố như mặt tôn làm không sạch, chất lượng sơn không tốt, môi trường phun sơn không đảm bảo... Nhưng trước mắt thì phải yêu cầu các bên có liên quan vào cuộc ngay để khắc phục. Trước mắt là phải khắc phục tàu đã, còn trách nhiệm cụ thể của bên nào thì cần có thời gian phân tích, sau này chúng ta sẽ tính toán sau.

“Nghị định 67 là của trương lớn của Chính phủ, chúng ta đã triển khai được 379 tàu vỏ thép nhưng chỉ có 15 tàu bị trục trặc về máy hay vỏ, chiếm khoảng 2% trong tổng số tàu cá vỏ thép của chúng ta. Mặc dù đây là con số rất ít nhưng các cơ quan nhà nước vẫn vào cuộc giải quyết thấu đáo để ngư dân có phương tiện đánh bắt”, ông Oai cho biết.

Cũng trong sáng 26/5, phía Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đơn vị cung cấp máy Doosan và ngư dân các tàu vỏ thép bị hư hỏng có buổi đối thoại với nhau tại Chi cục thủy sản Bình Định, nhằm khắc phục những hư hỏng hiện tại. Phía đơn vị cung cấp máy cho biết sẽ sớm khắc phục những lỗi về hệ thống máy trên tàu cho ngư dân, chi phí do phía đơn vi cung cấp máy và đơn vị đóng tàu chi trả.

Trước đó, vào ngày 25.5, Công ty TNHH MTV Nam Triệu và đơn vị cung cấp máy mời chuyên gia hãng máy Doosan từ Hàn Quốc sang kiểm tra sự cố máy móc của các tàu. Phía chuyên gia hãng máy tiến hành kiểm tra máy ở tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99245 TS của  ngư dân Trần Đình Sơn (SN 1962, xã Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định) để tìm nguyên nhân hư hỏng.

Ngư dân Trần Đình Sơn cho biết, ông đã vận hành tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS đi được 2 chuyến biển, chuyến nào vừa ra khơi máy tàu cũng bị hỏng phải thuê tàu kéo về. Ông Sơn khẳng định tàu của ông chỉ gặp sự cố về máy, riêng vỏ thép đóng tàu rất tốt, là thép Hàn Quốc như trong hợp đồng, nên khi vận hành tàu không bị rung lắc.

Phía hãng máy đồng ý thay thế một số phụ tùng trên máy chính nhưng ông Sơn không đồng ý với điều này. “Máy mới chạy chưa lâu bị hỏng, thời gian bảo hành vẫn còn nên tôi muốn đơn vị cung cấp thay máy mới chứ không đồng ý thay một số phụ tùng vì lo ngại sẽ không đảm bảo, nếu ra khơi tàu tiếp tục bị sự cố về máy”, ông Sơn nói.

Ngư dân Lê Văn Hát (1973, Cát Khánh, Phù Cát) chủ tàu BĐ 99168 TS: “Máy trên tàu chạy nhanh nóng, nước ngọt rất hao, hơn nữa một số chi tiết khi bàn giao con tàu chúng tôi thấy không phù hợp. Nhân đây, chúng tôi muốn đơn vị đóng tàu, đơn vị cung cấp máy nhanh chóng khắc phục để chúng tôi ra khơi. Tàu của tôi đã nằm bờ  tại cảng cá Đề Gi từ 2.4 đến nay”.

Lão ngư Thái Văn Trị (65 tuổi, Cát Khánh, Phù Cát) bố của chủ tàu Thái Văn Duyệt (41 tuổi) mang số hiệu BĐ 99160 TS, bày tỏ: “Có tàu thép chúng tôi nuôi hy vọng tàu mới tốt hơn, kiên cố hơn, tính mạng ngư dân trên biển đảm bảo hơn để an tâm vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thế nhưng, con tàu vỏ thép 19,8 tỷ đồng mà như thế này, thì ngư dân chúng tôi đâu còn an tâm bám biển, đâu thể hoàn thành sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà Chính phủ, Nhà nước kỳ vọng”.

“Tàu không hoạt động, phí tổn hai lần đi còn âm mấy trăm triệu, nay mỗi ngày neo đậu phải trả thêm 40.000 tiền bến bãi. Tàu đánh bắt được, vào đậu bán cá, việc trả tiền là đương nhiên nhưng giờ tàu nằm bờ chờ sửa chữa mà ngư dân phải đội thêm một khoản tiền bến bãi thế này, trong hoàn cảnh này quả khó trăm bề”, ngư dân Lý (Mỹ Đức, Phù Mỹ) , chủ tàu BĐ 99004 TS giãi bày.

Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI