Diễn đàn "Góp ý quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt)"

“Tôi không đồng ý với ông Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt"

25/08/2020 - 16:42

PNO - Từ Vương quốc Anh, TS. KTS Đặng Thanh Hưng gửi một lá thư tới lãnh đạo TP Đà Lạt nhân chuyện thành phố này đang lấy ý kiến về 3 phương án quy hoạch đồi Dinh. Ngay lập tức, lá thư được nhiều người chia sẻ, nhất là những người dân Đà Lạt. Báo Phụ nữ TPHCM xin đăng tải nguyên văn lá thư của ông để bạn đọc có thêm góc nhìn về vấn đề đang được công luận quan tâm.

Diễn đàn "Góp ý quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt)"

Trước phản ứng của dư luận về 3 phương án quy hoạch đồi Dinh (được trưng bày để lấy ý kiến đến hết ngày 14/9), trả lời báo chí vào ngày 19/8, ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt nói: “Đà Lạt cần thay đổi để phát triển, không nên sống mãi với ký ức và hoài niệm”. Về 3 phương án kiến trúc đồi Dinh Tỉnh trưởng mà tỉnh Lâm Đồng đưa ra, ông Trình cho rằng: “Đều phù hợp trong sự tổng hòa phát triển chung của Đà Lạt, hướng đến đô thị di sản Đà Lạt”.

Sau bài viết Mượn “chiêu” chỉnh trang đô thị, để “bê tông hóa” những mảng xanh cuối cùng của Đà Lạt? đăng trên số báo 89 phát hành ngày 19/8/2020, Báo Phụ Nữ TPHCM tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của chuyên gia, những người yêu di sản Đà Lạt xung quanh dự án đang gây tranh cãi này.

Kính gửi ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt,

Ông đã phát biểu trên báo Thanh Niên vào ngày 20/8/2020: “Đà Lạt cần phải thay đổi để phát triển. Không nên sống mãi với ký ức và hoài niệm” và “Du khách mang tiền đến rồi mang về vì không có chỗ tiêu”, vì vậy, ông cho rằng việc tái thiết lại Khu trung tâm Hòa Bình và đồi Dinh là chính đáng.

Thử đặt một câu hỏi với ông và ê-kíp của ông về bài toán kinh tế, các hệ quả của sự tái thiết lên môi trường, thiên nhiên, hạ tầng và vận hành của đô thị, hệ thống di sản Đà Lạt nói chung cùng con người ở đây. Nếu có, thì bài toán có tầm nhìn bao nhiêu năm, lợi ích và thiệt hại ước lượng như thế nào, phần nào hơn? Sự tính toán chi tiết này có được công khai?

Có rất nhiều người giàu trên thế giới này không biết mình giàu, cũng như, nhiều người giỏi không biết mình giỏi. Chúng ta rất dễ rơi vào tâm thế “đứng núi này trông núi nọ” và đánh mất bản thân vì không hiểu chính bản thân mình. Sự giàu có của một đô thị hay một vùng đất không đo bằng có bao nhiêu khách sạn, khu phố mua sắm, nhà cao tầng hay xe hơi. Nếu có suy nghĩ đó thì ông đã lạc hậu và xin hãy qua châu Âu để quan sát, nhất là Bắc Âu.

Sự giàu có của một đô thị hay một vùng đất không đo bằng có bao nhiêu khách sạn, phố mua sắm, nhà cao tầng hay xe hơi
Sự giàu có của một đô thị hay một vùng đất không đo bằng có bao nhiêu khách sạn, khu phố mua sắm, nhà cao tầng hay xe hơi

Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch không có một nhà cao tầng nào, cả một thủ đô phát triển mà công trình chỉ được cao nhất có 7 tầng. Vậy nhưng không ai phàn nàn về việc tại sao Copenhagen không có cao ốc văn phòng.

Hay ở Hà Lan và Đan Mạch, người dân có cùng quan điểm đi xe đạp thích hơn ngồi xe hơi vì tốt cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị.

Việc đi xe đạp cũng yêu cầu chính quyền thành phố thay đổi và bổ sung các tiêu chuẩn, yêu cầu trong thiết kế đô thị, công trình. Làn đường cho người đi xe đạp, cầu đi bộ và bãi xe được quy hoạch. Bên trong các công trình phải bố trí phòng tắm và thay đồ cho nhân viên. Mô hình kinh tế cũng phát triển ăn theo như chính sách mua bán và cho thuê xe, dịch vụ ngân hàng, môi trường xây dựng.

Việc đi xe đạp không nói lên sự nghèo giàu mà phản ánh cấp độ cao sự văn minh trong tư duy, giáo dục, văn hóa của một dân tộc hay một đất nước. Đó là suy nghĩ tiến bộ và định nghĩa lại sự giàu có của một đô thị và đời sống đô thị.

Đà Lạt có một tài sản vô giá là di sản kiến trúc/ đô thị và thiên nhiên. Không nhiều nơi ở Việt Nam hay trên thế giới có được cả hai điều đó. Điều đáng buồn chính là ban lãnh đạo thành phố đang quá xem thường hay không biết giá trị tài sản mà mình đang có. Tài sản mà Đà Lạt đang có là kim cương chứ không phải cục đất. Vì vậy, thay vì nắm giữ tài sản lớn và phát huy chúng để tạo ra những giá trị cao hơn thì chúng ta đang "tiêu" quá hao: thiên nhiên bị hủy hoại, di sản bị đối xử không đúng và xóa bỏ.

Hãy nhìn vào khu biệt thự Trần Lệ Xuân, Dinh Bảo Đại, biệt điện của Hoàng hậu Nam Phương trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng đang được giữ gìn và khai thác như thế nào. Và bây giờ là Khu Hòa Bình và Dinh Tỉnh trưởng.

Tôi đã đi đến tất thảy những địa điểm này vào năm 2018. Cảm xúc của tôi là xót xa và ấm ức.

Các công trình hay chức năng mới được “cấy” vào, không quan tâm đến công trình được bảo tồn. Chúng cũng không có giá trị sáng tạo và mang hơi thở thời đại. Trong khuôn viên của biệt thự Trần Lệ Xuân, lối đi bộ hay cho xe được làm bằng cỏ và đá trước đây được thay bằng bê tông, một số chỗ bị cơi nới không hài hòa cảnh quan và công trình di sản hiện hữu. Chưa kể, các công trình có giá trị di sản thì bị bỏ bê, xuống cấp như ở biệt thự Trần Lệ Xuân hay biệt điện Hoàng hậu Nam Phương, nhiều đồ nội thất và trang trí không phải nguyên bản và cũng không được làm đúng nguyên tác.

Cái ký ức và hoài niệm mà ông Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt đề cập là không đúng. Ký ức là thứ được hình thành dựa trên sự tương tác, tiếp xúc, nhìn thấy, cảm nhận giữa con người với đối tượng nào đó trong hệ không gian và thời gian. Và rồi chúng mất đi, chỉ còn lưu lại trong tâm khảm của con người hay trên tư liệu.

Những rặng thông xanh, đồi cỏ, hồ nước, biệt thự và công sở được sử dụng vào thời Pháp thuộc, không khí mát mẻ, màn sương mờ ảo là đặc sản của Đà Lạt đang dần chỉ còn là ký ức. Quá trình đó sẽ nhanh hơn, chính là do những quyết định thiếu sáng suốt và tầm nhìn của ban lãnh đạo thành phố, ví dụ như định hướng quy hoạch cho Khu Hòa Bình và đồi Dinh, nền nông nghiệp và công nghiệp du lịch sai lầm, không bền vững tại đây.

Nếu xóa Khu Hòa Bình hay đồi Dinh thì mới đúng là tạo ra ký ức.

thay vì nắm giữ tài sản lớn và phát huy chúng để tạo ra những giá trị cao hơn thì chúng ta đang tiêu quá hao: thiên nhiên bị hủy hoại, di sản thì bị đối xử không đúng và xóa bỏ.
Thay vì nắm giữ tài sản lớn và phát huy chúng để tạo ra những giá trị cao hơn thì chúng ta đang "tiêu" quá hao: thiên nhiên bị hủy hoại, di sản thì bị đối xử không đúng và xóa bỏ.

Chúng ta không thể nào giáo dục hậu thế yêu di sản, yêu thiên nhiên, văn hóa của đất nước này với một tài sản rỗng tuếch và chỉ qua nói miệng, trang sách với vài ba tấm hình. Và hậu thế biết rằng chính chúng ta, những con người đương thời là nguyên nhân của kết quả này.

Sự gắn kết của con người với nơi họ sinh ra được xây dựng từ nhiều thứ, trong đó có di sản. Chắc chắn nó được hình thành khi di sản đó còn tồn tại. Chúng ta sẽ cảm thấy may mắn hay thiếu sót nếu học về lịch sử triều Nguyễn, kiến trúc cung đình Việt Nam mà không có sự hiện hữu của Cố Cung Huế.

Những gì minh chứng cho bài học, tình yêu và kiến thức sẽ được đúc ra từ đâu? Tuy nhiều di sản hữu hình và vô hình của Đà Lạt đã bị mất nhưng may mắn, nhiều thứ vẫn còn hiện hữu đủ để chúng ta củng cố lại nền móng của nó, giá trị sờ nắm được và giá trị tâm linh của con người với Đà Lạt ở hiện tại và những thế hệ tiếp nối.

Dù từng biết và nghe đến họa sĩ Van Gogh qua sách báo và mạng; nhưng nếu đến Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, ta sẽ có cảm xúc khác hẳn: háo hức, xúc động, khâm phục và tự hào khi được nhìn thấy các tác phẩm của ông; hiểu về thế giới hội họa, con người, cuộc đời, sức sáng tạo của ông. Van Gogh và tranh của ông không còn là di sản của Hà Lan mà cả nhân loại.

Để vào được bảo tàng này, chúng ta phải trả một giá vé không nhỏ. Để có một nơi lưu giữ, giới thiệu tranh của Van Gogh với công chúng yêu hội họa, nghệ thuật, hay chỉ đơn thuần là tò mò về ông, thì chính thế hệ kế cận của họa sĩ đã đầu tư ngay từ ban đầu và sau đó là chính quyền thành phố.

Nói vậy để thấy rằng di sản phải được bảo vệ và song hành cùng sự phát triển. Nếu chúng ta không hiểu giá trị của di sản và khai thác chúng để tạo ra giá trị kinh tế, đó là lỗi của chúng ta. Khi chúng ta biết giá trị của Đà Lạt ở đâu thì sẽ biết đầu tư như thế nào, bao nhiêu và làm sao để thu hút túi tiền của du khách. Nên tôi không đồng ý với ông Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt về việc có ai đó đem tiền lên Đà Lạt mà không biết tiêu vào đâu.

Và hãy nhớ rằng, giá trị kinh tế sẽ rất lớn từ đầu tư bài bản và nghiêm túc để giữ gìn, phát triển di sản cả về kiến trúc, đô thị, môi trường, thiên nhiên hiện có. Trong thời đại này, chúng là quan hệ cộng sinh. Và vượt lên cả giá trị kinh tế là giá trị giáo dục, phẩm chất, kiến thức, tư duy, ứng xử, tâm linh của con người.

Xin hãy để cho người dân Đà Lạt tự hào vì họ là người Đà Lạt; Đà Lạt có cái này, cái kia mà nơi khác không thể có được và xin đừng biến di sản đang hiện diện thành ký ức.

Chắc chắn một điều, du khách sẽ không đến Đà Lạt vì nó có trung tâm thương mại A hay khách sạn B, ông nên hiểu rõ điều này. Vì vậy, chúng ta không thể lấy những cái này làm thước đo cho sự văn minh, độ giàu có và trình độ văn hóa lẫn kinh tế.

TS. KTS Đặng Thanh Hưng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI