Tờ thỏa thuận... bí ẩn

17/01/2018 - 10:36

PNO - Bà Phát cho rằng, nếu đúng là mẹ mình đã ký thỏa thuận thừa nhận phần đất giữa 2 căn nhà thuộc quyền sở hữu của ông H. vào năm 2012 thì cũng không hợp lý, vì lúc đó bà đã 85 tuổi, không còn minh mẫn.

Cho là hàng xóm xây dựng lấn chiếm hẻm chung, bà Dương Thị Hoài Phát (nhà số 401A/1 đường Hậu Giang, P.11, Q.6) đã làm đơn khiếu nại gửi chính quyền địa phương. UBND phường đã hòa giải, lập biên bản, yêu cầu dừng thi công công trình; nhưng sau đó công trình này vẫn tiếp tục được thi công vì “xây dựng đúng giấy phép”. Vì thế, bà Phát khởi kiện.

To thoa thuan... bi an
Bà Phát trình bày vụ việc với phóng viên

Tờ thỏa thuận ở đâu ra?

Theo bà Phát, căn nhà bà đang ở đã có từ rất lâu, là tài sản cha mẹ bà để lại, được cấp giấy phép hợp thức hóa chủ quyền nhà cho bà năm 1987. Giữa căn nhà 401A/1 của bà Phát và căn nhà số 401A do ông P.B.C. làm chủ có khoảng đất rộng 0.5m, qua nhiều đời chủ sở hữu đều được bà Phát xác định là hẻm chung.

Chuyện rắc rối phát sinh vào khoảng tháng 11/2017, khi ông P.B.C. xây nhà lấn ra “hẻm chung” này, làm bể tấm đan cửa sổ và gây ảnh hưởng đến kết cấu căn nhà bà Phát. “Con hẻm đã tồn tại qua 4 đời chủ, không ai lấn chiếm. Ông C. xây nhà trên hẻm, không chỉ ảnh hưởng đến kết cấu căn nhà của tôi, mà còn gây nguy hiểm cho gia đình tôi nếu lỡ xảy ra hỏa hoạn. Gia đình ông C. có đề nghị bồi thường 20 triệu đồng nhưng tôi không đồng ý” - bà Phát nói. 

To thoa thuan... bi an
Căn nhà xây dựng trên phần đất trống đã có từ lâu

Sau sự việc trên, bà Phát đã trình báo với chính quyền địa phương, cán bộ địa chính của P.11 đã xuống lập biên bản ngày 14/11/2017 và tổ chức hòa giải ngày 16/11/2017. Theo biên bản những lần làm việc này, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công tạm ngưng công trình để chờ giải quyết theo quy định pháp luật.  

Về “hẻm chung” này, đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.6 xác định, giữa 2 căn nhà 401A và 401A/1 có một khoảng trống và khoảng trống này đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu cho nhà 401A, hiện do ông C. đứng tên. Căn cứ để cấp chủ quyền cho nhà 401A là vào năm 2012 mẹ bà Phát đã ký thỏa thuận có nội dung: phần đất trống giữa 2 căn nhà do ông H. (chủ trước của nhà 401A) sở hữu.

Trong biên bản hòa giải, ông C. cho rằng, ông là người mua lại căn nhà có chủ quyền hợp lệ, được cấp phép xây dựng, nên việc xây dựng là đúng theo ranh đất. Tuy nhiên, bà Phát vẫn khẳng định, con hẻm chung đã có từ lâu, qua rất nhiều đời chủ, nên việc cấp chứng nhận quyền sử dụng cho một bên là không thỏa đáng. 

Ngoài ra, nếu đúng là mẹ bà Phát đã ký thỏa thuận thừa nhận phần đất giữa 2 căn nhà thuộc quyền sở hữu của ông H. vào năm 2012 thì cũng không hợp lý, vì lúc đó bà đã 85 tuổi, không còn minh mẫn. Bản thân bà Phát và những người thừa kế cũng không biết gì về văn bản thỏa thuận cho đến khi ông C. tiến hành xây dựng nhà.

“Lúc đó mẹ tôi đã 85 tuổi, khi ký giấy không có mặt chúng tôi. Nếu như cơ quan chức năng dựa vào thỏa thuận nói trên để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà bên cạnh là không thỏa đáng” - bà Phát nói. Do vậy, bà Phát yêu cầu kiểm tra lại hồ sơ cấp chủ quyền để làm rõ việc cấp phép có hợp lý không, đồng thời xác định lại giá trị pháp lý của tờ thỏa thuận. 

Cần xác định rõ là hẻm chung hay đất riêng

Bất chấp việc UBND P.11 đã lập biên bản yêu cầu chủ công trình ngưng thi công để chờ giải quyết theo quy định của pháp luật, chủ công trình là ông C. vẫn tiếp tục cho xây dựng nên gia đình bà Phát đã khiếu nại sự việc đến Thanh tra xây dựng Q.6. Theo biên bản làm việc của Đội Thanh tra Q.6 ngày 21/11/2017, công trình thi công lắp đặt sắt, đà kiềng; có phần ranh móng phù hợp chỉ giới xây dựng đúng theo bản vẽ.

Do chủ đầu tư đã ép 4 cọc bê tông cốt thép âm dưới mặt đường đối với phần diện tích không được phép xây dựng, nên thanh tra xây dựng đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công không xây dựng trên phần diện tích này; đồng thời tạm ngưng xây dựng công trình theo nội dung biên bản hòa giải ngày 16/11/2017 tại UBND P.11 để chờ giải quyết.

Tuy nhiên, theo bà Phát, sau đó phía ông C. vẫn tiếp tục cho thi công, ước tính công trình đã cao hơn 3,5m mà vẫn không bị xử lý. Hiện bà Phát đã làm đơn khởi kiện việc UBND Q.6 cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu con hẻm cho chủ nhà 401A ra TAND TP.HCM để yêu cầu hủy giấy chứng nhận phần cấp sai, tháo dỡ công trình lấn hẻm chung và bồi thường 60 triệu đồng do xây dựng làm bể tấm đan cửa sổ nhà bà. 

Giấy thỏa thuận của mẹ bà Phát không có giá trị pháp lý

Theo hồ sơ cũ, giữa 2 căn nhà này có một khoảng trống khoảng 0,5m, nhà nước chưa công nhận cho bất kỳ bên nào. Theo quy định, đây là hẻm chung, không được ai tự định đoạt cho mình. Người nào muốn được hợp thức hóa phải ký giáp ranh với các nhà bên cạnh. 

Việc mẹ bà Phát lập văn bản thỏa thuận không có chữ ký mà chỉ lăn tay nhưng UBND vẫn xác nhận chữ ký là không hợp lý. Ngoài ra, tại thời điểm ký, mẹ bà Phát đã 85 tuổi, nhưng lại không có ai làm chứng. Hơn nữa, tại thời điểm ký văn bản, cha bà Phát đã chết, nhà đất nêu trên là của cha mẹ bà Phát để lại cho các con nên một mình mẹ bà Phát không đủ quyền tự định đoạt căn nhà mà phải có sự đồng ý của các con. Do mẹ bà Phát tự lập văn bản đó nên văn bản không có giá trị pháp lý. 

Theo tôi, việc UBND Q.6 cấp giấy chứng nhận phần đất trống giữa 2 nhà cho nhà bên cạnh mà không hỏi ý kiến các anh chị em bà Phát, là những đồng thừa kế phần của cha bà Phát để lại, là chưa đúng pháp luật. Vì vậy, phải thu hồi và hủy bỏ cấp giấy chứng nhận chưa đúng này. Việc UBND phường yêu cầu ngưng xây dựng khi phát sinh tranh chấp mà chủ đầu tư vẫn xây dựng là vi phạm pháp luật, cần xử phạt nghiêm và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn luật sư TP.HCM

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI