Tìm cách giúp học sinh vượt qua mùa hè đặc biệt

21/06/2021 - 12:56

PNO - Không du lịch, không về quê thăm ông bà, không lớp học ngoại khóa, không bạn bè, thậm chí không được đi ra khỏi nhà… Những đứa trẻ ở TP.HCM đang trải qua một mùa hè đặc biệt bởi dịch COVID-19. Theo các chuyên gia về tâm lý, giáo dục, phụ huynh phải biết cách “bày trò” mới có thể giúp trẻ vượt qua kỳ nghỉ hè bí bách này.

Không du lịch, không về quê thăm ông bà, không lớp học ngoại khóa, không bạn bè, thậm chí không được đi ra khỏi nhà… Những đứa trẻ ở TP.HCM đang trải qua một mùa hè đặc biệt bởi dịch COVID-19. Theo các chuyên gia về tâm lý, giáo dục, phụ huynh phải biết cách “bày trò” mới có thể giúp trẻ vượt qua kỳ nghỉ hè bí bách này.

Nghỉ hè là thời gian nghỉ ngơi và dành cho các hoạt động vui chơi, ngoại khóa giúp học sinh tái tạo năng lượng, chuẩn bị cho lớp học tiếp theo. Nhưng tình hình năm nay lại khác, dịch bùng phát, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, hơn 400 địa chỉ phải phong tỏa hoặc cách ly y tế… khiến mùa hè của phần lớn trẻ đều quanh quẩn trong nhà. Trung tâm vui chơi giải trí, học ngoại ngữ, kỹ năng những năm trước sôi động bao nhiêu thì năm nay phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Chỉ cưng nổi… khi hai con đi ngủ

Đó là câu nói vui của chị Đoàn Minh Ngọc (Q.8) phác họa về mùa hè đặc biệt của hai con trai, năm học tới sẽ vào lớp Hai và lớp Ba. Mấy tuần hai con nghỉ học đã biến nhà thành bãi chiến trường. Chị vừa làm bánh bán vừa chơi với con, kiêm luôn nhiệm vụ cô giáo dạy học khiến chị xây xẩm mặt mày vì phải la hét liên tục. “Cứ canh mình bận tay làm bánh, giao hàng là hai con lén chơi điện thoại, mở ti vi. Nhiều lúc hai đứa giành nhau điện thoại chơi trò chơi, rồi cãi nhau, lo dàn xếp phân xử cũng mệt. Năm nay, không kịp gửi con về quê, bắt hai đứa nhỏ hiếu động suốt ngày quanh quẩn trong nhà không cho chơi điện thoại cũng không được. Chơi chán, hai đứa lại nằm vật ra than buồn, hỏi chừng nào mới được đi công viên…”, chị Minh Ngọc kể. 

Hai con của anh Nguyễn Trọng Trung (TP.Thủ Đức) học làm bánh, nấu ăn từ khoai lang tím - ẢNH: DƯƠNG BÌNH
Hai con của anh Nguyễn Trọng Trung (TP.Thủ Đức) học làm bánh, nấu ăn từ khoai lang tím - ẢNH: DƯƠNG BÌNH


Chị Lan Phương ở chung cư Ehome 3 (Q.Bình Tân), đang chịu cảnh cách ly tại nhà suốt ba tuần nay nên cô con gái học lớp Bốn của chị chưa từng ra khỏi nhà, ngoài những lần phải xuống sảnh để xét nghiệm. Chị kể, hè năm trước, chị cho con tham gia học kỳ quân đội một tuần, sau đó dẫn con đi chơi Đà Lạt vài ngày và về thì vào lớp học tiếng Anh, lớp học bơi… Chị sắp xếp kín hoạt động vui chơi hè để tách con xa điện thoại, iPad. Nhưng năm nay thì khác, cho con ôn bài cũ, học bài mới mỗi ngày hai tiếng, còn lại phải chấp nhận cho con chơi điện thoại. Nhà chung cư không có sân để chơi hay trồng cây nên chị gần như bế tắc trong việc nghĩ ra trò để con tiêu khiển. 

Không chỉ phụ huynh ở nhà “đánh vật” nghĩ cách để giúp con trải qua một mùa hè khác biệt, mà các trung tâm ngoại ngữ, các “lò” đào tạo kỹ năng cũng nếm trải một mùa vàng đìu hiu chưa từng có. Nếu như mùa hè mọi năm là mùa vụ lớn nhất của các trung tâm dạy kỹ năng, các lớp ngoại khóa thì năm nay tất cả đều im lìm vì dịch. Lịch khai giảng các lớp mà phụ huynh đã đăng ký trước đó phải hoãn lại không kỳ hạn. 

Cần chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập The Edu House (TP.Thủ Đức), nhìn nhận: “Chúng ta chưa thực sự quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ. Khi đại dịch ập đến, người lớn lo đối phó với các vấn đề như cuộc sống tù túng, công việc khó khăn, bị cắt giảm thu nhập… đã bỏ quên việc phải giải tỏa căng thẳng cho con, trong khi đời sống tinh thần của trẻ nhỏ còn bị ảnh hưởng hơn cả chúng ta”. Theo chuyên gia này, cũng giống như người lớn cần đi làm thì việc học là hoạt động giúp cho trẻ nhỏ có mục tiêu phấn đấu để thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Khi tất cả đều bị ngừng, trẻ không có cơ hội trải nghiệm một mùa hè tung tăng với không gian rộng mở bên ngoài thì cha mẹ tinh ý một chút sẽ có rất nhiều cách giúp con có những ngày hè thú vị, sáng tạo ngay trong ngôi nhà nhỏ của mình. 

Trẻ được phụ huynh chỉ dẫn cách chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà ẢNH: NGUYỄN VĂN CẢI
Trẻ được phụ huynh chỉ dẫn cách chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà ẢNH: NGUYỄN VĂN CẢI

Đồng quan điểm, thạc sĩ giáo dục học Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn kỹ năng Trường đại học Công nghệ TP.HCM, cho rằng, trước hết cha mẹ cần đả thông tư tưởng của mình và chuẩn bị kế hoạch để gia đình thích nghi: thay đổi thói quen sinh hoạt, có kế hoạch chi tiêu dài hạn. Cần nói cho con hiểu, đây là hoàn cảnh bắt buộc phải ở trong nhà. Thực ra, trẻ từ năm tuổi đã có đủ nhận thức để hiểu tình hình nên phụ huynh có thể nói hoặc cùng con xem thời sự để con hiểu nguyên nhân, thay đổi nhận thức, xóa bỏ cảm giác hụt hẫng và thích nghi dần. Sau khi trẻ đã hiểu thì cha mẹ cùng con vượt “chướng ngại vật”. Ban ngày, cha mẹ đi làm có thể tranh thủ nghỉ trưa để gọi điện trò chuyện cùng con, giao nhiệm vụ… Tối về tranh thủ dành thời gian cùng chơi, nấu ăn, trò chuyện với con, tuyệt đối không “ôm” điện thoại. Nhìn nhận một cách tích cực thì đây là cơ hội kết nối các thành viên trong gia đình.

Còn ông Nguyễn Thành Nhân, Cố vấn cấp cao của Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương (Q.1), cho biết: đây là cơ hội để dạy các bạn trẻ kỹ năng sống tự lập và mạnh mẽ đối đầu nghịch cảnh. Hướng các bạn sống vì cộng đồng như dùng tiền tiết kiệm giúp đỡ người khác, tham gia bếp ăn cho người khó khăn… Đặc biệt, trong thời gian này, cha mẹ không nên nói đến những chuyện quá tiêu cực hoặc sợ hãi gây tác động lên tâm lý trẻ. 

Trong nhà cũng lắm trò vui
Thạc sĩ Chế Dạ Thảo khuyên cha mẹ phải chuyển đổi các hoạt động từ ngoài phố về trong ngôi nhà của mình. Học kỹ năng không nhất thiết phải ra ngoài, miễn sao có thể giúp con thao tác thành thục những việc đó. Cha mẹ có thể thiết kế nhiều hoạt động thay thế như dạy con chơi cờ, chăm sóc cây, làm vườn, nấu ăn. Nhà không có sân thượng thì tận dụng ban công nhỏ… miễn tạo được sự hấp dẫn, mới mẻ thì trẻ sẽ tham gia. Người trẻ thường hiếu thắng, thích sự kích thích, khám phá hấp dẫn. Vì vậy, chúng ta có thể tận dụng điều này để giao nhiệm vụ cho các bạn vừa chơi vừa học như cả gia đình thi chăm sóc cây xem người nào mát tay hơn; giao cho con chơi lego để tư duy, vẽ tranh, nghiên cứu khoa học ngay trong nhà. 

Trẻ em cũng có thể giúp nhau lập kế hoạch cho mùa hè đặc biệt
Trẻ em cũng có thể giúp nhau lập kế hoạch cho mùa hè đặc biệt

Theo thạc sĩ Chế Dạ Thảo, việc con thích điện thoại chưa hẳn là xấu, quan trọng là cha mẹ biết cách biến chiếc điện thoại thành hữu dụng. Thí dụ, con thích xem YouTube thì cho con thử làm youtuber du lịch, tập làm vlog để giới thiệu về một loại động vật… Muốn làm như vậy bắt buộc con phải tìm hiểu kiến thức, mày mò các thao tác công nghệ… hình thành kỹ năng làm quen với việc giao tiếp gián tiếp.

Anh Nguyễn Trọng Trung (TP.Thủ Đức) có hai con gái nên đã chủ động nghĩ ra nhiều trò để con không bí bách. Vợ anh mua 20kg khoai lang tím ủng hộ nông dân nên gia đình thường xuyên ăn buffet khoai lang và hai con cũng học làm bánh, nấu ăn từ khoai lang. Ngoài ra, vợ chồng anh còn bày cho con tận dụng những thứ có sẵn trong nhà như thùng các-tông, các loại hộp, hoa lá trong vườn, các loại giấy, đồ dùng nhà bếp… để chơi. 

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ, có nhiều cách để giúp trẻ kết nối với thế giới bên ngoài, vẫn học tập dù ở nhà. Cụ thể, thầy cô và cha mẹ có thể giúp con vào chương trình Design For Change để kết nối với trẻ em của khoảng 100 quốc gia. Họ có rất nhiều chương trình giúp trẻ em thích nghi với thời đại hậu COVID-19. Mỗi tuần, họ tổ chức show DFC Connect bằng online cho các bé chia sẻ cảm xúc, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống như: Làm sao để không chán? Làm sao để ông bà vui khỏe trong mùa dịch? Hỗ trợ bác nông dân bằng cách nào?… Hay các lớp kỹ năng online như Net-smart giúp trẻ có kỹ năng bảo vệ mình trên mạng xã hội… 

Lập kế hoạch đọc sách
Nhiều người hay “chê” các bạn trẻ lười đọc sách thì đây là cơ hội để tập cho trẻ thói quen đọc sách theo cách mà người trẻ thích. 
Theo các nhà sư phạm, mỗi thế hệ có cách tiếp thu thông tin và tri thức khác nhau, ngày nay đọc sách không còn là con đường duy nhất để học. Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương cho hay: ngày nay, trẻ có thể học từ YouTube, thậm chí là mạng xã hội, đó là cách tiếp cận của người trẻ. Các bạn trẻ chỉ thích thú và mong muốn mình được tham gia vào quá trình đồng kiến tạo ra cái mới hơn là thụ động tiếp nhận tri thức. Vậy, những người làm văn hóa và giáo dục phải thay đổi cách tiếp cận hiệu quả hơn, phải hiểu con người của thời đại cần gì. Chúng ta cần có cách giới thiệu mới mẻ bằng công nghệ, mạng xã hội… để khơi gợi sự hứng thú, hướng các bạn trẻ đi tìm câu trả lời trong những đầu sách cụ thể. Thí dụ, các bạn sẽ không mua sách nếu nghe ai đó nói hay nhưng sẽ lập tức tìm đọc nếu sách đó được giới thiệu và đang “hot” trên YouTube, Facebook…

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI