Tiếp nhận sách cổ Kỹ thuật của người An Nam

18/07/2013 - 20:35

PNO - PNO - Chiều 18/7, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (CVCĐ) đã tổ chức lễ tiếp nhận cuốn sách cổ có tựa đề Kỹ thuật của người An Nam, do ông bà Bùi Thị Cẩm Hà - Lê Thái (Việt kiều Pháp) hiến tặng. Đây là lần thứ hai ông bà...

Cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Annamite hay Mechanics and crafts of the Annamites) được Bảo tàng CVCĐ Huế tiếp nhận và trưng bày, có kích thước 44cm x 63cm, bằng giấy dó, gồm 348 trang. Đây là một cuốn sách được in theo kiểu in tranh mộc bản, gồm 348 tờ, khổ lớn, ghi lại cảnh sinh hoạt, lao động hàng ngày của người Việt Nam, với mục tiêu nghiên cứu về văn minh vật chất của vùng đồng bằng Bắc Bộ vào đầu thế kỷ XX. 

Tiep nhan sach co Ky thuat cua nguoi An Nam

Một phần cuốn sách cổ Kỹ thuật của người An Nam

Công trình này đã được ông Henri Oger cùng một số họa sĩ, thợ khắc mộc bản, thợ in thực hiện từ năm 1908 đến năm 1909 tại Hà Thành. Trong khoảng 20 tháng, Henri Oger đã cùng một số họa sĩ người Việt khảo sát nhiều nơi tại các vùng ngoại thành Hà Nội và khu vực 36 phố phường, để vẽ hơn 4.200 hình vẽ với nhiều chủ đề khác nhau mà họ bắt gặp và ghi nhận qua các chuyến khảo sát. Họ đã ghi nhận được rất nhiều tiểu tiết của cuộc sống bằng cái nhìn trung thực. Các bản vẽ trước khi chuyển cho thợ khắc mộc bản, Henri Oger đã nhờ người dân kiểm tra lại, có được sự đồng thuận thì mới cho khắc, phụ đề chữ Nôm rồi in thành tranh mộc bản. Thường mỗi hình vẽ đều có 2 phần: phần hình họa và phần chữ Nôm chú thích. 

Hơn 4.200 hình vẽ tuy chưa được sắp xếp một cách hệ thống nhưng xâu chuỗi các chủ đề, chúng ta sẽ có những câu chuyện bằng hình ảnh kể về các kỹ thuật tuy đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều yếu tố văn hóa, tinh thần giàu bản sắc của người Việt. Đó là những câu chuyện về nghề truyền thống như nông nghiệp, làm giấy, điêu khắc và tạc tượng, chế biến món ăn, xây dựng, bói toán, may mặc, tô vẽ tranh và sơn, các phương pháp trị liệu dân gian, buôn bán... thậm chí cả nghề bán rong.

Tìm trong Kỹ thuật của người An Nam, có thể hiểu thêm về đời sống, sinh hoạt, các thao tác nghề thủ công, phong tục văn hóa của người Việt đầu thế kỷ XX. Một xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX hiện lên cực kỳ sinh động, như được liệt kê chi tiết qua những hình vẽ đơn giản. Từ những việc hiếu hỉ như cưới hỏi, tang ma, tế lễ, đón Tết ... đến những sinh hoạt hàng ngày cùng những thú vui như đá cầu, đánh tam cúc, hát trống quân, thả diều, vợt bướm ... khiến các bản vẽ trở thành một loại tư liệu đặc sắc khi nghiên cứu về xã hội Việt Nam vào giai đoạn này. Vì hạn chế về mặt tài chính nên Henri Oger chỉ cho in được 60 bản tại một cửa hiệu do chính mình làm chủ ở phố Hàng Gai, Hà Nội.

Sau thời Pháp thuộc, Kỹ thuật của người An Nam chỉ còn lưu lại tại Việt Nam 3 bản: bản thứ nhất không hoàn chỉnh, được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội; bản thứ hai được bảo quản tương đối tốt tại Viện Khảo cổ (Sài Gòn) - Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ngày nay và một bản khác tại Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Hà Nội. Bản sách được tiếp nhận và trưng bày lần này là một bản gốc hoàn chỉnh và có lẽ là bản thứ 4 có mặt ở Việt Nam hiện nay.

Năm 2009, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, NXB Thế Giới, Công ty Nhã Nam đã phối hợp tái bản bộ sách này thành 3 tập, khổ 31,5x24 cm bằng 3 thứ tiếng Việt-Pháp-Anh, phát hành kèm 1000 đĩa DVD. 

THUẬN HÓA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI