“Tiếng sóng bủa ghềnh” - Âm vang ru giấc ngủ dài

06/06/2022 - 06:30

PNO - Tối thứ năm 26/5/2022, tôi nhận được điện thoại của anh Thành, chồng em Hòa, con rể dì Bảy Huệ vừa báo tin, vừa trấn an tôi: “Chị bình tĩnh, bà Bảy yếu lắm rồi, sẽ không lâu đâu…”.

 

Tôi  nghe  mà giật thót người, bởi mới sáng nay, khi lướt web tìm thông tin cho bài viết, rị mọ làm sao, iPad bỗng xuất hiện các bức ảnh mà Bắc (con gái chú Sáu Thảo chụp khi tôi và chú Sáu khi đến nhà dì Bảy làm việc về cuốn hồi ức). Ảnh chụp gồm có dì Bảy, chú Sáu Thảo, anh Thành, Bình và tôi. Ngay lúc ấy, tôi thầm nhắc nhở mình: “Phải sắp xếp ghé thăm dì Bảy thôi!''. Bởi hai năm qua, do dịch COVID-19, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của dì mà tôi đã không dám đến thăm dì vào những dịp lễ lộc hàng năm như  lệ thường.

Tác giả trong một lần đến thăm dì bảy Huệ
Tác giả trong một lần đến thăm dì Bảy Huệ

Thuở còn công tác ở Nhà văn hóa Thanh Niên, khi được tiếp xúc với dì ở Tổ tổng kết Phong trào Phụ nữ Nam bộ, ấn tượng nhất ở dì trong tôi là hình ảnh người phụ nữ đậm chất Nam bộ, nhanh nhẹn, cởi mở, chân chất, gương mặt thật phúc hậu. Duyên may tôi lại được gắn bó và gần gũi với dì Bảy nhiều hơn khi thực hiện tập sách Nguyễn Văn Linh - Hành trình cùng lịch sử.

Để rồi tiếp sau đó, theo lời đề nghị của Nhà xuất bản Trẻ và được sự đồng ý của gia đình, dựa trên bản thảo dở dang đã được chuẩn bị bởi cố nhà văn Hàn Song Thanh và chị Ngô Phụng Ánh, hàng ngày được ngồi nghe dì kể lại chuyện đời mình, tôi cố gắng bố cục, sắp xếp cấu trúc cho phù hợp, tỉ mỉ ghi chép, bổ sung những chi tiết, tư liệu, cần thiết. Đáng quí nhất có được sự góp ý cẩn trọng của chú Dương Đình Thảo.

Hồi ức 2 tập mang tên Tiếng sóng bủa ghềnh được hoàn thành và ra mắt vào năm 2015, đúng như tâm nguyện của dì: “… điều mong ước chính của tôi là muốn lưu lại cho con cháu và những người thân trong gia đình những kỷ niệm sâu sắc về một người mẹ, người bà đã sống hết lòng vì lý tưởng, vì tình yêu cách mạng, tình yêu gia đình. Với bạn đọc, câu chuyện đời tôi cũng chỉ là câu chuyện nhỏ trong muôn ngàn câu chuyện lớn của những người chị, người vợ, người mẹ trong chiến tranh cũng như khi hòa bình, luôn thủy chung, sống hết mình với tình yêu Tổ Quốc, tình yêu gia đình”.

Diễm phúc nhất đối với tôi là thời gian được gần dì, được nghe dì trải lòng với những câu chuyện thuở ấu thơ, từ một bé gái nhà quê, ăn chay trường, thích lên chùa lạy Phật để cầu trời Phật độ trì cho mẹ và gia đình bớt khổ nhọc. Đến khi đã là một thiếu nữ 15 tuổi được anh Năm (anh rể) giác ngộ, được ông Quảng Trọng Hoàng truyền dạy những bài học Cách mạng đầu tiên; rồi những xao xuyến tình đầu, rồi chuyện nên duyên cùng chú Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh). Đôi vợ chồng đồng chí hướng đã cùng nhau sánh đôi, cùng cảm thông, chia sẻ vượt qua những hiểm nguy, gian khổ, buồn vui trong suốt hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cho đến ngày đất nước được yên bình, thống nhất, gia đình đoàn tụ, sum họp, hạnh phúc, dì lại tiếp tục một chặng đường mới, tham gia công việc chính quyền (Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ của Trung ương, chịu trách nhiệm về TPHCM). Rồi khi nghỉ hưu, cùng với các dì ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam theo đuổi việc viết sử và tổng kết phong trào phụ nữ Nam bộ, xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, cùng với các thành viên sáng lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo rong ruổi khắp nơi để san sẻ, sớt chia những cảnh đời nghèo khó, bệnh tật của đồng bào ở các tỉnh thành trong cả nước.

Nhắc đến dì Bảy, chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) đã từng ghi nhận: "Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, chị Bảy Huệ giữ nhiều trọng trách khác nhau, nhưng không ai thấy chị so đo hơn thiệt. Chị đã dành hết tâm sức của mình cho sự nghiệp cách mạng, cho phúc lợi cộng đồng, không biết mệt mỏi, đặc biệt đến tận giờ ở cái tuổi quá “cổ lai hy" của chị. Ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa là một chiến sĩ Cách mạng kiên trung. Trong gia đình, chị là người vợ, người mẹ, người chị tuyệt vời; đối với bạn bè, đồng chí, chị nhất mực quí mến. Chị Bảy Huệ là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam bộ, người phụ nữ Việt Nam”. (Trích Lời giới thiệu hồi ức Tiếng sóng bủa ghềnh, Võ Văn Kiệt, ngày 2/9/2006)

Vâng, chính phẩm chất sáng trong của người nữ cán bộ đảng viên 87 tuổi đảng (1935-2022 ) với cái tên Ngô Thị Huệ, người luôn tận tụy, hết lòng vì nước vì dân khiến ai ai cũng yêu thương, kính phục. Giờ thì trái tim nóng bỏng ấy đã ngừng đập…

Thưa dì Bảy, vậy là đến nay, trải qua hơn 1 thế kỷ nghĩa tình, tận lực, tận tâm cống hiến cho đời, sống hết lòng và trách nhiệm với gia đình, Tổ quốc và đồng bào, kiếp nhân sinh dì đã đi trọn hết con đường. Âm vang Tiếng sóng bủa ghềnh thuở còn con gái nơi quê nhà sẽ ru dì chìm vào giấc ngủ dài, thanh thản, phiêu bồng về với tổ tiên, với chú Mười và em Linh.

Mọi người sẽ mãi luôn nhớ đến dì.

Quách Thu Nguyệt 

Nguyên Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lâm Minh Trang 06-06-2022 12:52:21

    Chân thành cảm ơn Chị Quách Thu Nguyệt qua bài viết chân tình mà sâu sắc, giúp bạn đọc báo Phụ Nữ và đặc biệt là các em, cháu ở độ tuổi không biết rõ về thề hệ lão thành cách mạng tiền bối như Dì Bảy Huệ.

    Kính tiễn Bà - một Đệ nhất phu nhân đúng nghĩa cao đẹp của cụm từ này - sau một hành trình sống và chiến đấu, làm việc và đồng hành cùng Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong công cuộc xây dựng đất nước, trong sự nghiệp an sinh, an dân nhiều cam go của đất nước, mong Bà được an nghỉ hoàn toàn!

    Trân trọng kính tiễn,

    Lâm Minh Trang và gia đình (Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI