Tiếng gọi của tuổi thơ

17/08/2014 - 22:35

PNO - PNCN - Tuần trước, trở lại thành phố Châu Đốc tôi được ngủ trên tầng bốn là tầng cao nhất của một bệnh viện tư nhân có rất nhiều cây xanh. Tầng có mấy căn phòng thiết kế như khách sạn dành cho khách quen. Tinh mơ thức giấc...

edf40wrjww2tblPage:Content

Làng tôi có cả chùa lẫn nhà thờ và tôi còn nhớ cứ vào lúc tinh mơ, tiếng gà sáng rộ sớm hơn. Âm thanh ấy xuyên qua những hàng cây bao bọc các ngôi nhà để lan ra khắp xóm, báo hiệu một ngày mới. Dân làng tôi, nhà nào cũng nuôi vài con gà, vì thế cho đến bây giờ tôi vẫn còn nguyên ấn tượng về những chú gà đua nhau trong dàn đồng ca vào phút đầu ngày ấy…

Tôi cũng nhớ, có một lúc Tây càn về, dân tản cư đi rỗng cả làng, ở lại với người chú họ được cha tôi giao nhiệm vụ trông nhà, cứ tối tối hai chú cháu về, sáng lại ra đi, tôi bỗng thấy mình côi cút khi tinh mơ không còn được nghe âm thanh đó nữa. Không tiếng gà, làng xóm thành ngậm ngùi hoang vắng rờn rợn cảm giác chết chóc.

Khi xa quê về thành phố, tiếng gà chia cho tôi một phần chìm vào ký ức, nó thành cái hồn của làng quê lẻ loi nín thin thít và tất nhiên quý hiếm giữa những khối bê tông và tiếng ồn thành phố. Cho nên đêm ở Châu Đốc mới đây, khi bất ngờ nghe tiếng gà báo sáng, tôi chợt thấy mình là người lãng mạn đang quay quắt với quê nhà mà khoảng cách tính bằng sáu mươi năm có lẻ.

Tieng goi cua tuoi tho

Những âm thanh của làng quê Việt không chỉ có tiếng gà gáy sáng, còn một thứ tiếng khác là tiếng trống trường.

Ngôi trường tiểu học của làng tôi là một nếp nhà lợp ngói sừng sững vững chãi, một tầng nhưng từ đất phải đi nhiều bậc thang để vào lớp. Nó cũng như mọi ngôi trường thời đó, có một cái trống rất to. Bọn chúng tôi ra vào lớp nhất nhất theo ngôn ngữ truyền từ bao thế hệ này của trống. Trống không chỉ là công cụ báo giờ mà còn gây rộn rã, vang động cả tâm hồn trẻ thơ mỗi buổi sáng, ngày nào cũng như ngày nấy, nắng mưa gì cũng vậy. Rồi đời cha gửi lại cho đời con, thành thử nhiều thế hệ vô hình trung chia nhau một thứ âm thanh không thể nào có ở những nơi không phải trường học.

Âm thanh ấy theo người mà đi xa, chìm vào ký ức và cũng chỉ có ở đất nước này. Ai cũng một thời đèn sách và từ tuổi ấu thơ ấy ai mà không được nghe qua thầy mình tiếng trống trường Mỹ Lý của Thanh Tịnh? “Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi...”. Tiếng trống khai tâm ngày đầu tiên đi học là tiếng có âm hưởng dài vô tận.

Về thành phố, tôi nghe tiếng trống trường bợt bạt, mai một dần đi. Chuông điện ré lên chạy dọc các hành lang nghe khô khốc và lạnh lùng. Thời gian dạy ở ngôi trường tỉnh trước khi về hưu tôi có lúc muốn bưng tai lại khi đứng trên hành lang bất chợt nhìn thấy người cai trường cầm thanh sắt nhỏ tiến về phía cổng. Kẻng thay cho chuông điện và trống. Nghe chát tai quá!

Vẫn biết, ăn theo thuở, ở theo thời. Nhưng mà lòng cứ vương nhớ về tiếng gọi của tuổi thơ. 

Cao Thoại Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI