Tiến sĩ Trần Trọng Dương: Số hóa di sản là tất yếu

22/10/2020 - 06:22

PNO - Sau chùa Một Cột, nhóm SEN Heritage (gồm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, họa sĩ và người yêu văn hóa cổ) tiếp tục đưa công nghệ VR3D vào các dự án khác về số hóa di sản.

Đại diện nhóm, tiến sĩ Trần Trọng Dương nói, công nghệ này cho phép người xem được “đứng ở trong di sản, bước đi trong di sản, chạm và ngắm di sản”. 

Phóng viên: Đưa số hóa vào bảo tồn di sản có vai trò như thế nào, thưa anh?

Tiến sĩ Trần Trọng Dương: Việc đưa số hóa vào bảo tồn di sản giúp con người không chỉ tiếp xúc bằng thị giác, mà người xem còn được ngắm nhìn không gian lộng lẫy với mái vàng, mái bạc, cột vẽ rồng sơn son đỏ… Điều này có thể tạo ra những cảm giác mới với cộng đồng vì nhiều người vẫn nghĩ, di tích chỉ hiện lên với những gì cổ kính, rêu phong.

Sau khi ra mắt mới đây, dự án tái hiện chùa Một Cột bằng công nghệ VR3D trở thành điểm nhấn mới mẻ trong công tác bảo tồn di sản - Ảnh: SEN Heritage
Sau khi ra mắt mới đây, dự án tái hiện chùa Một Cột bằng công nghệ VR3D trở thành điểm nhấn mới mẻ trong công tác bảo tồn di sản - Ảnh: SEN Heritage

Việc số hóa di sản bằng công nghệ VR3D chính là một cách thổi sức sống vào những di sản, để di sản không nằm im trong bảo tàng, mà là chiếc cầu kết nối lịch sử - quá khứ với hiện tại và tương lai. Những sử liệu từ các bộ tài liệu VR3D hoàn toàn có thể đưa vào trường học như một cách đổi mới học môn lịch sử. Hoặc du khách có thể trở về quá khứ để thưởng lãm.

Một số quốc gia trên thế giới sử dụng số hóa di sản từ rất lâu nhằm bảo tồn di sản, tránh nguy cơ mất sử liệu do thiên tai, hoặc để làm phim cổ trang, game cổ trang nhằm phát huy hiệu quả giá trị của di sản. Đây là xu hướng tất yếu trên thế giới, Việt Nam không ngoại lệ. Chúng ta có nền công nghệ hiện đại và bề dày lịch sử. Việc đưa các dấu vết của thời cha ông gắn với thế hệ con cháu ngày nay rõ ràng thuận lợi hơn.

* Khi thực hiện số hóa chùa Một Cột, SEN Heritage đã làm gì để bảo đảm tính chính xác, gắn di sản với nền văn hóa thời kỳ?

- Chúng tôi đã vất vả đi tìm hiểu các bảo tàng, tự làm cơ sở dữ liệu, đi điền dã để biết phong cách mỹ thuật thời Lý có đặc điểm thế nào. Quá trình tích lũy khoảng mười năm và ba năm cuối để đưa công nghệ vào là sự kết hợp của đội ngũ 15-20 người. Chúng tôi mong muốn đưa chính xác từng chi tiết đến công chúng; cũng để lưu lại làm sử liệu cho sau này. Chúng tôi không dám khẳng định chính xác 100%, nhưng cố gắng làm hết những gì có thể.

Số hóa trong bảo tồn di sản không xa lạ với công chúng, nhưng vẫn luôn khiến nhiều người phải đau đáu suy nghĩ để có thể làm sống dậy lịch sử từ những mảnh vụn còn lại sau bao biến cố lịch sử. Chúng tôi mong muốn hướng đến các phương án tái lập và phục vụ công tác truyền bá, giảng dạy, bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa của nước Đại Việt thời Lý đến với xã hội ngày nay.

Công nghệ VR3D cho phép người dùng tham quan trong di tích chỉ cần một chiếc kính thực tế ảo VR3D
Công nghệ VR3D cho phép người dùng tham quan trong di tích chỉ cần một chiếc kính thực tế ảo VR3D

* Tưởng công nghệ 3D đã là tiên phong lắm rồi?

- Công nghệ 3D xuất hiện từ vài năm trước, như khởi đầu cho việc số hóa di sản, số hóa những hiện vật và di tích/phế tích hiện còn. Nhưng công nghệ VR3D cho phép các nhà khoa học tái lập giả thuyết, chỉnh sửa giả thuyết.

Quan trọng hơn, với công nghệ này, người xem trải nghiệm được “đứng ở trong di sản, bước đi trong di sản, chạm và ngắm di sản”. Nó như một cỗ máy thời gian, đưa các thế hệ người Việt thế kỷ XXI về với những vàng son quá khứ gần 1.000 năm trước. Công nghệ này có thể áp dụng cho các hoạt động ngoại giao văn hóa, quảng bá di sản, phục vụ du lịch, làm phim trường ảo, làm giáo cụ trong trường học. 

Với dự án phục dựng chùa Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo VR3D, thay vì tương tác với màn hình điện thoại thông minh hay máy tính, người dùng có thể đeo kính thực tế ảo và đi dạo trong không gian rộng, đặc biệt là chạm tay vào di tích. Cách đây mười năm, chúng tôi không nghĩ được rằng, một ngày nào đó, có thể dựng lại được toàn bộ khung cảnh mà khi bước đi trong đó, có cảm xúc như trải nghiệm thật thế này. Hệt như cổ tích.

 Nhóm tác giả thực hiện dự án
Nhóm tác giả thực hiện dự án

* Sau khi sản phẩm đầu tiên của nhóm hoàn thành, ý kiến từ cộng đồng thế nào, thưa anh?

- Sau khi trải nghiệm công nghệ mới trong tái hiện chùa Một Cột, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhận xét: “Đây đúng là một công nghệ số hóa di sản mà Việt Nam đang cần”. Câu nói ấy khiến chúng tôi rất xúc động, giúp chúng tôi nhìn đúng vai trò, công việc đang làm. Đây là dự án tiên phong trong lĩnh vực số hóa di sản bằng công nghệ VR3D.

Công nghệ hiện đại luôn được cập nhật để di sản và lịch sử có thể lan tỏa khắp nơi trên thế giới. Hiện SEN Heritage đang tiếp tục thực hiện các dự án mới về số hóa di sản như đài đèn Quảng Chiếu thời Lý. Đây cũng là một công trình mang nét tiêu biểu của di sản Phật giáo cung đình thời Lý, được đánh giá có quy mô hoành tráng, thể hiện trí tuệ và tài năng của con người Đại Việt gần 1.000 năm trước.

* Cảm ơn anh. 

Tuệ Anh (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI