Tiền nước, cước viễn thông... có thể được giảm như tiền điện

02/08/2021 - 07:42

PNO - Chính phủ đã đồng ý giảm 10-15% giá điện sinh hoạt cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và có thể sắp tới là giá nước, cước viễn thông.... Điện lực TPHCM cho rằng các chủ nhà trọ nên cùng chung tay, cho người thuê nhà hưởng tiền điện theo giá chính thức để hỗ trợ họ ở thời điểm khó khăn lớn do dịch bệnh hiện nay.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM trước thời điểm có quyết định giảm giá điện của Chính phủ, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), cho biết đơn vị đã nhận được đề nghị từ người dân mong muốn được hỗ trợ giảm, miễn tiền điện. EVNHCMC đã chuyển phản ánh đến các cơ quan đúng thẩm quyền xem xét, báo cáo lên Bộ Công thương, Chính phủ quyết định. Đại diện EVNHCMC bày tỏ mong muốn cần có thêm sự chung tay từ nhiều phía. Ông Kiên ví dụ như các chủ nhà trọ cũng chung tay với ngành điện, cho người thuê nhà trọ được hưởng giá điện đúng quy định (chứ không phải chịu giá điện do chủ nhà trọ ấn định, cao hơn nhiều giá điện chính thức), góp phần giảm khó khăn cho người ở trọ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. 

Tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng đợt dịch năm 2020 không ảnh hưởng bằng năm 2021 nhưng ngành điện vẫn giảm giá 10% (tổng thời gian là sáu tháng). Hiện nay, có thể thấy hơn 50% người dân mất hoàn toàn thu nhập do phải ở nhà, trong khi tiền ăn uống, tiền điện, nước… vẫn phải đóng hằng tháng. Nếu không giảm, chắc chắn tới đây sẽ có nhiều người không đóng tiền điện. 

Còn theo phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách, người dân ở nhà nhiều, giá điện tăng cao do lũy tiến giữa các bậc còn quá cao. Trước đây, mỗi tháng phần lớn các hộ dân chỉ sử dụng 101 - 301 kWh điện (bậc 3, 4), tính theo giá nhà nước là 2.014 - 2.536 đồng/kWh, nhưng nay mỗi tháng có hộ gia đình sử dụng trên 300 hoặc 400 kWh điện (bậc 5, 6) dẫn đến giá tăng cao lên từ 2.834 - 2.927 đồng/kWh. 

“Do đó, việc giảm giá điện sinh hoạt sẽ giúp người dân bớt khó khăn. Với những địa phương bị giãn cách dài ngày, chịu thiệt hại nặng nề như TP.HCM thì có thể giảm đến 30%; còn các tỉnh, thành khác có thể từ 10 - 20%, tùy theo mức độ thực hiện giãn cách”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất. 

Điều đáng mừng là vào ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương cho thực hiện giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Mức hỗ trợ giảm là giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng. Giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là hai tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 8 và tháng 9/2021. 

Sau quyết định giảm giá điện hỗ trợ người dân các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, có thẻ giá nước, giá cước viễn thông... cũng sẽ giảm
Sau quyết định giảm hai tháng giá điện hỗ trợ người dân các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, có thẻ giá nước, giá cước viễn thông... cũng sẽ giảm. Ảnh minh họa

Ngoài ra, để hỗ trợ cho các cơ sở thuộc tuyến đầu chống dịch, bên cạnh các cơ sở cách ly không thu chi phí đã được giảm tiền điện, các cơ sở cách ly y tế người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 có thu một phần chi phí của người đang cách ly sẽ được giảm 100% tiền điện. Thời gian hỗ trợ là bảy tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng Sáu đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12 năm nay.
Đợt hỗ trợ giảm giá điện lần một và lần hai diễn ra vào năm 2020 (mỗi đợt ba tháng, mức giảm 10%), áp dụng cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Đợt ba diễn ra vào đầu thàng 6/2021, áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch; các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm… 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI