Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố

24/03/2021 - 12:39

PNO - “Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ"

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc báo cáo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 5 năm của Chính phủ, sáng 24/3

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Sáng 24/3, ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chính phủ.

“Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia. Trong khi đó, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt. Cạnh tranh thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Khoa học công nghệ phát triển rất nhanh cùng với chuyển động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng đến kinh tế và nhịp sống của các quốc gia”, Thủ tướng nêu bối cảnh 5 năm nhiệm kỳ.

Bối cảnh ấy như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Chính phủ đã kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm quý trong quản lý để thực hiện những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Chính phủ đã thực hiện các đột phá chiến lược là ưu tiên cao trong chỉ đạo điều hành. Đây là đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD…

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước gắn với triển khai kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm; cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP.

“Có thể tự tin cho rằng, tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019 chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch COVID-19.

Theo nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, xếp hạng của Việt Nam ngày càng được nâng lên, mới đây ngày 18/3/2021, tổ chức Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức “tích cực”, cho thấy nền tảng vĩ mô của Việt Nam là khá chắc chắn và tiếp tục được cải thiện ngay cả trong dịch COVID-19”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội, phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”. GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Bên cạnh các thành tựu kinh tế, Chính phủ chăm lo phát triển giáo dục, văn hóa xã hội để phát huy sức mạnh “nội sinh” của quốc gia. Việt Nam đã đổi mới trong đào tạo, nâng cao năng lực y tế, phát triển y tế dự phòng, mạng lưới y tế, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19 và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh, quản trị bệnh viện...

Giáo dục có sự tiến bộ ở tất cả các cấp học, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với thị trường lao động. Các giá trị văn hóa dân tộc được củng cố và phát huy, đang ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước. 

Liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ thực hiện chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”; “kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên”. Chính phủ đã chỉ đạo khắc phục cơ bản sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển.

Chính phủ "soi lại mình" để tiếp tục đổi mới

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả tích cực được ghi nhận, nhưng Chính phủ tự “soi lại mình” và thẳng thắn nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Thứ nhất, về xây dựng và thực thi pháp luật. Tình trạng đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; xin bổ sung, xin lùi, xin rút dự án luật vẫn chưa được khắc phục triệt để. Chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật chưa đạt yêu cầu.

Thứ hai, việc kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, do dịch COVID-19, vẫn còn 2/12 chỉ tiêu chưa đạt, một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đi vào cuộc sống…

Thứ ba, công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng. Chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch còn nhiều lúng túng, hạn chế, quy hoạch nguồn nước chưa làm tốt…

Thứ tư, bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh…

Thứ năm, trật tự xã hội, tình trạng thông tin xấu độc trên mạng xã hội, internet, thuê bao ảo, lừa đảo, tin nhắn rác chưa được xử lý triệt để. Một số địa bàn còn tiềm ẩn điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, tội phạm hình sự, ma tuý. Tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp.

Phần cuối báo cáo, khẳng định khí thế và khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại để đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức…

"Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được “thụ hưởng” thành quả của đổi mới”, Thủ tướng nói.

Huyền Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI