Đại biểu Quốc hội phải tránh tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ”

24/03/2021 - 07:18

PNO - Dù còn một ngày, một khắc trong vai trò đại biểu Quốc hội, vẫn phải thể hiện trách nhiệm trong từng quyết định, tránh tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”...

Đó là mong muốn của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) trước kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, khai mạc ngày 24/3. 

Kỳ vọng nguồn sinh khí mới 

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội (QH) sẽ phê chuẩn 25 chức danh lãnh đạo, trong đó có nhiều vị trí chủ chốt như Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH… cùng một số thành viên Chính phủ. “Tôi và nhiều đại biểu (ĐB) QH đều hy vọng, sự kiện toàn bộ máy nhân sự này sẽ mang lại sinh khí cho nhiệm kỳ” - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.

https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2021/20210323/images/7756_2-dbqh.jpg
Đại biểu Quốc hội cần phải thể hiện tốt trách nhiệm với nhân dân

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, để đạt được sự kỳ vọng đó, các ĐBQH phải phát huy hết năng lực, trách nhiệm trong quá trình bầu cử chức danh mới: “Tuy là kỳ họp cuối cùng nhưng tôi mong muốn các ĐB thể hiện được trách nhiệm, bổn phận của mình đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, tránh tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ” và “chợ chiều”. Dù còn một ngày, một khắc trong vai trò ĐBQH, vẫn phải thể hiện trách nhiệm trong từng quyết định, tránh tình trạng làm việc hời hợt, xuôi chèo mát mái, tặc lưỡi cho qua”.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) nêu yêu cầu, phải phát huy vai trò trách nhiệm của ĐBQH trong bầu cử các chức danh mới, thể hiện ý thức trách nhiệm và phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hóa) phân tích, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, các vị trí đã được xác định, nên phải tổ chức lại bộ máy để đảm bảo hoạt động của Đảng, Nhà nước được liên tục, thường xuyên và đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh kỳ vọng các ĐBQH có trách nhiệm để lựa chọn được đúng người, đúng việc, ông Bùi Sỹ Lợi cũng mong muốn, tất cả những người được bầu vào vị trí mới đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp tục đóng góp để hoạt động của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ngày càng phát triển. 

Nghị trường vẫn còn những gương mặt “mờ nhạt” 

Là người trải qua hai nhiệm kỳ QH, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đánh giá, QH luôn chủ động đổi mới trong hoạt động, tổ chức. “QH khóa XIV có nhiều điểm sáng, như Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH để lại ấn tượng trong các phiên điều hành; hoạt động chất vấn được đổi mới, vừa chất vấn, vừa tranh luận, hỏi nhanh đáp gọn giúp tăng thêm số lượng ĐBQH được đặt câu hỏi. Trong hoạt động giám sát và xây dựng pháp luật, các ĐBQH tham gia thảo luận sôi nổi, đưa ra các vấn đề sát thực tiễn như phòng, chống tham nhũng, tội phạm ma túy, xâm hại trẻ em” -  ĐB Nguyễn Ngọc Phương nhận xét.

Tuy nhiên, ĐB này cũng cho rằng, có một số ĐBQH chưa nắm chắc các nội dung phản ánh nên đôi khi đưa ra các phát biểu chưa sát thực tế hoặc làm ảnh hưởng tới hoạt động của một số bộ trưởng hoặc hoạt động của QH. Phần lớn ĐBQH chuyên trách rất tích cực trong các kỳ họp, nhưng cũng có một số ĐB kiêm nhiệm chưa tích cực do bị công việc hằng ngày chi phối.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương khẳng định, kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIV là dịp tổng kết, đánh giá lại những việc đã và chưa làm được, trao đổi, góp ý với Chính phủ, các bộ, ban, ngành về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Liên quan đến chất lượng ĐBQH, nhiều ý kiến đề nghị tăng số ĐBQH chuyên trách nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. ĐB Nguyễn Ngọc Phương hy vọng, QH khóa XV sẽ tiếp tục đổi mới, khắc phục những điểm chưa đạt và phát huy truyền thống của ĐBQH qua các nhiệm kỳ.
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, với nhiều ĐBQH, đây là kỳ họp cuối cùng trước khi từ giã nghị trường.

Do vậy, việc tổng kết, nhìn nhận lại quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ vừa qua là vô cùng quan trọng: “Cần kiểm điểm lại xem đơn vị, cơ quan, bản thân mình đã và chưa làm được gì, từ đó rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ sau. Người nào rời ghế nghị trường thì tiếp tục xem xét lại các vấn đề đó để khi quay trở lại, sẽ làm tốt hơn công việc của mình”. 

Nhiệm kỳ đổi mới hoạt động của Quốc hội

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, khóa XIV là một trong những nhiệm kỳ đổi mới hoạt động của QH, nhất là các lĩnh vực lập pháp, giám sát. Về xây dựng luật, QH chuyển từ chương trình dự luật trong 5 năm sang một năm để có thể sửa đổi, bổ sung ngay những đạo luật cần thiết, trình QH thông qua. QH cũng đẩy mạnh việc đưa công nghệ thông tin vào các kỳ họp để xin ý kiến ĐBQH, cung cấp tài liệu nghiên cứu, tham khảo, từ đó phát huy được hiệu quả, chất lượng thông tin. 

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong lĩnh vực giám sát, QH cũng có nhiều bước đi mới, như việc quy định thời gian chất vấn từ 3 phút sang 1 phút, mang lại hiệu quả rất tốt: “Người hỏi phải chọn lọc vấn đề rất chi tiết, người trả lời phải nắm rõ vấn đề, từ đó nâng cao trách nhiệm trả lời của bộ trưởng. Thời gian hỏi, đáp nhanh thì sẽ có được nhiều câu hỏi, nhiều ĐB hỏi trong phiên họp. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, có sự chuyển đổi từ tham luận sang tranh luận, rất sôi nổi, với những nội dung sát với thực tiễn”.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong nhiệm kỳ qua, QH giám sát chặt chẽ lời hứa của Chính phủ qua các kỳ họp và đánh giá những điều đã, chưa làm được: “QH giám sát đến cùng, bao giờ Chính phủ giải quyết xong thì thôi”. 

Huyền Anh

 
TIN MỚI