Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chuẩn bị kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19"

10/04/2020 - 13:08

PNO - Ngày 10/4, Chính phủ khai mạc Hội nghị trực tuyến với các địa phương, bàn về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, hỗ trợ người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dịch bệnh COVID-19 đang gây hệ lụy lớn với kinh tế toàn cầu. Thế giới có thể mất hơn 5.000 tỷ USD nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, cuộc khủng hoảng này còn đáng sợ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến

Hiện, các nước trên thế giới đều đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp mạnh để kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay.

Tại Việt Nam, nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội.

Do đó, Hội nghị sẽ bàn bạc để đưa ra một Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trên cả ba lĩnh vực: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19. 

Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng cho biết, có 2 gói chính sách về tiền tệ và tài khóa. Trong đó, gói chính sách tiền tệ (300.000 tỷ đồng), tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất. Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới, ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Về chính sách tài khóa, tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa, như: giãn, hoãn thuế với tổng số tiền khoảng 185.000 tỷ đồng và 98% số doanh nghiệp được hưởng lợi. Thủ tướng yêu cầu phải làm quyết liệt hơn, đó là cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vố còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm.

"Cần kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không chịu giải ngân. Nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này…", Thủ tướng yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong đó, kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ

Về kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.

Trước tiên phải kiểm soát dịch thành công và sau đó thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia tăng khả năng hồi phục và bứt phá cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi.

Đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng...

Hình thành sớm các kịch bản "vực dậy" nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI