Khôi phục kinh tế sau dịch bệnh:

Chính phủ cần có một hệ thống minh bạch cấp độ đối phó với dịch bệnh

10/04/2020 - 08:04

PNO - Hôm nay 10/4, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm “thổi một luồng gió mới vào cuộc sống để khởi động thời kỳ khắc phục khó khăn, vươn lên mạnh mẽ”. Giai đoạn của sự khôi phục nền kinh tế đã bắt đầu. Trong bối cảnh này, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - người sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã dành cho Báo Phụ Nữ TPHCM một cuộc trò chuyện về việc phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Phóng viên: Thưa ông, Chính phủ đang rất nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh. Ở góc nhìn của một người có kinh nghiệm nghiên cứu kinh tế và chính sách, ông có từng nghĩ đến những giải pháp cho điều này không?

- Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Phục hồi và phát triển nền kinh tế là điều mà nhiều người quan tâm trong lúc này, trong đó có tôi. Chính phủ đang rất nỗ lực. Nhưng để kiểm soát được dịch bệnh thì ta vẫn đang hy sinh rất nhiều về kinh tế. Chi phí chống dịch của ta đang rất cao, bao gồm cả chi phí y tế, xã hội lẫn những tổn thất của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp bị đóng băng. Nhiều người không có thu nhập.

Vậy nên, theo tôi thì những giải pháp cần góp ý cho Chính phủ lúc này cần hướng về việc tối giản chi phí, nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu chống dịch.

 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Thành

* Nếu tính cả những tổn thất kinh tế vào kinh phí chống dịch thì con số sẽ rất lớn. Ngược lại, việc tính toán giải pháp khôi phục nền kinh tế có lẽ cũng lại phụ thuộc vào hiệu quả của công tác chống dịch, thưa ông?

- Theo tôi thì để bàn về giải pháp cho nền kinh tế, ta nên tách biệt thành hai nhóm: nhóm giải pháp ứng phó với khủng hoảng đang diễn ra (giải pháp trong dịch bệnh - PV), và giải pháp sau dịch bệnh.

Quan điểm của tôi thì giải pháp trong dịch bệnh là cực kỳ quan trọng. Khôi phục nền kinh tế ngay trong dịch bệnh thì tất nhiên phải chịu ảnh hưởng của những động thái chống dịch của Chính phủ. Ta cần có một giải pháp để cân đối giữa hiệu quả chống dịch và phát triển kinh tế.

* Ông có thể đề xuất một giải pháp như vậy không?

- Việc chống dịch là tối quan trọng. Nhưng đã hơn hai tháng đối phó với dịch bệnh mà ta vẫn chưa nghiên cứu ra được một hệ thống đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và minh bạch các cấp độ đối phó.

Tôi ví dụ, ta chia mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ra làm ba cấp độ. Mỗi cấp độ đó, ta đề ra từng hệ thống những việc Chính phủ sẽ áp dụng để ứng phó. Ở mức độ nào thì Chính phủ sẽ áp dụng những biện pháp nào. Nếu các nhà chuyên môn đánh giá dịch bệnh đang ở mức độ 2, thì người dân sẽ lập tức biết rằng Chính phủ sẽ áp dụng những biện pháp tương ứng như đã công khai trước đó.

Lúc đó, mọi thứ sẽ được minh bạch và doanh nghiệp, người dân sẽ chủ động hơn trước mọi diễn biến của dịch bệnh. Chính sự chủ động này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được rất nhiều thiệt hại không đáng có.

* Với kinh nghiệm của ông thì giải pháp này có dễ áp dụng không?

- Tất nhiên không dễ. Nhưng đây là điều đáng để làm. Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp còn cam go và quyết liệt hơn, nhưng ta vẫn làm được. Nếu giải quyết được hệ thống này, thì ta giải quyết được rất nhiều việc khác, kể cả khôi phục nền kinh tế. Như hiện nay, việc chống dịch của ta đang rất hiệu quả.

Dĩ nhiên để chống dịch thì ta phải hy sinh phần nào nền kinh tế. Nhưng có thể nói, giai đoạn phải chấp nhận mất mát kinh tế để tập trung toàn lực chống dịch đã qua rồi. Giờ là lúc ta có thể bình tĩnh để cân bằng mọi mục tiêu. Hơn nữa, chính sự minh bạch này sẽ giúp doanh nghiệp và người dân chủ động, bình tĩnh.

Tôi tin mọi người đều ủng hộ các biện pháp chống dịch mạnh mẽ của Chính phủ. Họ sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi cấp độ hạn chế theo biến thiên của dịch bệnh. Nhưng nếu ta minh bạch và tạo cơ hội dự đoán cho người dân, họ sẽ còn chủ động và góp sức nhiều hơn nữa trong công tác chống dịch. 

* Ta đã trải qua hơn hai tháng chống dịch mà không có hệ thống đánh giá mức độ dịch bệnh như ông nói. Dĩ nhiên theo ông thì điều đó là dễ hiểu do ta tập trung toàn lực để kiểm soát dịch bệnh. Thế nhưng, nếu nhìn lại, ta có thể phân tích những thiệt hại mà lẽ ra hệ thống này (nếu có) đã khắc phục được không thưa ông?

- Tôi xin nhấn mạnh là những biện pháp mà Chính phủ thực hiện trong thời gian qua là rất hiệu quả. Nhưng ở thời điểm này, khi bắt đầu khôi phục nền kinh tế thì ta cần nhìn ra những thiệt hại có thể khắc phục được mà không ảnh hưởng đến hiệu quả chống dịch.

Ví dụ, ta đang áp dụng biện pháp mạnh nhất trong khi dịch bệnh chưa phải ở mức nghiêm trọng nhất. Ta cần có tiêu chí để cân bằng điều này. Bởi biện pháp hạn chế càng nghiêm ngặt thì sẽ để lại tổn thất kinh tế càng nặng nề. Và nếu ta cứ áp dụng biện pháp mạnh nhất khi dịch bệnh đang ở cấp độ thấp hơn, gặp lúc dịch bệnh tăng cấp độ thì ta còn biện pháp nào nữa?

Lúc đó tâm thế xã hội sẽ tiêu cực, bị động. Hơn nữa, khi ta hạn chế quá lâu, sức chịu đựng của người dân và cả doanh nghiệp tới giới hạn của họ rồi, mà dịch bệnh lại bùng lên nữa, ta lại tiếp tục hạn chế nữa, thì rất nguy hiểm.

Nếu dịch bệnh được đẩy lùi, chắc chắn nền kinh tế sẽ phục hồi
Nếu dịch bệnh được đẩy lùi, chắc chắn nền kinh tế sẽ phục hồi

* Vậy theo ông, nếu có được hệ thống minh bạch cấp độ của dịch bệnh thì nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội được hoạt động, nhiều vùng được có cơ hội phát triển kinh tế?

- Đúng vậy. Những tỉnh chưa có dịch bệnh có thể theo tiêu chí đánh giá mà được hoạt động bình thường trong giới hạn kiểm dịch. Chính những vùng đó sẽ là chỗ dựa, gánh vác phần nào gánh nặng kinh tế, là kho dự trữ cho những địa phương chịu thiệt hại nặng nề hơn, và cho cả nước.

* Đó là một giải pháp cho nền kinh tế nói chung. Vậy còn những phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp và những đối tượng chịu thiệt hại kinh tế vì dịch bệnh, ông có hiến kế gì không?

- Theo tôi thì đối tượng được hỗ trợ cần chia ra hai nhóm: một nhóm là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề; và nhóm các doanh nghiệp ảnh hưởng gián tiếp.

Tôi nghĩ việc phân chia này khá dễ, nhóm “trực tiếp” là nhóm mà toàn bộ chuỗi giá trị và dòng sản phẩm của họ bị ảnh hưởng. Nhóm này hầu hết là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ: du lịch, giáo dục tư nhân, hàng không, vận tải, nhà hàng… Những doanh nghiệp này mất hoàn toàn thu nhập. Và Chính phủ hoàn toàn có khả năng hỗ trợ những việc rất quan trọng với doanh nghiệp như hoãn thuế, miễn hoặc hoãn bảo hiểm xã hội.

Mức độ và thời điểm hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào cấp độ của dịch bệnh. Ví dụ, ở cấp độ 1, dịch bệnh mới kéo dài một tháng, sức chịu đựng của doanh nghiệp và người lao động vẫn đáp ứng - thì việc hỗ trợ khác với lúc dịch bệnh đạt cấp độ 2. 

Với người lao động và người dân nói chung cũng vậy, ta cần có tiêu chí phân loại mức độ khó khăn, và có cơ chế giám sát để sự hỗ trợ đến đúng người cần.

* Vậy, theo ông thì Chính phủ cần dành nguồn lực để tổ chức hệ thống phân phối nguồn hỗ trợ cho hiệu quả. Điều này lại một lần nữa đòi hỏi hệ thống thông tin minh bạch?

- Dân tộc ta có một may mắn là ít phải đối diện với thảm họa. Nhưng cũng vì vậy nên ta ít có sự chuẩn bị. Hơn nữa, hệ thống thông tin của ta chưa mạnh. Ở những nước có hệ thống thông tin tốt thì họ nắm chính xác thu nhập của từng công dân, họ sẽ nhanh chóng phân loại được đối tượng cần hỗ trợ. Ở Việt Nam thì điều này khó hơn. Hơn nữa, nhóm người nghèo ở ta lại thuộc nhóm người lao động không chính thức, không được thống kê thu nhập, không đóng thuế thu nhập.

Tất nhiên khó khăn của một đối tượng không chỉ liên quan đến thu nhập, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố xã hội khác. Về vấn đề này, tôi nghĩ Chính phủ nên ứng dụng công nghệ 4.0 để thống kê. Ta có thể hình dung cách làm tương tự như việc khai báo y tế. Ta có thể thực hiện khai báo y tế trong dầu sôi lửa bỏng của dịch bệnh, vậy thì những khai báo căn bản hơn, dài hơi hơn, ta chắc chắn có thể dành thời gian và nguồn lực để hoàn thiện nó.

Để từ hệ thống thông tin đó, ta có thể áp dụng sát sao nhiều chính sách liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ phù hợp với mỗi người dân.

* Đúng là việc hỗ trợ đúng người rất quan trọng. Nếu nguồn hỗ trợ không đến đúng đối tượng, dễ nảy sinh những bất công, và khơi sâu khoảng cách xã hội. Với quan sát trong cuộc sống đời thường, theo ông thì những đối tượng nào là cần được hỗ trợ nhất?

- Người thất nghiệp, người nghèo cũng có nhiều nhóm. Theo tôi, nhóm khó khăn nhất là nhóm người nghèo thành thị. Cùng là thất nghiệp, nhưng nếu người lao động ở tỉnh khác, mất việc xong họ về quê - thì họ sẽ không ngặt nghèo bằng những người có cùng điều kiện kinh tế nhưng không có quê để về (để được trú ẩn, nương tựa gia đình) mà phải sống ở thành thị.

Đối tượng này sẽ dễ lâm cảnh ngặt nghèo. Mức hỗ trợ không cần nhiều, có thể chỉ là 1 triệu đồng/tháng, cộng với việc thay đổi hành vi, co kéo chi tiêu - thì họ sẽ vượt qua khó khăn.

Còn những người như chúng ta, dù có thể thất nghiệp, nhưng tiền tiết kiệm cộng với việc thay đổi hành vi sẽ khiến ta tự vượt qua được.

Tất cả đều cần có tiêu chí, có thời điểm phù hợp. Vậy nên tôi nghĩ Chính phủ cần bình tĩnh, và từng bước thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho thật hiệu quả.

* Tất cả những giải pháp ông vừa nêu đều thuộc nhóm giải pháp trong dịch bệnh. Thế còn giải pháp cho nền kinh tế hậu dịch bệnh thì sao, thưa ông?

- Tôi nghĩ nếu thực hiện tốt các giải pháp trong dịch bệnh thì công việc sau dịch không còn nặng nề. Nếu dịch bệnh được đẩy lùi, chắc chắn kinh tế sẽ phục hồi. Đây không phải kiểu khủng hoảng phá vỡ nền sản xuất. Người ta sẽ tiêu dùng trở lại. Thậm chí nhu cầu còn tăng lên vì đã bị dồn nén trong thời gian dài. Họ sẽ đi du lịch, học hành nhiều hơn… lúc đó các ngành nghề đang chịu thiệt hại trong dịch bệnh càng có cơ hội phát triển.

Chỉ có một điều tôi lo ngại, nếu mình không phục hồi sớm, nếu chuyển mình muộn hơn các nước khác thì các cơ hội kinh doanh, đơn hàng sẽ được chuyển sang các nước khác. Lúc đó, việc phục hồi sẽ lại lần nữa gặp khó khăn…

Và một điều nữa, tôi hy vọng trong ý chí đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch bệnh, Chính phủ sẽ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh. Đừng để doanh nghiệp của ta phải gặp khó vì chính những chính sách, cách làm việc của cán bộ của ta. Tôi xin chia sẻ niềm lạc quan rằng, chỉ cần dịch bệnh được đẩy lùi thì nền kinh tế sẽ phục hồi rất nhanh. 

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

Minh Trâm (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI