Nữ nhà báo với gánh riêng - chung

20/06/2016 - 13:51

PNO - Nghề báo đòi hỏi sự tỉnh táo, chính xác vì sơ sẩy, chủ quan là có thể bị kiện nên thật sự áp lực. Để làm tốt, cách duy nhất là cẩn thận, chịu khó tìm tòi, học hỏi.

Trong hội thảo “Nhà báo nữ và nghề báo hiện đại” do Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức cách đây không lâu, tâm sự của một nữ nhà báo (NB) khiến chị em “sụt sùi”: “Lần thứ nhất đang trong vòng tay chồng, tôi bật dậy khoác vội áo lao đi sau một cú gọi, anh mỉm cười, thông cảm, động viên. Lần thứ hai, tôi đọc thấy nỗi buồn trong mắt anh. Lần thứ ba, anh thở dài. Lần thứ tư, 4g sáng tôi về, trên bàn có lá đơn ly hôn…”.

Thu xếp giữa công việc và gia đình chưa bao giờ dễ dàng đối với chị em làm báo. Trở thành một NB quyến rũ, càng… khó khăn hơn. Một lần nữa, vấn đề được khơi gợi dưới góc nhìn của ba NB: Vũ Mai (VnExpress), Tố Trâm (Người Lao Động) và ông Đặng Việt Hoa (Phó tổng biên tập báo Thanh Niên).

PV: Ngày 21/6, chúng ta thử nhìn lại một khó khăn, nguy hiểm nào đó trong nghề đã trở thành kỷ niệm khó quên?

NB Vũ Mai: Theo tôi, nguy hiểm, khó khăn của nghề báo không phải lăn xả hiện trường hay dấn thân điều tra mà là chiến thắng bản thân trước những cám dỗ. Có lần, theo đuổi vụ kiện giữa hai đại gia, mở hồ sơ được cung cấp bởi một người, tôi tá hỏa khi rớt ra phong bì chứa đến 2.000 USD. Thời điểm ấy, thu nhập nhuận bút chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.

Nu nha bao voi ganh rieng - chung

Tôi run rẩy với số tiền quá lớn kia. Mà, người đó không đòi hỏi gì ngoài bài viết cho phép họ thể hiện quan điểm được nhiều hơn một chút. Điều đó hoàn toàn nằm trong khả năng của tôi. Tuy nhiên, nếu anh nói ba câu, thì bên kia cũng ít nhất hai câu rưỡi; nếu không, bài viết sẽ không còn khách quan. Bản thân tôi trước đây từng “trắng tay”, phá sản, lý nào nao núng trước số tiền kia được. Tôi trả lại họ.

NB Tố Trâm: Nghề báo đòi hỏi sự tỉnh táo, chính xác vì sơ sẩy, chủ quan là có thể bị kiện nên thật sự áp lực. Để làm tốt, cách duy nhất là cẩn thận, chịu khó tìm tòi, học hỏi. Còn chuyện bị mắng chửi, dọa đánh, giật máy ảnh… thì thường xuyên rồi.

NB Đặng Việt Hoa: Nếu không có các yếu tố, phẩm chất mà nghề đòi hỏi, thì NB nam hay nữ cũng sẽ gặp khó khăn như nhau. Nhiều nữ NB vào tận hang ổ, làm những phóng sự nguy hiểm, như NB Thu Trang báo Phụ Nữ đấy. Từng bị đe dọa, nhưng cô ấy đâu có sợ.

* Khi nói đến nữ NB, hình dung đầu tiên là vẻ ngoài… “bụi bặm”, “hầm hố”, chẳng có chút gì dịu dàng, nữ tính?

NB Tố Trâm: Nữ NB thường rất giàu cảm xúc, hay mủi lòng. Tôi đã nhiều lần run rẩy nghe tuyên một bản án tử hình; do dự đưa máy ảnh chụp người có bản chất tốt nhưng lại thành tội phạm; day dứt, nhói đau chứng kiến đứng sau vành móng ngựa là đồng nghiệp của mình… Tôi có nữ tính không?

Nu nha bao voi ganh rieng - chung

NB Vũ Mai: Vẻ ngoài tôi mạnh mẽ, cá tính hoặc “ngầu, quậy” không có nghĩa tôi thiếu nữ tính. Nữ tính thể hiện tùy lúc, tùy nơi.

NB Đặng Việt Hoa: Phụ nữ “hầm hố” hay dịu dàng do phong cách chứ không phải nghề nghiệp bắt buộc họ phải thế. Nghề nào cũng có phụ nữ “hầm hố” lẫn dịu dàng. Phụ nữ bây giờ có thể làm phi công, công an hay tổng thống - vẫn rất dịu dàng.

* NB nữ có những điểm mạnh riêng mà đồng nghiệp nam không bao giờ có được, hẳn đó cũng là nét quyến rũ trong công việc?

NB Vũ Mai: Trong nghề báo, đồng nghiệp nam thường có nhiều lợi thế hơn như sức khỏe, sự năng động cùng nhiều khả năng vượt trội đáp ứng một số đề tài đòi hỏi chịu vất vả, nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp NB nữ có ưu thế “áp đảo”. Chẳng hạn, lắm khi điện thoại hay gặp gỡ một số nhân vật, ban ngành xin ý kiến, giọng nói cùng cách tiếp cận của nữ NB dễ gây thiện cảm, hiệu quả hơn.

NB Đặng Việt Hoa: NB nữ có thế mạnh riêng, dịu dàng trong thuyết phục, khéo léo trong trình bày, ngọt ngào cả trong lúc phản biện. Họ biết cách tạo ấn tượng tốt cho mọi người xung quanh, biết xây dựng mối quan hệ - vốn là “tài sản” của NB.

NB Tố Trâm: Nam và nữ làm báo đều có những thuận lợi, khó khăn riêng. Nhưng tôi nghĩ, NB nữ chịu áp lực nhiều hơn vì phải chu toàn bổn phận gia đình, chăm sóc con cái.

* Chúng tôi muốn trở lại câu chuyện đổ vỡ từ chia sẻ của nữ NB trong hội thảo nói trên. Đặc thù công việc khiến thu xếp riêng - chung trở thành một áp lực không nhỏ với chị em làm báo?

NB Tố Trâm: Đi nhiều, bất chấp đêm khuya hay lễ tết; lại có quan hệ rộng, quá tỉnh táo, quyết đoán, nhiều áp lực… phụ nữ mà như vậy khiến đàn ông e ngại. Nếu gặp được người chồng biết thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ thì không sao, ngược lại, đường ai nấy đi cũng không khó hiểu. Vậy mới nói, phụ nữ làm báo thì chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Nhưng, tôi nghĩ nếu khéo léo thu xếp vẫn được. Không thể ngày ba bữa ăn cơm nhà nhưng gia đình tôi luôn cố gắng cùng có mặt trong hai bữa sáng, tối. Mới đây, tôi được cử tri tín nhiệm bầu vào HĐND TP - vinh dự đồng thời là trọng trách lớn. Tôi biết mình phải sắp xếp lại thời gian để vừa có thể gánh vác trách nhiệm mới, vừa làm tròn công việc, vừa làm tốt bổn phận của người vợ, người mẹ, vừa chăm chút được bản thân.

NB Vũ Mai: Phụ nữ làm báo, được một người đàn ông yêu và chia sẻ mọi chuyện dường như là điều… xa xỉ. Có người sẵn sàng dang tay khi mình mỏi mệt đã đủ vui và trân quý lắm rồi. Người đàn ông của nữ NB phải nhìn thấy hết bao khó khăn, áp lực của đối phương để yêu thương, thấu cảm. Phần mình, hiển nhiên cũng phải cho họ thấy mình yêu họ ra sao, vì gia đình thế nào.

* Đều là những người mẹ, hai chị thu xếp ra sao trong chăm sóc, dạy dỗ các con mình?

NB Tố Trâm: Con tôi khá thiệt thòi khi có cha mẹ làm báo. Nhiều lần chúng tôi lên kế hoạch dẫn con đi chơi, xem phim nhưng cuối cùng hoặc dời lại hoặc phải rút ngắn thời gian để còn kịp chạy theo công việc. Tôi phải ráng tranh thủ, tận dụng bất cứ thời gian và không gian nào để dạy con. Chẳng hạn, trên đường chở con hay khi ngồi ăn, tôi thường kể những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” (tất nhiên tùy độ tuổi để lựa chọn thông tin), qua đó dạy con lối sống, đạo đức, kiến thức xã hội lẫn kỹ năng sống.

NB Vũ Mai: Đây cũng là thiếu sót làm tôi luôn trăn trở. Vợ chồng cùng gánh vác kinh tế, nuôi dạy con tốt đã là kỳ tích, huống hồ một bà mẹ đơn thân. Thường, con đi ngủ tôi đang làm việc, con dậy tôi đã dậy trước đó để lại làm việc tiếp; con hỏi tôi: “Ủa, mẹ không ngủ à?” khiến tôi mủi lòng. Không có cha bên cạnh, tôi choàng luôn trách nhiệm. Ở tuổi dậy thì, con trai tôi không phải chuyện gì cũng nói được với mẹ. Tôi chỉ biết quan sát rồi hỏi thăm, gợi chuyện con; rằng hồi ở tuổi con, mẹ thế này thế kia.

* Ông nghĩ sao về nỗi khổ của chị em đồng nghiệp, thưa ông?

NB Đặng Việt Hoa: Một NB phải gồng mình lên để chu toàn trách nhiệm gia đình - công việc, theo tôi, không nên làm báo, chọn nghề khác hợp hơn. Làm báo cần tâm trạng thoải mái, tinh thần tỉnh táo, hài hước, vui vẻ… chứ căng thẳng, gồng mình lên làm sao làm báo tốt được.

Nu nha bao voi ganh rieng - chung

* Cuối cùng, NB nữ cũng chỉ là… phụ nữ, họ có cần phải ăn diện, hiện đại, thời trang và giữ nét duyên dáng, mềm mại?

NB Tố Trâm: Đặc tính nào là “vũ khí” của nữ giới thì nhất định không thể từ bỏ. Còn hình thức, nghề báo rất dễ bị “tàn phá” nhan sắc do phải đi nhiều, ăn uống thất thường... Tất nhiên tôi cũng sợ già, xấu, nhưng bí quyết để giữ gìn nhan sắc là phải ăn uống, sinh hoạt điều độ với tôi quá xa xỉ. Tuy nhiên, tôi cũng có cách cân bằng riêng. Ngày cuối tuần, nếu không có công việc đột xuất, gia đình tôi xem phim, mua sắm hoặc nấu những món ăn ngon, dọn dẹp, đắp mặt nạ rồi nằm dài đọc sách… Tôi không thích tốn nhiều tiền và thời gian đầu tư cho quần áo, son phấn, nhưng những bộ cánh được chọn phải phù hợp với tiêu chí giản dị, thanh lịch.

NB Vũ Mai: Tôi không có thời gian để chăm sóc sắc đẹp, đi spa hay mỹ viện. Một ngày của tôi, sau khi đưa con đi học là chúi đầu công việc; 17 giờ về lại tiếp tục trực tin bài. Tuy nhiên, tôi vẫn chú tâm làm đẹp nên nghe ai mách gì, thấy tốt và tiện sẽ làm theo: uống nhiều nước, uống mật ong chanh… Nghề báo đòi hỏi phong cách nhanh nhẹn, trang phục phù hợp với mọi giao tiếp, một ngày đôi khi phải tiếp xúc nhiều người, từ lao động đến quan chức; tôi chọn sự tươm tất, lịch thiệp để “vừa” cho tất cả.

NB Đặng Việt Hoa: Nhiều NB nữ rất biết làm đẹp. Họ am hiểu thời trang, qua thời trang thể hiện cá tính. Họ “ngầu” khi đi phượt, điệu đà khi đi tiệc, giản dị khi đi làm từ thiện, lịch sự khi đi họp… Nói chung, tôi chưa bao giờ cảm thấy chán khi nhìn họ. Lúc nào họ cũng khác với hôm qua. Điều đó thể hiện cái “chất” của NB, không muốn lặp lại mà luôn thay đổi, làm mới. Mỗi lần đi công tác là mỗi lần ăn, ngủ “lộn xộn”, rất ảnh hưởng đến nhịp sống cơ thể, nam có khi còn chịu không nổi. Nhưng các nữ NB cứ càng đi, họ lại càng đẹp, càng khỏe, tôi cũng không biết họ có bí quyết gì.

* Xin cảm ơn các NB.

Tuyết Dân - Trường Sơn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu