Về Mường Phăng thăm sở chỉ huy chiến dịch

07/05/2024 - 06:08

PNO - Rừng Mường Phăng là nơi được chọn đặt sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ trung tâm TP Điện Biên Phủ, vượt 30km đường đèo là đến di tích sở chỉ huy này.

Trung tâm xã Mường Phăng nay đã phát triển với chợ trung tâm, các hộ kinh doanh dịch vụ và nhà sàn của cộng đồng người Thái đen nằm dọc các triền núi, trước nhà là ruộng lúa mướt xanh.

70 năm trước, Mường Phăng là vùng heo hút với vài bản nằm lẩn khuất giữa rừng già, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Nơi cao nhất là đỉnh núi Pú Đồn. Từ độ cao 1.700m, có thể dùng ống nhòm quan sát toàn bộ sân bay Mường Thanh.

Trong rừng, có dòng suối nhỏ nước trong vắt. Lợi thế cả về địa hình và điều kiện sinh hoạt đó đã khiến thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ - chọn Mường Phăng làm nơi đặt sở chỉ huy sau nhiều chuyến thị sát.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Cái nắng như đổ lửa cuối tháng Tư không ngăn được bước chân người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc về thăm lại chiến trường xưa. Rừng già vẫn được người dân Mường Phăng bảo vệ.

Từ sáng sớm đến chiều tà, từng đoàn khách đi theo con đường nhỏ vào rừng, qua 12 lán trại - nơi làm việc của những chỉ huy cấp cao trong chiến dịch như Tổng chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tham mưu trưởng, thiếu tướng Hoàng Văn Thái; Trưởng ban thông tin Hoàng Đạo Thúy…

Rời lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, du khách bước vào căn hầm xuyên núi, thông sang lán làm việc của thiếu tướng Hoàng Văn Thái. Thuyết minh viên Lò Thị Thủy giới thiệu:

“Đây là công trình ấn tượng nhất của khu di tích. Hầm có chiều dài 69 mét, rộng từ 1-3 mét, cao 1,7 mét, được 50 người đào trong suốt 28 ngày đêm mới hoàn thành. Trong hầm, còn có thêm 5 ngách nhỏ để đặt máy thông tin. Trong trường hợp có địch đột kích, người dưới hầm có thể ẩn náu trong ngách để tránh đạn và đánh trả”.

Đi hết các điểm trong sở chỉ huy chiến dịch, nghỉ chân dưới gốc cổ thụ, bà Natalia - 71 tuổi, người Nga - chia sẻ:

“Tôi đã học lịch sử về cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi rất khâm phục người Việt Nam nên đã chọn học tiếng Việt khi vào đại học, sau đó dạy tiếng Việt trong trường phổ thông.

Lần này đến Điện Biên Phủ, thăm sở chỉ huy chiến dịch, tôi hiểu rõ hơn những gian khó mà người Việt Nam đã vượt qua để chiến thắng quân xâm lược, giành độc lập, tự do”.

Cánh rừng bao bọc sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được bà con Mường Phăng gọi là rừng Đại Tướng. Ông Cầm Văn Tâm - Trưởng bản Phăng, xã Mường Phăng - nói: “Sau này, khi làm kinh tế, người ta chặt đi nhiều cánh rừng, nhưng mọi người luôn bảo nhau phải giữ vẹn nguyên 90km2 rừng Đại Tướng”.

Từ năm 1953 đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, người dân Mường Phăng vừa góp người, vừa góp của cho sở chỉ huy, cho chiến dịch. Chỉ sau chừng 5 tháng lập sở chỉ huy ở đây, đồng bào các dân tộc ở Mường Phăng đã góp cho chiến dịch được 9 tấn lúa, 5 con trâu.

Để đảm bảo bí mật, an toàn cho sở chỉ huy, nhân dân Mường Phăng đã thiết lập các hành lang bảo vệ nhiều vòng, nhiều lớp liên hoàn, vừa chủ động ngăn chặn sự xâm nhập của địch, vừa thuận tiện tiếp tế cho lực lượng đóng quân.

Quân Pháp thường xuyên cho máy bay quần thảo, xua quân tìm kiếm hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta nhưng nhờ sự bao bọc, che chở của rừng già và nhân dân, suốt 105 ngày đêm (31/1 - 15/5/1954), sở chỉ huy vẫn an toàn tuyệt đối.

Với những đóng góp của Mường Phăng cho kháng chiến nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, từ khi xã Mường Phăng còn thuộc huyện Điện Biên, Phòng Nội vụ huyện đã lập hồ sơ xin công nhận Mường Phăng là xã an toàn khu. Đầu năm 2020, Mường Phăng được sáp nhập vào TP Điện Biên Phủ nên công tác này bị gián đoạn.

Ông Lò Văn Hợp - Chủ tịch UBND xã Mường Phăng - cho biết, việc sáp nhập khiến công tác tái thống kê, rà soát, xác định các tiêu chí mất nhiều thời gian hơn.

“Nhân dân vẫn luôn mong Mường Phăng sớm trở thành xã an toàn khu. Với nhân dân trong xã, ngoài những chính sách tri ân, nâng cao mức sống, việc công nhận này còn là phần thưởng, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc ở đây” - ông nói.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI