Dự án Tam Đảo II: Con voi chui qua hàng loạt lỗ kim

23/10/2019 - 08:11

PNO - Tại sao một dự án lớn như Tam Đảo II, liên quan đến nhiều bộ, ngành mà lại đầy sai phạm, thiếu hụt những thủ tục pháp lý mang tính bắt buộc, lại vượt qua tất cả để đi vào thực tiễn?

Xem clip:

 

Ở bài trước, những chuyện tày đình như chưa có giấy phép xây dựng đã khởi công trái phép, lập danh sách, ký khống vào một nội dung quan trọng của báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)... cho thấy một “con voi” lớn như dự án Tam Đảo II đã chui qua những lỗ kim ngoạn mục thế nào.

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập tới nội dung những văn bản chính thống, bao gồm công văn, quyết định của các bộ ngành về quá trình xét duyệt dự án, cũng như các điều luật liên quan trực tiếp đến dự án Tam Đảo II, cho thấy một sự hỗn loạn như “ma trận”.

Du an Tam Dao II:  Con voi chui qua hang loat lo kim
Một trong các văn bản điều chỉnh quy hoạch từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

“Ông chẳng bà chuộc”

Công văn số 422/BTNMT-KH do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Chu Phạm Ngọc Hiển ký ngày 9/2/2015, nêu: “Dự án phát triển sinh thái cao cấp Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 có quy mô, diện tích đất 499,2ha, chưa nằm trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc đã được Chính phủ xét duyệt tại nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 28/3/2013. Đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc rà soát sự cần thiết của dự án”.

Nhưng với nội dung này, Bộ Xây dựng lại có công văn số 256/BXD-HĐXD, do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký ngày 9/2/2015, nêu: “Dự án phát triển du lịch cao cấp Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc danh mục trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013”.

Cùng một sự việc, cùng một địa danh, cùng một nội dung trong dự án mà hai bộ lại có quan điểm hoàn toàn khác nhau (hai công văn này được ký cùng ngày), hai cách sử dụng căn cứ, trích nghị quyết, quyết định của Chính phủ hoàn toàn khác nhau, thậm chí ngược nhau.

Bộ TN-MT bảo dự án “chưa nằm trong quy hoạch sử dụng đất, đề nghị rà soát lại sự cần thiết thực hiện dự án”; Bộ Xây dựng lại bảo “trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam”. Sau đó, Bộ Xây dựng kết luận, thống nhất với tỉnh Vĩnh Phúc về việc “cần thiết đầu tư xây dựng dự án”. Xin lưu ý, hai văn bản của Chính phủ được hai bộ này viện dẫn đều được ký trong quý I/2013.

Du an Tam Dao II:  Con voi chui qua hang loat lo kim
Quy hoạch dự án Tam Đảo II (nguồn: ĐTM dự án Tam Đảo II)

Cho ý kiến về dự án Tam Đảo II, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) có công văn số 935/BKHĐT-KTNN, do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu ký ngày 12/2/2015, đặt câu hỏi rất rõ: “Trong dự án này, tổng diện tích đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất là 27,03ha, nhưng diện tích đất làm giao thông kết nối giữa Tam Đảo II với khu Bến Tắm - Thác 75 và Tam Đảo I, cộng với diện tích móng, trụ, cáp treo là 98,2ha. Đề nghị làm rõ diện tích này có thuộc diện tích phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không?”.

Trong toàn bộ những công văn, quyết định mà chúng tôi tiếp cận được, đến nay, chưa có văn bản nào giải đáp thắc mắc nói trên của Bộ KH-ĐT.

Về diện tích của các hạng mục công trình dự án Tam Đảo II, công văn số 6548/UBND-NC1 do ông Hà Hòa Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - ký ngày 30/10/2014 nêu: “Khu Bến Tắm, diện tích thuê môi trường rừng để thực hiện dự án là 100,5ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái. Khu Tam Đảo II, diện tích thuê môi trường rừng đặc dụng để thực hiện dự án là 300,5ha thuộc phân khu hành chính dịch vụ. Diện tích giao thông kết nối để tiếp cận dự án là 98,2ha”.

Chỉ riêng số liệu về diện tích các hạng mục trong dự án Tam Đảo II, giữa Bộ KH-ĐT và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã khác nhau về cách hiểu đối với diện tích các hạng mục của dự án.

Điều đáng thắc mắc là, căn cứ vào đâu để mặc nhiên coi dự án dưới 50ha và không trình ra Quốc hội? Khi được hỏi, những chuyên gia xây dựng dự án đầy kinh nghiệm đã hỏi ngược lại: “Có dự án nào dưới 50ha mà đường vào lại hàng trăm héc-ta không? Có dự án nào xấp xỉ 500ha mà lại tách ra một hạng mục nào đấy dưới 50ha để không phải báo cáo Quốc hội?”.

Du an Tam Dao II:  Con voi chui qua hang loat lo kim
Dự án Tam Đảo II nằm giữa rừng quốc gia và khu ga cáp treo nằm tại phân khu phục hồi sinh thái (hai khu vực khoanh tròn)

4.449ha rừng đặc dụng bỗng dưng biến mất

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về vi phạm của Đà Nẵng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà. Kết luận đã chỉ ra rất nhiều sai phạm về quản lý đất đai và quản lý rừng.

Một trong những con số ấn tượng là diện tích rừng đặc dụng ở bán đảo Sơn Trà đã bị các dự án “nuốt chửng” là 1.279,9ha. Nếu lấy số héc-ta rừng đặc dụng bỗng dưng biến mất ở Tam Đảo, sẽ thấy một con số kinh hoàng hơn nhiều.

Theo số liệu tại quyết định thành lập Vườn Quốc gia Tam Đảo (số 136-TTg, do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 6/3/1996), phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng Tam Đảo có diện tích là 17.295ha; phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 17.286ha. Nhưng không hiểu bằng cách nào, hiện phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ còn 15.653,7ha, giảm 1.641,3ha; còn phân khu phục hồi sinh thái chỉ còn 14.478,3ha, giảm 2.807,7ha.

Như vậy, tổng diện tích rừng đặc dụng Tam Đảo đã “biến mất” là 4.449ha. Con số này cao gấp gần 4 lần so với con số “biến mất” của rừng đặc dụng Sơn Trà.

Chúng tôi xin trích một  số chi tiết điển hình trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về bán đảo Sơn Trà như: “Khu du lịch Bãi Bụt, Bãi Chẹm... đã được thuê đất khi không có hồ sơ dự án đầu tư, vi phạm quy định tại khoản 7, điều 1, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ký ngày 5/5/2000. Chưa phê duyệt ĐTM bổ sung, hoặc phê duyệt sau khi chủ đầu tư đã khởi công xây dựng là chưa đúng quy định tại điểm b, khoản 2, điều 14, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ; cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chủ đầu tư chưa lập ĐTM bổ sung, vi phạm quy định tại khoản 4, điều 22, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005...”.

Nếu xem những chi tiết trên đây về Sơn Trà như một “án lệ” thì những gì đang diễn ra ở dự án Tam Đảo II còn vi phạm nặng nề hơn nhiều.

Chúng tôi xin nêu ra phát biểu ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 74, diễn ra tại New York hồi tháng Chín vừa qua: “Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.

Quan điểm này đã thể hiện rất đầy đủ, cụ thể, chi tiết trong văn bản chỉ đạo số 575/TTg- KTN của Chính phủ đối với dự án Tam Đảo II là: “Đồng ý về chủ trương, nhưng phải thực hiện theo đúng quy định về đất đai và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng”.

Xin được trích dẫn những điều luật cụ thể về bảo vệ và phát triển rừng, mà văn bản của Chính phủ đã nhắc đến trên đây: điểm c, khoản 4, điều 23, Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010, quy định cụ thể: “Trong phân khu phục hồi sinh thái, chỉ được xây dựng các tuyến đường bộ phù hợp, nhưng không vượt quá quy mô đường cấp IV, miền núi”.

Điểm b, khoản 1, điều 55, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 quy định: “Không được xây dựng các công trình phục vụ du lịch ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái trong rừng đặc dụng”. Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 quy định: “Không chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng đối với các công trình phục vụ du lịch sinh thái trong diện tích cho thuê môi trường rừng”.

Những chi tiết sai phạm của dự án Tam Đảo II cho thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật trầm trọng. Chúng tôi mong rằng, các cơ quan chức năng cần khẩn trương kiểm tra thấu đáo, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến dự án Tam Đảo II và sớm có câu trả lời thỏa đáng trước công luận. Tại sao một dự án lớn như vậy, liên quan đến nhiều bộ, ngành như vậy mà lại đầy những sai phạm, thiếu hụt những thủ tục pháp lý mang tính bắt buộc lại vượt qua tất cả để đi vào thực tiễn?

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI