Thời điểm để kinh tế Việt Nam vượt lên

30/11/2020 - 07:35

PNO - “3-5 năm tới là cơ hội để kinh tế Việt Nam thay đổi” là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan...

 “3-5 năm tới là cơ hội để kinh tế Việt Nam thay đổi” là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về kinh tế Việt Nam dưới tác động của thương chiến Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19 và những hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam vừa ký kết.

Phóng viên: Thưa bà, nhận định của bà là dựa trên cơ sở nào? 

Bà Phạm Chi Lan: Có thể thấy rõ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã kéo theo hàng loạt những biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nhiều nước châu Âu, Nhật Bản, Úc đang tìm các nhân tố mới để xây dựng chuỗi tăng trưởng mới. Họ đang thay đổi chuỗi cung ứng, thay đổi mối quan hệ, tìm kiếm và xây dựng, củng cố quan hệ với một số đối tác. Việt Nam là một trong những lựa chọn của họ, đó là cơ hội và cơ hội đó chỉ có trong khoảng 3-5 năm tới. Chúng ta có lợi thế khi tham gia hàng loạt hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới.

* Cũng có những đánh giá trái chiều về các FTA, vì có những FTA nhận được tán đồng của số đông nhưng cũng có FTA gây những lo ngại nhất định, thưa bà?

- Cái mà tôi đang lo ở đây là RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) mới được ký kết. Nó có thể làm cho sự hào hứng của Việt Nam với các FTA đang có như EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU), CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) thay đổi. Thời gian qua, Việt Nam đang cố gắng và sẵn sàng vươn lên để đáp ứng được chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa từ những thị trường khó tính trong EVFTA, CPTPP thì lúc này, thị trường dễ tính lại mở ra khiến chúng ta có thể xao nhãng đi những cố gắng đó và tự bảo nhau “ừ thôi, trước mắt còn đang khó khăn, cứ chơi với thị trường dễ tính đã, sau này sẽ cố gắng thêm”. 

Điều này rất dễ xảy ra, cho nên cái háo hức quá nhiều với RCEP thực sự gây cho tôi những mối quan ngại nhất định. Việc thích thị trường dễ tính này khiến chúng ta giảm bớt động lực cố gắng vươn lên về chuẩn mực hàng hóa, chuẩn mực quản trị, về các yêu cầu bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, kinh doanh có trách nhiệm…

Trong EVFTA và CPTPP, các nước bày tỏ rằng, luôn sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật để nâng cao các chuẩn mực, nhưng chúng ta không cố gắng, tự mình không muốn làm thì người ta cũng sẽ sớm quên Việt Nam, không có lý do gì để ngồi chờ. Nếu kịch bản đó xảy ra thì thực sự đáng tiếc, vì mình mong muốn vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị cao hơn với trình độ sản xuất theo chuẩn mực quốc tế. Lâu nay, cơ hội đó chưa đến nhiều, khi các nước nhập khẩu chưa có nhu cầu thay đổi, nhưng bây giờ, nhu cầu đó đã có. Chiều hướng thay đổi đó của hai bên gặp nhau. Tôi nghĩ đó là cơ hội thực sự quý cho Việt Nam. Nếu bây giờ mình không vượt lên thì đến bao giờ mới vượt lên? Không lẽ cứ hài lòng mãi với việc làm nông sản thô, chất lượng không cao, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đạt chuẩn cao, chỉ xuất khẩu sang các thị trường dễ tính mãi? 

Tôi vẫn rất buồn vì khi nói về RCEP, một số vị lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, đây là cơ hội để đi tiếp vào các thị trường dễ tính. Thế thì cứ khuyến khích nhau đi vào thị trường dễ tính mãi à? Mà cứ như vậy thì Việt Nam sẽ tự mình kìm chân mình ở ngưỡng thu nhập trung bình, không vượt được bẫy thu nhập trung bình đâu, bởi sẽ chỉ làm gia công, làm những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp và không có cửa đi lên những ngưỡng cao hơn. 

* Nhưng khi vào các thị trường lớn, hàng hóa Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Chẳng hạn với mặt hàng gạo, chúng ta đứng thứ hai thế giới về sản lượng xuất khẩu nhưng thua Campuchia ở thị trường châu Âu?

- Nhiều năm qua, chúng ta quá chú trọng vào khối lượng, sản lượng xuất khẩu và tự hào mình là nhà xuất khẩu lớn về số lượng mà không chú trọng đứng thứ mấy về giá trị, nhất là giá trị nhiều hơn mà nông dân, người lao động trong nước có thể nhận được. Vào thị trường châu Âu là khó khăn thật, bước đầu chúng ta thua kém Campuchia nhưng mới có mấy tháng tính từ ngày 1/8 (khi EVFTA có hiệu lực) mà các doanh nghiệp đã đưa ngay được hàng vào châu Âu đã là thành công bước đầu. Về lâu dài, các thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng nông sản. Tất nhiên, cũng có những nước thiếu lương thực, chấp nhận hàng giá rẻ để người dân ăn no nhưng những nước trong Liên minh châu Âu hay các nước phát triển khác luôn đòi hỏi chất lượng cao hơn. 

Ngoài ra, các sản phẩm nhiệt đới (trái cây, thủy hải sản) của Việt Nam vẫn có thể chinh phục các thị trường lớn như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… Các thị trường này yêu cầu sản phẩm phải gần với tự nhiên, gắn với môi trường tự nhiên, sinh thái nhiều hơn. Khi đã vào được những thị trường khó tính thì sẽ có nhiều thị trường hơn, giá trị gia tăng nhiều hơn, lợi ích thu được cũng nhiều hơn. Vài năm trở lại đây, chúng ta đã đưa được trái vải, trái xoài, thanh long vào các thị trường khó tính rồi thì bây giờ cần đẩy mạnh hơn. Những thị trường như vậy chỉ có thể nở thêm chứ không thu hẹp lại.

* Bà nghĩ sao về Trung Quốc - một thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam?

- Trung Quốc là thị trường lớn, họ cũng không có thế mạnh về nông sản nhiệt đới, đặc biệt là trái cây, nên nhu cầu vẫn rất lớn. Nhưng nông sản xuất khẩu vào thị trường này chỉ nên chiếm một thị phần nhất định, vì thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Những gì nông dân, nhà kinh doanh nông sản của Việt Nam trải nghiệm trong những năm qua là quá đủ cho chúng ta rút ra bài học là tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường lớn. Chắc chắn không ai muốn nhìn thấy hàng trăm, hàng ngàn xe tải chở trái cây xếp hàng ở biên giới chờ thối hỏng hoặc chở ngược lại kêu gọi người tiêu dùng trong nước giải cứu. Cho nên, phải đa dạng hóa thị trường, chia thị trường thành nhiều phân khúc. 

Thông tin trái bưởi, thanh long Việt Nam bán trong một siêu thị tại Canada được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau
Thông tin trái bưởi, thanh long Việt Nam bán trong một siêu thị tại Canada được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau

Ngoài ra, đừng quên thị trường trong nước, đừng nghĩ thị trường trong nước chỉ là nơi để giải cứu những sản phẩm dư thừa, không xuất khẩu được. Thị trường trong nước vốn rất rộng lớn và ngày càng nở ra khi dân số Việt Nam có thể đạt 100 triệu người. Người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng khó tính hơn, yêu cầu chất lượng hàng hóa cao hơn. Cho nên, các nhà sản xuất cũng phải thay đổi cách tiếp cận thị trường trong nước. 

Làm nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có hàm lượng dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng trong nước còn là trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh với đất nước, với tương lai của giống nòi. Không thể để người Việt mãi đầu độc nhau bằng những sản phẩm độc hại hoặc để cho trẻ em Việt Nam mãi thấp còi, nhẹ cân.

* Ở chiều ngược lại, theo bà, khi các FTA có hiệu lực, nông sản từ châu Âu sẽ vào Việt Nam tăng lên, điều này có gây lo ngại về nhập siêu không?

- Tôi nghĩ việc nhập những sản phẩm ôn đới (trái cây, thực phẩm) vào Việt Nam là một nhu cầu tất nhiên. Người Việt Nam có quyền được ăn trái táo, lê, nho từ các nước ôn đới mà trong nước không trồng được. Ai cũng mong cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện hơn, có nguồn sản phẩm phong phú hơn. Đồng thời, có những dòng sản phẩm mà trong nước cũng sản xuất được, như việc nhập hàng về sẽ tạo tính cạnh tranh hơn vì sản phẩm từ các nước châu Âu luôn được đánh giá cao hơn về chất lượng, tiêu chuẩn, thậm chí giá còn rẻ hơn, như thịt heo chẳng hạn. Phải chấp nhận cạnh tranh và không có lựa chọn khác. Mình muốn họ mở cửa cho mình, mua hàng của mình thì mình cũng phải mở cửa cho hàng hóa của họ. 

Tôi không lo ngại quá nhiều về tình trạng nhập siêu các nhóm hàng nông sản này, lo nhất là tình trạng nhập siêu lâu nay chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN. Ba thị trường này gần như chiếm hết tỷ trọng nhập siêu của Việt Nam. Đáng ngại hơn là, tỷ trọng nhập siêu đó đè lên các ngành sản xuất của Việt Nam, gây cản trở cho sự phát triển các ngành đó; chẳng hạn như nhập vật tư, nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc khiến Việt Nam không có cửa phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Ngành nông nghiệp cũng đang phụ thuộc nhiều vào nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ những nước này, trong khi trong nước cũng sản xuất được. 

* Xin cảm ơn bà. 

Thư Hùng (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI