Thỏa thuận thuế Mỹ - Việt Nam: Tín hiệu tích cực và cơ hội chuyển mình cho kinh tế Việt Nam

03/07/2025 - 15:11

PNO - Tuyên bố của ông Trump, Việt Nam đồng ý thuế 20% hàng xuất sang Mỹ và 40% hàng trung chuyển, Mỹ tiếp cận toàn diện thị trường Việt Nam với thuế 0%.

Trong dòng xoáy toàn cầu hóa thế hệ mới, nơi chuỗi cung ứng trở thành chiến trường của các chiến lược địa chính trị, một tuyên bố tưởng như mang tính ngoại giao của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đặt Việt Nam vào trung tâm của một lựa chọn không thể trì hoãn: chuyển mình để trưởng thành hoặc chấp nhận bị định vị như một đối tác hạng hai trong bản đồ thương mại thế giới.

Tuyên bố tối ngày 2/7/2025 của ông Trump (theo giờ Việt Nam), theo đó Việt Nam đồng ý áp thuế 20% lên hàng xuất sang Mỹ và 40% cho hàng trung chuyển, đổi lại Mỹ “tiếp cận toàn diện thị trường Việt Nam với thuế 0%”, dù chưa được hai bên chính thức xác nhận bằng văn bản, đã lan rộng trên các phương tiện truyền thông lớn cũng như trên các nền tảng mạng xã hội.

Bài đăng trên trang cá nhân của Tổng Thống Mỹ - Ông Donald J.Trump
Bài đăng trên trang cá nhân của Tổng Thống Mỹ Donald J.Trump

Theo Bloomberg, thoả thuận với Việt Nam sẽ là thoả thuận thứ 3 được công bố, sau khi Washington đạt được thoả thuận với Anh và Trung Quốc. Nhiều đối tác thương mại của Mỹ chạy đua để đạt được thoả thuận với Mỹ trước khi đến thời hạn chót. Dù là một “thỏa thuận khung”, đây không phải một diễn biến có thể xem nhẹ. Nếu nhìn kỹ, ẩn sau các con số là một thông điệp mang tính chiến lược và một bài kiểm tra về nội lực của nền kinh tế Việt Nam.

1. Không phải “thắng lợi” mà là một bước hoãn xung đột có điều kiện

Ở tầng bề mặt, việc tránh được mức thuế 46% đe dọa áp dụng từ 9/7 là một thắng lợi chiến thuật. Tuy nhiên, về bản chất, thỏa thuận này là một sự nhượng bộ có điều kiện, và các điều kiện ấy không hề đơn giản: Việt Nam chấp nhận gánh chịu thuế 20%, đồng nghĩa với việc giảm lợi thế giá trong ngắn hạn, đổi lấy sự ổn định thương mại trung hạn. Quan trọng hơn, việc áp thuế 40% đối với hàng trung chuyển từ nước thứ ba là cam kết của Việt Nam về việc không trở thành “trạm trung chuyển” tiểu xảo trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Về mặt hình thức, Việt Nam vẫn giữ được thị trường xuất khẩu lớn nhất (Mỹ chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu năm 2024, dựa trên số liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam). Nhưng về thực chất, ta đang bị yêu cầu định vị lại vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ là người cung cấp hàng hóa giá rẻ mà là một quốc gia có khả năng đảm bảo tính minh bạch, xuất xứ và kiểm soát nội lực sản xuất.

2. Thị trường mở rộng không tự sinh lợi mà tạo áp lực nâng chuẩn

Việc Hoa Kỳ được “tiếp cận toàn diện” thị trường Việt Nam có thể sẽ làm dấy lên nỗi lo rằng hàng hóa Mỹ vốn có lợi thế về công nghệ, thương hiệu và quy mô sẽ lấn át thị phần nội địa. Lo ngại này là có cơ sở, nhưng nếu nhìn từ một lăng kính khác, đây cũng là áp lực tích cực để các doanh nghiệp Việt buộc phải nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm, đổi mới quy trình, thoát khỏi mô hình gia công và bước vào giai đoạn phát triển dựa trên năng lực cạnh tranh thực chất.

Kinh tế học thương mại cho thấy: mở cửa chỉ gây tổn thương khi nền kinh tế thiếu năng lực thích ứng. Nếu chúng ta sở hữu một thị trường nội địa với quy mô hơn 101 triệu dân nhưng lại không đủ năng lực bảo vệ giá trị gia tăng trong nước thì lỗi không nằm ở cánh cửa mà nằm ở năng lực bên trong.

3. Việt Nam đã “lên bàn đàm phán” nhưng chưa chắc đã là người viết luật chơi

Một trong những điều đáng lưu tâm là tuyên bố đến từ phía Mỹ trước, với những điều kiện, thời điểm và mức thuế cụ thể. Điều đó cho thấy, dù Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ tại châu Á (chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, dựa trên số liệu của U.S Census Bureau và Bộ Thương Mại Mỹ) thì vị thế trong đàm phán vẫn đang ở thế phản ứng chứ chưa chủ động chi phối cuộc chơi.

Muốn thay đổi điều đó, Việt Nam cần chuyển dịch từ nền kinh tế phụ thuộc vào các FTA để mở cửa thương mại sang một nền kinh tế có năng lực thiết kế chiến lược quốc gia. Điều đó đòi hỏi không chỉ đầu tư vào logistics, công nghiệp hỗ trợ, mà còn cả nguồn nhân lực có tư duy toàn cầu, năng lực số hóa sản xuất và khả năng dự báo chính sách quốc tế.

4. “Minh bạch hóa chuỗi cung ứng” là trục xoay chiến lược

Cam kết áp thuế cao với hàng trung chuyển là lời hứa với Mỹ rằng Việt Nam sẽ không tiếp tay cho các hoạt động gian lận thương mại. Nhưng trên thực tế, đây chính là một cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc chuỗi cung ứng, nâng tỷ lệ nội địa hóa, và bước ra khỏi cái bóng “sân sau của Trung Quốc”.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều tập đoàn công nghệ, điện tử, bán dẫn đang xem Việt Nam như một trạm trung chuyển thay thế, hậu COVID và hậu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Nếu không tận dụng được thời điểm này để phát triển năng lực sản xuất “gốc rễ” thay vì tiếp tục lắp ráp đơn thuần, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội trở thành một mắt xích có giá trị thực trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

5. Bài toán “đa phương hóa chiến lược” trong thế giới phân mảnh

Cuối cùng, một khía cạnh ít được nói đến nhưng cực kỳ quan trọng: Việt Nam cần giữ thăng bằng quan hệ chiến lược, nhất là khi mở cửa sâu hơn với Mỹ trong khi vẫn giữ vị trí địa chính trị nhạy cảm với Trung Quốc, ASEAN và các khối FTA khác như CPTPP hay EVFTA.

Không một quốc gia nào tồn tại bền vững bằng việc chỉ bám vào một thị trường, dù đó là Mỹ. Việt Nam cần duy trì chiến lược “đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác”để nâng cao khả năng thương lượng, duy trì không gian chính sách và bảo vệ chủ quyền kinh tế bên cạnh mục tiêu tránh phụ thuộc.

Kết luận: Đây là lời mời bước vào một giai đoạn trưởng thành

Thông điệp sâu xa nhất từ thỏa thuận này không nằm ở những con số. Nó nằm ở khả năng nội tại của nền kinh tế Việt Nam có đủ độ chín để gánh vác vai trò một đối tác chiến lược hay chưa.

Chúng ta có cơ hội nhưng cơ hội không dành cho quốc gia không chuẩn bị. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại, các chuẩn mực thương mại đang thay đổi, và quyền lực không còn nằm ở súng đạn mà ở năng lực kinh tế, thì đây là lúc Việt Nam phải chuyển từ “phản ứng linh hoạt” sang “kiến tạo chủ động”.

Một nền kinh tế mạnh không nằm ở việc được miễn thuế, mà ở chỗ vẫn cạnh tranh được khi thuế tăng. Và một quốc gia trưởng thành không nằm ở chỗ được khen ngợi trong một tuyên bố, mà ở năng lực trụ vững giữa những cuộc tái định hình toàn cầu.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, chuyên gia kinh tế độc lập, không đại diện cho bất kỳ tổ chức hay chính phủ nào.

Lê Hoài Việt

Giảng viên Khoa QTKD – Trường Đại học Mở TP HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI