Thổ cẩm và những nỗi buồn không tên

08/12/2020 - 07:05

PNO - Những hoa văn, màu sắc rực rỡ của thổ cẩm gói gọn tình yêu của đồng bào dân tộc. Nhưng với guồng quay của xã hội hiện đại, tình yêu mãnh liệt đó cũng đang đứng trước nhiều nỗi sợ vô hình.

“Biết yêu” từ thuở chưa tròn đôi mươi

Đất trời Tây Nguyên mùa cuối năm mang đến những cơn gió se lạnh đủ khiến lòng người khoan khoái. Tiếng các thanh gỗ của khung dệt va đập vào nhau theo từng động tác của những nghệ nhân càng khiến không gian trở nên thú vị. 

Nghệ nhân Ka Mom (55 tuổi, dân tộc Châu Mạ, H.Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) với nước da ngăm đen, gương mặt hiền hậu, nở nụ cười chào đón khách phương xa, rồi đôi tay lại thoăn thoắt với những sợi chỉ mỏng manh đầy màu sắc. Trên nền sắc trắng tinh khôi, những hoa văn màu xanh trời, xanh mạ pha với sắc đỏ, hồng, tím… dần hiện ra trong sự tò mò của người xung quanh. 

Chỉ với một vài dụng cụ đơn giản cùng những động tác đan qua luồn lại nhưng cho ra một mảnh vải đầy màu sắc, hoạ tiết cuốn hút như thế, nghĩ thật tài. Có lúc, người ta ngỡ bà như một họa sĩ đang phác họa những đường nét cho một bức tranh nhưng có khi lại như một nghệ sĩ múa với những ngón tay chai sần, thô ráp.

Mẫu thiết kế của Lý Quí Khánh trong show diễn Hương rừng sắc núi tại Đắk Nông
Mẫu thiết kế của Lý Quí Khánh trong show diễn Hương rừng sắc núi tại Đắk Nông

Bước qua nửa con dốc của cuộc đời, bà Ka Mom đã có hơn 40 năm theo nghề dệt thổ cẩm. “Ngày xưa, ông bà chúng tôi thường nói muốn không ế chồng thì tập dệt chăn thổ cẩm. Nhìn vào tay nghề của người dệt, người ta sẽ biết chọn dâu cho gia đình. Chúng tôi nghe bảo thế thì học theo và cũng chẳng biết yêu nghề tự bao giờ”, bà nói.

Trong ký ức của bà vẫn còn hiện lên hình ảnh ngày theo cha mẹ gieo hạt bông, chờ quả chín, thu hoạch về se sợi, nhuộm màu rồi cho lên khung dệt. Tất cả công đoạn đó tuy nhọc nhằn nhưng luôn chứa đựng một niềm vui bất tận, khó thể diễn đạt thành lời.

Chị Điểu Thị Xia (33 tuổi, dân tộc Xtiêng, quê Bình Phước) chẳng nhớ rõ mình theo nghề từ khi nào. Chỉ biết hình ảnh người mẹ ngồi bên khung dệt từ khi chị còn rất nhỏ là một mảng ký ức khó phai. Trí tò mò của trẻ thơ đã khiến chị lần mò học dệt thổ cẩm cho bằng được, để rồi nay trở thành nghề. 

“Tôi bắt chước mẹ, trộm chỉ dệt của mẹ để làm vòng đeo tay, dây cột tóc. Tôi thấy sự kỳ diệu từ khung dệt, có thể tạo ra rất nhiều hoa văn, họa tiết… Càng lớn lên, khi biết đó là một nét văn hóa của dân tộc mình, tôi càng yêu cái nghề này và quyết theo đuổi đến cùng”, chị nói. Bốn chị em của chị Xia đều đã lớn lên như thế. Và nay, những đứa cháu thế hệ 2000 cũng đã bắt đầu ngấm dần tình yêu với thổ cẩm, một cách tự nhiên, như là phải thế!

Nghệ nhân Quảng Thị Tám (54 tuổi, dân tộc Chăm, đến từ Ninh Thuận) theo nghề từ năm 15 tuổi. Trên khung dệt, những họa tiết ca-rô với hai gam màu cam, trắng bắt mắt dần hiện ra. Chỉ mai đây, chúng sẽ theo một vị khách phương xa nào đó để trở thành tấm khăn choàng hay được biến thành những phụ kiện, vật dụng bắt mắt trong gia đình, kèm theo đó là niềm tự hào của người phụ nữ với nước da ngăm đen.

Bà Tám chia sẻ: “Tôi thích nhìn mình, nhìn người thân diện trang phục thổ cẩm do chính tôi dệt. Với tôi, đó là sản phẩm có được từ sự cần cù, khéo léo của người phụ nữ”.

Họ thuộc những dân tộc khác nhau nhưng đều có chung một tình yêu lớn, một niềm say mê mãnh liệt với thổ cẩm, nghề dệt. Với bất kỳ ai, họ đều có thể thoải mái chia sẻ tỉ mỉ về từng hình thù được tạo ra từ khung dệt hay những câu chuyện về tấm thổ cẩm, gắn liền với tuổi thơ hay cả cuộc sống hiện tại. 

Yêu là một lẽ, nhưng

Thổ cẩm gắn liền với nhiều hoạt động trong đời sống của người dân tộc, từ việc ăn mặc thường ngày, cho đến cưới hỏi, lễ hội… Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự khéo tay, cần cù. Nó cũng rèn cho con người sự nhẫn nại, tỉ mỉ bởi các công đoạn đều thực hiện bằng tay, cần thời gian dài. Những mảnh vải họa tiết đơn giản thì mất vài ngày, còn với họa tiết cầu kỳ, phối màu khó, có khi phải cần đến vài tuần. 

Nghề dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu may mặc mà còn là một giá trị văn hóa  của đồng bào dân tộc
Nghề dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu may mặc mà còn là một giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc

Như mảnh vải trắng còn dang dở trên khung dệt của nghệ nhân Ka Mom, mất gần một tuần bà chỉ mới dệt được 50cm chiều dài. Ngày trước, vải chủ yếu được dệt bằng sợi thô, khá to nên thời gian ngắn, nay sợi mảnh hơn nên cần nhiều thời gian hơn nữa. 

Cũng vì thế, thổ cẩm thường có giá rất cao. Mỗi chiếc khăn có giá vài trăm ngàn đồng, trong khi một chiếc áo đơn giản có giá gần 1 triệu đồng. Trong đó, phần lớn tiền là dành cho công lao động. 

Công sức bỏ ra nhiều là thế, tình yêu sâu nặng là vậy nhưng guồng quay của cuộc sống hiện đại đã khiến cho mọi thứ thay đổi. Đôi lúc, họ - những nghệ nhân tâm huyết với nghề - cũng hoang mang, lo sợ.

Thời trang hiện đại len lỏi vào cuộc sống của người dân tộc khiến trang phục thổ cẩm ngày càng ít được sử dụng hơn. Những nghệ nhân lớn tuổi qua đời hoặc không còn mặn mà với nghề. Trong khi đó, người trẻ thường có xu hướng chọn đi học hoặc vào các khu công nghiệp.

Thử làm một phép tính đơn giản. Một ngày công lao động của một công nhân có giá khoảng 200.000-250.000 đồng, trung bình mỗi tuần họ sẽ kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng. Mất ngần ấy thời gian hoặc nhiều hơn mới làm ra được một tấm thổ cẩm nhưng bán được hay không, giá cao hay thấp vẫn là bài toán chưa có lời giải. 

Nghệ nhân Ka Mom từng đào tạo khoảng 15 người trẻ để tiếp nối nghề dệt nhưng hiện tại chỉ còn một người theo nghề. Chị Xia cũng cho biết hai đứa cháu thế hệ 2000 có niềm đam mê lớn, muốn trở thành nghệ nhân dệt. Nhưng nếu trong tương lai, khi nghề vẫn chưa phát triển tốt hơn, chúng buộc vẫn phải đi học để tìm công việc khác. Yêu là một lẽ, nhưng…

Nghệ nhân Quảng Thị Tám luôn nơm nớp nỗi sợ: “Nếu tôi không làm, thì con cái sau này sẽ không còn biết đến nghề dệt. Tôi chẳng thể tưởng tượng được nếu một lúc nào đó công việc này không còn được duy trì trong gia đình mình”.
Trong khi đó, nghệ nhân Điểu Thị Xia, Ka Mom đều cho biết họ phải có thêm nghề nông để đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống mới có thể tiếp tục duy trì nghề. Bà Ka Mom nói: “Dù bán được hay không, tôi vẫn phải dệt. Nghề dệt là bản sắc của dân tộc, buộc chúng tôi phải giữ gìn, trong khả năng có hạn của mình”.

Đường đi nào cho thổ cẩm?

Để nghề dệt thổ cẩm được duy trì, chúng phải rời buôn làng để đến với thế giới bên ngoài. Trong đó, việc ứng dụng chất liệu này vào thời trang, phụ kiện, trang trí nội thất là một hướng đi khả quan. 

Nhưng, phải thừa nhận rằng, thời gian qua, thổ cẩm chưa được sử dụng hiệu quả. Chưa kể, thổ cẩm cũng là một loại chất liệu khó xử lý nếu không có kỹ thuật tốt, hoặc máy móc hiện đại hỗ trợ. Ngoài ra, việc tạo nên các họa tiết, kết hợp màu sắc phần lớn phụ thuộc vào nghệ nhân nên chưa thể đáp ứng được tiêu chí chọn lựa của các nhà thiết kế. 

Vừa qua, ba nhà thiết kế Diego Chula, Valentine Vân Nguyễn và Lý Quí Khánh đã trình làng ba bộ sưu tập ứng dụng thổ cẩm vào những phom dáng trang phục hiện đại hoặc tạo điểm nhấn cho những thiết kế cao cấp. Điều này khiến nhiều nghệ nhân bất ngờ và đồng tình đây có thể là một hướng đi tốt. 

Chẳng hạn, bà Ka Mom cho rằng nếu thổ cẩm được ứng dụng rộng rãi, bà sẵn sàng dệt theo đặt hàng để đáp ứng tiêu chí của khách. Bà cho biết nếu có người đảm nhận việc sáng tạo, bà sẵn sàng kết hợp để cùng sản xuất trang phục chất liệu thổ cẩm.

Chị Xia cho biết ngoài trang phục, thổ cẩm còn được ứng dụng làm giày, dép, bàn ghế… Hiện tại, chị và một số nghệ nhân trong làng đang nghiên cứu làm tranh thổ cẩm treo tường, dễ được sử dụng hơn. Tuy nhiên, giữa muôn vàn kế hoạch, mong muốn, kinh phí vẫn là yếu tố khiến mọi thứ bị bóp nghẹt, dở dang. 

Nhưng dù sao, những người như chị Xia, Ka Mom… luôn có một tình yêu kỳ lạ với thổ cẩm. Đây là thứ tình yêu thầm lặng mà sâu nặng, cháy bỏng. Họ không xem đó là công việc lao động đơn thuần mà chính là một phần huyết mạch của cuộc sống, một thứ trang sức gia bảo luôn cần được gìn giữ từng ngày. 

Thành Lâm

 
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI