Thiết kế nhà bếp ấm cúng cho mùa mưa

23/07/2025 - 14:31

PNO - Trong những ngày trời đổ mưa, căn bếp không chỉ là nơi nấu nướng mà còn là chốn ấm áp để gắn kết các thành viên trong gia đình.

Ưu tiên ánh sáng - Ảnh:
Để tăng thêm cảm giác ấm cúng, bạn cần ưu tiên ánh sáng - Ảnh: H&G

Cải tạo gian bếp để mang đến sự ấm cúng trong mùa mưa không đòi hỏi chi phí lớn. Chỉ cần tinh tế trong việc chọn vật liệu, ánh sáng, màu sắc và cách bố trí, bạn hoàn toàn có thể tạo nên một góc bếp giản dị nhưng đong đầy gắn bó.

Chị Ngọc Hà (40 tuổi, phường Tân Sơn Hòa, TPHCM), chia sẻ: “Những ngày mưa, cả nhà thường quây quần bên mâm cơm nhiều hơn. Nếu bếp ẩm thấp, thiếu sáng hay có mùi thì dù món ăn ngon cũng không còn trọn vẹn. Vì vậy tôi đầu tư nhiều hơn cho bếp vào mùa mưa, từ cách sắp xếp đến hệ thống thông gió, đèn chiếu sáng, thậm chí cả mùi hương".

Gợi ý thiết kế nhà bếp ấm cúng cho mùa mưa:

Ảnh: H&G
Tông màu tối trong gian bếp không chỉ mang đến cảm giác dễ vệ sinh mà còn gợi cảm giác thư giãn, dễ chịu - Ảnh: H&G

1. Ưu tiên ánh sáng vàng - tạo hiệu ứng ấm áp

Vào những ngày mưa xám xịt, ánh sáng tự nhiên bị hạn chế, việc bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng hợp lý là điều quan trọng. Nên ưu tiên đèn ánh sáng vàng dịu, lắp ở các vị trí như trần, tủ bếp, mặt bàn ăn... để tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi. Đèn dạng thả trần hoặc đèn âm tường với kiểu dáng đơn giản cũng góp phần tăng tính thẩm mỹ mà không làm không gian nặng nề.

2. Chất liệu chống ẩm, dễ vệ sinh

Mùa mưa đi kèm độ ẩm cao khiến tường và sàn bếp dễ ẩm mốc, trơn trượt. Gia chủ nên chọn vật liệu có khả năng chống ẩm tốt như đá granite, gạch men nhám hoặc gỗ công nghiệp phủ melamine. Với mặt bếp, nên ưu tiên bề mặt đá hoặc kính để dễ lau chùi dầu mỡ, hơi nước đọng.

3. Chống bí mùi

Dù trời mưa, căn bếp vẫn cần sự lưu thông không khí. Bên cạnh việc lắp máy hút mùi, nên bố trí cửa sổ hoặc giếng trời (nếu có điều kiện) để giúp thoát hơi ẩm và mùi nấu ăn. Một vài chậu cây nhỏ như bạc hà, hương thảo, tía tô cũng giúp lọc không khí tự nhiên và tạo điểm nhấn nhẹ nhàng cho không gian.

Ảnh: H&G
Sự tối giản trong bài trí giúp làm dịu tâm trạng sau một ngày làm việc, học tập mệt mỏi - Ảnh: H&G

4. Màu sắc trầm ấm, dễ chịu

Gam màu đóng vai trò lớn trong việc tạo nên cảm xúc không gian. Đối với bếp mùa mưa, nên chọn các tông màu trầm như nâu gỗ, xanh rêu, be, hoặc vàng đất. Những gam màu này không chỉ giúp không gian thêm ấm áp mà còn hạn chế cảm giác lạnh lẽo, ẩm thấp trong những ngày mưa dài.

5. Bố trí hợp lý - tối ưu công năng

Mùa mưa thường kéo theo nhiều phiền toái như giày dép ướt, sàn nhà trơn trượt. Do đó, khu vực ra vào bếp nên được thiết kế lối đi khô ráo, có thảm thấm nước hoặc kệ nhỏ để dép. Đồng thời, cần sắp xếp lại vị trí nồi niêu, chén bát, gia vị sao cho tiện thao tác và dễ vệ sinh.

6. Trang trí để bếp thêm cảm xúc

Ngoài yếu tố kỹ thuật, việc trang trí cũng góp phần biến căn bếp thành nơi truyền cảm hứng. Có thể treo vài bức tranh nhỏ, đèn dây trang trí, lọ hoa khô, hoặc nến thơm có mùi nhẹ như quế, cam, lavender. Một vài món đồ handmade - như khăn trải bàn, khay gỗ, gối tựa lưng - sẽ giúp không gian trở nên gần gũi và cá tính hơn.

An Huỳnh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI