Thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM có gì mới?

15/03/2022 - 11:56

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 24, 25/6 với 3 môn thi ngữ văn, toán, tiếng Anh.

Môn văn: Không ra vào phần nội dung tinh giản

Ông Trần Tiến Thành (chuyên viên môn ngữ văn, Sở GD-ĐT TPHCM) thông tin, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn ngữ văn 2022 không thay đổi so với các năm trước.

Đề thi gồm 3 phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Thời gian làm bài 120 phút. Trong bối cảnh dịch COVID-19, đề thi sẽ giảm tải, không ra vào các phần nội dung kiến thức đã được tinh giản trong quá trình học sinh học trực tuyến. 

Phần đọc hiểu, văn bản được chọn có thể là văn bản thông tin, văn bản nghị luận, văn bản khoa học... Câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận, đánh giá, vận dụng. Có thể là các câu hỏi yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới… Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng Việt.

Theo ông Thành, khi làm bài phần đọc hiểu, học sinh cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung, trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng không cần thiết.

Đề thi Tuyển sinh 10 TPHCM năm 2022 sẽ không ra vào phần kiến thức tinh giản khi học trực tuyến
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 tại TPHCM sẽ không ra vào phần kiến thức tinh giản khi học trực tuyến

Với phần nghị luận xã hội, yêu cầu viết bài văn ngắn khoảng 500 chữ. Học sinh cần đảm bảo cấu trúc bài đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài. Biết vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Trong đó cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân.

Phần nghị luận văn học, với tinh thần đề “mở”, học sinh được chọn lựa một trong 2 đề, tự do thể hiện khả năng cảm nhận về tác phẩm văn học. Trong đó, đề 1 là phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình. Từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng (liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến…). Đề 2 với cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn.

Học sinh nên căn cứ vào kiến thức và kỹ năng khi lựa chọn đề, tránh chọn đề theo cảm hứng ngẫu nhiên. Để làm tốt câu nghị luận văn học, các em cần nắm vững nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm được học, vận dụng nhuần nhuyễn thao tác phân tích. Tránh diễn xuôi, nhắc lại nội dung tác phẩm một cách máy móc.

Môn toán: Mức độ vận dụng phù hợp với học trực tuyến 

Ông Dương Bửu Lộc (chuyên viên môn toán, Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay, đề thi môn toán gồm 8 câu, trong đó 7 câu là kiến thức cơ bản và 1 câu hình học phẳng. Thời gian làm bài 120 phút.

Trong đó, câu 1, 2 là kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Viet, điều kiện có nghiệm của phương trình.

Câu 3, 4, 5, 6, 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học trong chương trình giải các bài toán liên quan đến thực tế. Trong đó sẽ có 1-2 câu ở mức nâng cao. Khi giải bài toán thực tế, học sinh đưa về phương trình/hệ phương trình, vận dụng kiến thức số học để tính toán… 

Câu 8 là bài toán hình học phẳng gồm 3 bài toán nhỏ. Trong đó 2 bài ở mức độ cơ bản, 1 bài mang tính phân hóa cao.

Ông Lộc đánh giá, học sinh thường gặp khó với bài toán thực tế do khó khăn khi đọc hiểu, khó hình dung với các vấn đề thực tế cuộc sống như lãi suất tiền gửi, thể tích, chu vi… Do vậy trong quá trình học, ngoài nắm các kiến thức toán học, học sinh cần rèn luyện thêm các hiểu biết về kiến thức thực tế. 

“Đề thi giữ nguyên cấu trúc, mức độ kiến thức với 70% nhận biết, thông hiểu; 30% vận dụng, vận dụng cao. Năm nay do học trực tuyến kéo dài nên mức độ vận dụng cao trong đề sẽ được cân nhắc phù hợp với năng lực của học sinh. Đề sẽ không ra vào các kiến thức đã được tinh giản khi học trực tuyến”, ông Lộc nói.

Môn tiếng Anh: Kiến thức nâng cao chỉ từ 10-15%

Ở môn tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ (chuyên viên môn tiếng Anh, Sở GD-ĐT TPHCM) thông tin, đề sẽ nhẹ nhàng, ổn định. Kiến thức không thoát ly ngoài SGK và nằm chủ yếu trong chương trình tiếng Anh lớp 9. Các phần kiến thức đã giảm tải khi học trực tuyến sẽ không được ra trong đề thi.

Đề sẽ không ra vào các kiến thức đã được tinh giản khi học trực tuyến
Đề thi sẽ không ra vào các kiến thức đã được tinh giản khi học trực tuyến

Đề thi gồm 40 câu (0,25 điểm/câu)- tăng thêm 4 câu ( 2 câu viết câu, 2 câu phát âm), thời gian làm bài thi 90 phút. Trong đó chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, nâng cao chỉ chiếm từ 10-15%.

Ông Lữ nhấn mạnh, đề thi sẽ không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng nhiều về kỹ năng, từ vựng. Khi học, học sinh không nên ôm đồm quá nhiều ngữ pháp, ngược lại nên rèn làm các dạng bài để hình thành kỹ năng, đọc nhiều bài đọc để ghi nhớ từ vựng. 

“Các phần kiến thức, chủ đề, chủ điểm, từ vựng trong đề thi đều quen thuộc với học sinh và nằm trong chương trình đã được học. Đề thi sẽ mang tính phân hóa để phân luồng học sinh. Tuy nhiên, mức độ phân hóa trong đề năm nay sẽ được tính toán phù hợp với ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động lên quá trình học của học sinh”, ông Lữ thông tin.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI