Thị trường không thiếu trứng gia cầm

09/06/2022 - 17:22

PNO - Đó là khẳng định của đại diện Sở Công thương TPHCM trong buổi họp với báo chí chiều ngày 9/6.

 

Sở Công Thương cùng sở Tài Chính sẽ tính toán, tham mưu TP có giải pháp điều chỉnh giá trứng BOTT phù hợp, tăng ở mức hợp lý.
Sở Công thương cùng Sở Tài Chính sẽ tính toán, tham mưu UBND TPHCM có giải pháp điều chỉnh giá trứng BOTT phù hợp, tăng ở mức hợp lý

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho hay, không chỉ trứng gia cầm mà các loại hàng hóa hiện không thiếu.

Tuy nhiên, sau thời gian dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga - Ukraina, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới bị đứt gãy dẫn tới chi phí đầu vào tăng cao; giá xăng dầu tăng tác động khiến giá cả hàng hóa tăng cao.

Với ngành hàng chăn nuôi, các doanh nghiệp bị tác động bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường (BOTT) không tăng trong suốt thời gian dài, lượng trứng BOTT có khả năng chi phối thị trường, giá trứng gia cầm bên ngoài không thể tăng cao. Trước giá chi phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp phải tính toán lại sản xuất, tái đầu tư, tái đàn... Nếu chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao và kéo dài, người chăn nuôi không tái đàn, giá trứng sắp tới sẽ tăng và có thể thiếu hụt nguồn cung cục bộ.

"Sở Công thương cùng Sở Tài chính sẽ tính toán, tham mưu TP có giải pháp điều chỉnh giá trứng gia cầm BOTT phù hợp, tăng ở mức hợp lý", ông Phương nói.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cả nước đang chịu áp lực bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Các doanh nghiệp đang tìm cách giảm chi phí đầu vào, sức mua hiện chưa mạnh như giai đoạn trước dịch COVID-19; do đó, việc tăng giá sẽ kéo giảm sức mua nên doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí để giảm và giữ giá. TPHCM cũng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn vay, thủ tục hành chính...

Sở Công thương TPHCM đánh giá, trong 5 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 57.757 tỷ đồng, tăng 3,08% so với tháng trước và tăng 13,8% so với tháng 5 năm 2021. Xét về số tuyệt đối, đây là mức doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 60%) trong khu vực dịch vụ; đồng thời là tháng có quy mô doanh thu bán lẻ lớn nhất kể từ tháng 1/2019.

Lũy kế 5 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 275.967 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ (5 tháng đầu năm 2021 tăng 9,5%). Nhìn chung 5 tháng đầu năm 2022, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu (mức tăng chưa bằng cùng kỳ), tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.

“Sở Công thương tiếp tục theo dõi tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, phát huy công cụ BOTT, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương. Đồng thời, Sở triển khai các chương trình khuyến mại tập trung nhằm tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Sở tìm mọi cơ hội đồng hành với doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế TP phát triển…”, Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI