Thầy và bạn

19/11/2016 - 09:45

PNO - Với tôi, đây là hai gương mặt thân yêu của một người thầy lớn, và một người bạn lớn: Thầy Nguyễn Văn Khỏa và bạn Nguyễn Chí Thành.

Mùa thu năm 1971, tôi, bạn Nguyễn Chí Thành cùng hai chục bạn k15 Ngữ Văn Tổng hợp lên đường ra trận. Thi môn Văn học Phương Tây, thầy Khỏa chấm rồi nhưng không báo điểm cho chúng tôi biết. Thầy bảo: Ra trận lúc này là môn thi lớn nhất mà Tổ quốc bắt các em phải vượt qua. Các em xứng đáng điểm 5/5, cao nhất, ở mọi môn học rồi. Cứ đi đi, chiến đấu thắng trận trở về, thầy sẽ báo điểm...

Nhiều đêm ở chiến trường, lúc ngớt tiếng đạn, nằm nhớ nhà, tôi cũng cứ thắc thỏm, nhớ trường, nhớ Thầy, trằn trọc không biết Thầy cho mình mấy điểm. Tôi đoán, Thầy Khỏa giữ lại điểm ở hậu phương Hà Nội là để thêm một mối dây ràng buộc sự sống của chúng tôi ở miền Nam. Thầy đã làm một thứ dây bảo hiểm cho chúng tôi trước thần Chết. Tôi đoán: Mình mà chết, chắc sẽ thành con ma đói điểm, đêm đêm hiện về Hà Nội, đòi nợ thầy...

Nhưng tôi không chết.

Thay va ban

Hết chiến tranh, chúng tôi trở về, tìm đến tận nhà thầy Khỏa xem điểm. Người lính quân báo thời chống Pháp lục tìm tập bài thi của đám sinh viên đi lính chúng tôi ra xem. Sau mấy năm, tập bài thi đã ẩm, phai màu mực. Điểm tôi lẹt bẹt. Thầy không cộng điểm ra trận. Tôi nhìn điểm 3, thẫn thờ.

Thầy hỏi: "Nguyễn Chí Thành đâu ? Bài này tốt nhất, duy nhất được điểm 5. Thành đâu ?". Căn phòng mấy mét vuông của Thầy chật chội thêm vì màu xanh áo lính. "Thành đâu ?". Vậy là Thầy không biết mặt học trò. Chúng tôi nín lặng. Không ai dám trả lời. Thầy hiểu, hai bàn tay nén chặt bài thi xuống sàn nhà. Thầy trò đều cúi xuống, không muốn nhìn nước mắt của nhau. Thầy trò đều nhìn vào bài thi của Thành. Màu mực đỏ của điểm 5 ánh lên như giọt máu.

Thành là xạ thủ trung liên của trung đoàn 95, sư 325. Có lần xuất kích, vì có cảm tình với chàng lính sinh viên, Trung đội trưởng kéo Thành trở lại, thì thầm: " Cậu con một, không nên đi đầu, sống còn về nuôi mẹ". Thành bảo: "Cám ơn thủ trưởng, trung đội có mấy người con một. Em có em trai, chết, mẹ đã có em nuôi" . Thành ôm trung liên chiến đấu, cứ xuất kích là đi đầu. Đi đầu được khoảng dăm lần là rơi vào ổ phục kích địch. Thành ngã xuống vì loạt đạn đầu tiên...

Thời hậu chiến trôi đi trong gian khó. Mặc dù đã là chuyên gia đầu ngành về văn học phương Tây, thầy Khỏa vẫn sống nghèo khổ, thậm chí có phần nhếch nhác, đúng kiểu một đàn ông độc thân, say mê khoa học. Nghiên cứu giảng dạy văn học nước ngoài nhưng Thầy chưa một lần đi qua biên giới. Vào đầu những năm 80, Thầy có giấy mời đích danh sang Pháp dự hội thảo khoa học và sưu tầm tài liệu, thời gian: một tháng. Lãnh đạo Trường ngần ngại, định thay Thầy bằng người khác, nhưng phía Pháp không nghe...

Trường lo, Khoa lo, còn Thầy thì rất giận. Thầy lên gặp hiệu trưởng quát ầm lên. Lại đến lượt hiệu trưởng giận. Rất giận. Mấy tháng liền hai Thầy không thèm chào nhau.

Nhưng rồi mọi việc cũng diễn ra theo lẽ phải. Hiệu trưởng nguôi giận, gật đầu, ra quyết định làm hộ chiếu cho Thầy.

Các bạn đồng nghiệp ở ĐH Paris đón Thầy như đón người khách danh bất hư truyền.

Đúng một tháng, Thầy về nước, lại ngày ngày đạp xe từ Trần Hưng Đạo, vào Mễ Trì giảng dạy.

Một hôm và đi vừa huýt sáo, Thầy trông thấy hiệu trưởng phía xa. Thầy lại gần, tươi cười chào. Viên hiệu trưởng nghiêm mặt: ""Tháng trước anh chẳng chào tôi. Đi Pháp có một tháng mà về anh đột nhiên lịch sự, là thế nào ? "
Lại đến lượt Thầy, tắt nụ cười, nghiêm mặt: "Anh thấy đấy, sống, làm việc với các anh mấy chục năm càng ngày càng thô lỗ. Sang Pháp có một tháng, thế mà nên người"

Viên hiệu trưởng nín lặng, bỏ đi. Mỗi người một nẻo...

Mấy chục năm qua rồi. Thầy Khỏa và bạn Thành của tôi đã vĩnh viễn nghỉ ngơi đâu đó chốn cao xanh. Kỷ niệm 60 năm Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi chợt nhớ Thầy. Nhớ Thầy rồi nhớ Bạn - những con người trên đời chỉ biết có một con đường: con đường đi thẳng.

PGS.TS Phạm Thành Hưng

(Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI