Thầy ơi, khó lắm...

27/08/2016 - 06:30

PNO - Chương trình, kiến thức ở lớp chính khóa hay lớp DT, không phải chỉ là “tải” của thầy và trò. Giáo dục là chuyện của toàn xã hội, hãy để toàn xã hội được cùng tìm kiếm giải pháp phù hợp với thực trạng của mình...

Năm học mới sắp bắt đầu. Thật ra, với những học sinh (HS) lớp cuối cấp, năm học mới đã bắt đầu từ cách đây vài tuần. HS đã đến lớp và đã kịp rục rịch hỏi nhau đi học môn này môn khác ở đâu thì tốt. Trong khi đó, các bác các chú là cán bộ quản lý ngành, các thầy các cô đang đi dạy… vẫn còn đang tranh luận về việc TP.HCM cấm dạy thêm học thêm (DTHT) trong trường.

Người cấm có lý, người bảo đừng cấm cũng có tình. Sẽ có thăm dò ý kiến, sẽ có lắng nghe, sẽ có những bức xúc vì DTHT, cũng sẽ có những bất cập của việc giải quyết tâm tư, chữa trị căn bệnh mạn tính của giáo dục bằng một quyết định hành chính... Những trao đổi quyết liệt và cởi mở hiện nay giữa các nhà quản lý và người làm chuyên môn đang có tác động tích cực đến nhận thức xã hội, dù nhìn vào thực trạng việc dạy, việc học, việc thi ở nước ta, rõ ràng là khó có thể giải quyết cho rốt ráo ngay trong năm nay.

Trong một gia đình, con trẻ đi học nghĩa là cha mẹ cũng đến trường; công sức, thời gian, tiền bạc của gia đình đổ vào việc học hành cho con không nhỏ. Nỗ lực học tập của xã hội là đáng quý. Nỗ lực ấy thể hiện qua hình ảnh những người mẹ người cha đội mưa nắng, chen lấn kẹt xe, để đưa đón con đến trường, lo con không tiếp thu được hết bài vở, ngại thầy cô không hiểu hết năng lực, tâm tính của con, thấp thỏm khi thi cử gần kề, tìm trường nào cho con có môi trường học tốt, có bạn tốt mà chơi… Nỗ lực đó không phải ngày một ngày hai mà có được.

Trong chuyện HT, không thể không nói đến sự tham gia chủ động và tích cực của cha mẹ HS, chấp nhận cho con học, chọn học toán ở đâu, học văn chỗ nào… Thầy thì muốn DT vì giờ trên lớp không đủ, vì muốn trò thi tốt. Trò muốn HT vì muốn đậu vô trường tốt, muốn học những kiến thức nâng cao mà thầy không thể dạy trong giờ trên lớp. Quý lắm chứ! Nếu họ - thầy cô, cha mẹ, học trò - đều chung một mục tiêu, đều quý sự học, sao lại làm thui ch ột cái lòng ham học đó? Khi dư luận ồn ào chuyện DT, đòi dẹp bỏ HT, cái phần tích cực ấy đã không được nói đến, các nhà giáo cũng mặc cảm, ngại nói về vấn đề này. Là vì, đã có hiện tượng DTHT sai trái, trong động lực ấy đã có lẫn mùi tiền. Nói cho cùng, cái gì bây giờ mà chẳng lẫn, nhưng đã trót mang nghiệp giáo dục, khó nói lắm…

Vậy nên khi “cấm” mà nhu cầu DTHT vẫn cao, nhiều chuyện bi hài sẽ xảy ra. Có nghề dạy học nhưng thầy cô không thể dạy tại trường, không dám dạy tại nhà, cũng phải từ chối dạy tại trung tâm văn hóa ngoài giờ, vì tại trung tâm họ bị bóc lột, cả HS cũng bị bóc lột. Ba bốn giáo viên rủ nhau thuê chung một cái nhà làm chỗ DT, rồi chia giờ, chia lớp, tự quản, đến giờ học PH chở con đến. “Né” lệnh cấm của ngành, thầy trò chấp nhận tạm bợ, điều kiện dạy và học tối thiểu. Nếu không vì kỳ thi trước mắt, không vì những gì thầy dạy thực sự hữu ích, mấy ai bằng lòng như vậy?

Cộng đồng HS truyền nhau trên facebook chuyện thầy này dạy chỗ này, cô kia dạy chỗ kia, đi sớm mới còn chỗ… thành một báo cáo bất thành văn, nhiều chuyện cười ra nước mắt. Không thể nói với PH: thôi đừng cho con đi học nữa. Không thể nói với trẻ con: thôi con đừng học nữa. Không thể nói với thầy: thôi thầy đừng dạy nữa. Và cũng không thể nói với lãnh đạo: thôi xin đừng cấm nữa. Khó lắm, thầy hiệu trưởng ơi…

Thay oi, kho lam...
Ảnh minh họa: Internet

Thay vì một lệnh “cấm”, có thể động viên các trường cùng xây dựng một bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp khả thi và có tính sư phạm. Nguyên tắc hành xử của giáo viên phải được cụ thể hóa vào chuyên môn giảng dạy, thì mới phù hợp với người thầy. Những nguyên tắc này cần được xây dựng từ sự đồng thuận về mặt nhận thức của cả tập thể, để không chuyển kiến thức từ lớp chính khóa sang lớp HT, không mang điểm từ lớp HT sang lớp chính khóa.

Các trường có thể làm việc đó vì có hành lang pháp lý và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của mình. Nếu giáo viên được cùng tham gia trong hai chiều tác động của câu chuyện DTHT này, những diễn biến sẽ tích cực hơn, nhanh hơn, sâu hơn. Đồng bộ với họ là quá trình nghiên cứu, điều chỉnh của ngành, của các cơ quan quản lý, từ mục tiêu giáo dục đến khung chương trình, đến chính sách đãi ngộ, đào tạo giáo viên, đến phương pháp dạy, đến thi cử, rồi mới đến sự học hành, tổ chức lớp. Các loại hình dạy học của trường có thể đa dạng hơn, phù hợp theo định hướng chung của ngành. Hội đồng sư phạm của từng trường có quyết định về việc này, trên cơ sở nhu cầu thực sự của trò, năng lực của thầy và cơ sở vật chất của trường.

Trong mục tiêu phấn đấu cho một hệ thống giáo dục toàn diện, mà cụ thể theo hình dung của cha mẹ HS, là không cần HT, không cần DT vẫn đạt kết quả tốt theo các thang đánh giá chuẩn mực tiên tiến của thế giới, có thể có những biện pháp mạnh, nhưng không cứng nhắc. Bởi lẽ, con trẻ đi học và đi HT không phải chỉ là ý muốn của trẻ hay của thầy cô. Chương trình, kiến thức ở lớp chính khóa hay lớp DT, không phải chỉ là “tải” của thầy và trò. Giáo dục là chuyện của toàn xã hội, hãy để toàn xã hội được cùng tìm kiếm giải pháp phù hợp với thực trạng của mình.

Tịnh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI