Cấm nhà trường tổ chức dạy thêm: Sẽ điều chỉnh theo lộ trình

24/08/2016 - 06:53

PNO - Trong hai ngày 22 và 23/8, ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân TP. HCM có cuộc khảo sát về tình hình dạy thêm, học thêm (DTHT) trên địa bàn TP.

Câu hỏi đặt ra là, nên quản lý như thế nào cho hiệu quả hay vẫn kiên quyết “dẹp” DTHT trong nhà trường?

Nhu cầu có thật, vì sao cấm?

Nhiều hiệu trưởng, giáo viên (GV), nhà quản lý giáo dục lẫn các đại biểu HĐND băn khoăn: Nhu cầu DTHT là có thực, sao lại cấm một cách máy móc? Nếu cấm DTHT trong nhà trường thì có dẹp được luôn hoạt động này bên ngoài nhà trường? Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó bí thư thường trực Quận ủy Q.Gò Vấp thẳng thắn: “Chương trình hiện hành quá tải, GV không thể truyền đạt tốt các kiến thức trên lớp. Nếu học sinh (HS) ra ngoài trường học thêm thì còn nhiều vấn đề quan ngại lắm”.

Đồng tình với ý kiến này, bà Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.1 nêu ví dụ: “Ở lớp 9, HS chỉ học tiếng Anh hai tiết/tuần, nếu không học thêm thì khó chuyển tải được hết nội dung để thi vào lớp 10. Ở các bộ môn khác, GV chỉ có thời gian để cung cấp kiến thức bài mới, không thể rèn luyện thêm. Các em còn phải học nhiều kiến thức để thi vào lớp 10, trong khi đề thi lớp 10 có độ phân hóa để khống chế chỉ tiêu”.

Nhiều hiệu trưởng khẳng định nhu cầu học thêm là có thực, ngay chính cả con GV, con hiệu trưởng cũng phải đi học thêm. Bà Sương nói: “Dù là hiệu trưởng nhưng tôi vẫn cho con đi học thêm. Chắc chắn tôi không phải sợ con bị trù dập, vì không ai trù dập con hiệu trưởng cả. Tôi cho con đi học thêm vì dù học lực con không quá yếu nhưng vẫn còn những nội dung chưa đạt, phải học thêm mới bù đắp được”.

Cam nha truong to chuc day them: Se dieu chinh theo lo trinh
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Bậc tiểu học không còn đánh giá bằng điểm số nhưng việc học thêm vẫn là nhu cầu của phụ huynh. Ông Phạm Hùng Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 nói: “Nhu cầu học thêm có thật, phụ huynh cũng mong muốn. HS tiểu học học hai buổi/ngày, HS ra về ca 1 lúc 16 giờ, ca 2 lúc 16g15 nên phần lớn phụ huynh là công nhân viên chức không thể đón, phải nhờ GV trông, từ đó phát sinh việc nhà trường tổ chức cho thầy cô dạy môn thể thao yêu thích hoặc ngồi tại lớp chuẩn bị bài học, làm bài tập”. Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hó a Xã hội HĐND TP.HCM thừa nhận: “Nhu cầu học thêm là có thực của phụ huynh. Bản thân tôi cũng cho con mình đi học thêm để nắm chắc hơn kiến thức trên lớp, để vào đại học tốt”.

Thạc sĩ Phạm Hồng Danh, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Vĩnh Viễn khẳng định, DTHT là nhu cầu đôi bên, là sự tự nguyện. Tiêu cực chắc chắn có nhưng đó chỉ là số ít, không nên vì số ít mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cả thầy và trò. Nên cho phép DTHT để GV có thể sống được bằng nghề và sức lao động.

Còn lâu mới bỏ DTHT triệt để

Theo các đại biểu, do nhu cầu nhiều phía nên cấm DTHT lúc này là chưa phù hợp. Cấm tổ chức DTHT trong nhà trường chắc chắn sẽ phát sinh một thị trường DTHT nở rộ bên ngoài, rất khó quản lý. Vì vậy, giải pháp phù hợp nhất ở thời điểm này là cho DTHT trong nhà trường, để quản lý tốt. Còn để chấm dứt triệt để DTHT, cần phải giảm tải chương trình học; cải cách thi cử và quan trọng nhất là đảm bảo lương cao cho GV.

Ông Đoàn Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng, Q.3 nói: “Cấm DTHT trong nhà trường xong, chúng tôi rất khỏe, nhẹ đầu hẳn. Nhưng quyền lợi của người học và cả GV đều bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ nên giao việc DTHT cho nhà trường vì các em sẽ được học ở môi trường quen thuộc, đảm bảo sức khỏe, bản thân GV cũng quen tính cách, trình độ và khả năng tiếp thu của các em để dạy một cách hiệu quả”.

Theo bà Sương, khi học thêm trong trường, nếu mỗi em học năm môn trong năm buổi học, mỗi buổi học bốn tiết thì đóng khoảng 200.000đ/tháng, nhưng học bên ngoài với từng đó môn thì lên đến tiền triệu. Dạy thêm trong trường đảm bảo tăng thu nhập cho GV thêm được hai - bốn triệu đ/tháng (hiện nếu không dạy thêm, GV sau 5 năm làm việc chỉ có tổng thu nhập là 3,8 triệu đ/tháng; nếu có thâm niên 20 năm, tổng thu nhập cũng chỉ hơn 6,68 triệu đ/ tháng). Do vậy, nên duy trì dạy thêm trong trường và giao trách nhiệm tổ chức, quản lý cho hiệu trưởng.

Sau ba buổi khảo sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung nhìn nhận: “Chương trình hiện chưa giảm, sách giáo khoa chưa cải cách. Nếu cải tiến thi cử, chắc chắn sẽ giảm nhu cầu học thêm. Hơn nữa, chúng ta cần phải xem xét chế độ tiền lương đội ngũ GV, để GV luôn tâm huyết, đồng thời HS yếu thì phải phụ đạo thêm để nắm bắt chương trình… Chủ trương là chấm dứt DTHT trong nhà trường, cấp trên chỉ đạo thì cấp dưới phải chấp hành. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại theo lộ trình từng bước, từng năm cho phù hợp chứ không đột ngột”.

Tại phiên làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng nghẹn ngào: “Nên quản lý DTHT sao cho tốt, chứ quản không tốt rồi cấm thì rất vô lý, bất công. Nhiều thầy cô tâm tư nhưng không tiện nói. Tại sao bác sĩ được mở phòng mạch trong khi GV muốn dạy thêm cho học trò lại bị cấm, phải trốn chui trốn nhủi? Tôi không phải là một GV dạy thêm nhưng bản thân tôi cảm thấy buồn, chạnh lòng".

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI