Thầy cô rất cần được "chữa lành" bằng thấu hiểu

15/10/2023 - 13:21

PNO - Không dám làm, sợ sáng tạo, đi đâu cũng bị chê trách... là những “tổn thương” của nhiều giáo viên, cán bộ quản lý hiện nay. Hơn lúc nào hết, thầy cô rất cần được “chữa lành”, thấu hiểu.

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô N.T.T.H - giáo viên tiểu học quận Bình Tân chia sẻ, chưa khi nào bản thân cảm thấy tổn thương như hiện nay. Trước mỗi sự việc, mạng xã hội luôn phán xét nghề giáo bằng tất cả những lời lẽ cay nghiệt nhất. Và thầy cô hầu như chỉ dám “chịu trận”.

“Mỗi giáo viên đứng lớp, chọn nghề giáo, tôi luôn tin rằng ai cũng sẽ mong dạy học trò mình những điều hay lẽ phải, những bài học sâu sắc. Và bất cứ thầy cô nào đến với học sinh cũng bằng tình yêu thương. Trước những sự việc không phù hợp với chuẩn mực đạo đức nghề giáo chắc chắn pháp luật sẽ có sự răn đe xử lý phù hợp, xã hội cần phản biện bằng sự góp ý nhưng hiện nay đang là “tấn công” bằng những lời lẽ rất đau lòng…”- cô T.H ngậm ngùi. 

Theo cô H. trong đổi mới giáo dục, xã hội, phụ huynh đòi hỏi ở thầy cô nhiều hơn, công việc cũng đòi hỏi thầy cô phải bứt tốc thay đổi, phải biết sử dụng CNTT, biết sử dụng tiếng Anh để đổi mới giờ học… Giáo viên còn phải trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý để phù hợp với tâm lý trẻ, để thấu hiểu học trò. Thế nhưng, dường như giáo viên lại ít được phụ huynh và xã hội thấu hiểu.

Xã hội đang ngày càng đặt nhiều vai trò cho thầy cô giáo
Xã hội đang ngày càng đòi hỏi nhiều ở thầy cô giáo

“Một lớp tiểu học có đến 50 học sinh, giáo viên rất cố gắng để vừa dạy vừa quan sát, nắm bắt tâm lý, tính cách từng trẻ để có sự hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh có tâm lý khi trẻ đến trường là “trăm sự nhờ cô”. Giáo viên rất cần sự phối hợp, thấu hiểu của phụ huynh để việc giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao nhất, để dám sáng tạo đổi mới trong công việc”- cô N.T.T.H bày tỏ. 

Thầy Nguyễn Duy Tuyển - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10) nhận định, lùm xùm thu chi đầu năm ở một số nhà trường do chưa được sự đồng thuận cao của phụ huynh đã tác động rất lớn đến công tác giáo dục của nhà trường. Đây là vấn đề lớn, cần phải khắc phục nhưng đang trở thành nặng nề cho hiệu trưởng, lãnh đạo nhà trường.

“Chỉ một vài sự việc đơn lẻ ở một số nhà trường nhưng cả ngành đi đâu cũng bị chê trách, cuối cùng bao nhiêu công việc nhà trường đã làm dù tốt thế nào cũng không được công nhận” - thầy Duy Tuyển rưng rưng.

Trong khi đó, thầy Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12) tâm tư, trước mỗi sự việc dù là cá biệt song dư luận hiện nay nặng nề quá, dẫn đến hiệu trưởng nhà trường dù thực hiện đúng theo quy định, thông tư, nghị quyết vẫn cảm thấy hoang mang về tư tưởng, không dám làm, không dám sáng tạo. 

Hơn lúc nào hết, thầy cô cần được chữa lành, thấu hiểu
Hơn lúc nào hết, thầy cô cần được "chữa lành"  bằng thấu hiểu

“Đơn vị nào sai, chưa đúng thì chấn chỉnh đơn vị đó khi đó hiệu trưởng các đơn vị khác mới tự tin làm việc. Đôi khi chính bản thân tôi không biết phải làm thế nào, có nên làm hay không nên làm. Hiện nay công việc ở trường rất nhiều, rất áp lực, vừa lo dạy học, vừa lo xử lý vụ việc, vừa lo thông tin báo cáo, cộng thêm dư luận xã hội…, rất mệt mỏi. Đội ngũ chỉ biết động viên nhau để cố gắng bởi vì cái cuối cùng mình làm là vì học sinh của mình, để các em được học tập, rèn luyện, trở thành những người công dân tốt. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết mỗi nhà trường, mỗi thầy cô rất cần được sự động viên chứ không nên chỉ là răn đe, quy chụp…”, thầy Lương Văn Định nói.

Cần bản lĩnh để kiên định với cái đúng, cái hay

Theo tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thuý, đừng mong rằng xã hội ngừng có ý kiến trái chiều, thậm chí là “ném đá” giáo dục, vì giáo dục liên quan đến từng gia đình, từng đứa trẻ, cả xã hội cùng tham gia.

Thực tế hiện nay nhiều giáo viên, cán bộ quản lý sợ cả học sinh, phụ huynh. Hiệu trưởng sợ dư luận mà không dám làm những điều tốt cho học trò. Giáo viên sợ phụ huynh không dám “uốn nắn” học trò. Để vững vàng thì chính mỗi thầy cô, cán bộ quản lý phải hiểu rõ nhiệm vụ, hoàn thành tốt công việc của mình, có bản lĩnh, năng lực để kiên định với cái hay, cái đúng của đơn vị, dám chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Tiến sĩ Thuý nhấn mạnh, để giáo dục một đứa trẻ có nhân cách thì xã hội phải tôn trọng người thầy, phải dành cho thầy cô giáo sự coi trọng đúng mực nhất chứ không phải chỉ đợi đến ngày 20/11 mới vinh danh. Để xã hội tôn trọng người thầy thì cần phải xem lại các văn bản quản lý đã thực sự đề cao giáo viên chưa. Đặc biệt, nhà quản lý giáo dục cần phải tôn trọng giáo viên, trước những dư luận cần bảo vệ giáo viên.

“Hành lang văn bản pháp lý hiện nay rất mỏng, thiếu sự rõ ràng để bảo vệ người thầy. Hiện nay quy tắc ứng xử trường học chỉ mang tính giáo dục thuyết phục, chứ nếu có vi phạm thì lại không có chế tài xử lý trong đó. Tuy nhiên, xét cho cùng thì chúng ta có công cụ pháp luật, mọi hành vi xúc phạm giáo viên đều có thể chiếu theo các bộ luật hiện hành. Vấn đề là nhà quản lý có dám viện dẫn những bộ luật đó để bảo vệ giáo viên của mình hay không”.

Chuyên gia này đồng thời cho rằng, trách nhiệm của nhà quản lý còn là quan tâm đời sống tinh thần của giáo viên, tham vấn tâm lý, chữa lành cho thầy cô chứ không chỉ dừng ở học sinh. Khi có rắc rối xảy ra trong trường học, giáo viên cần được lắng nghe.

Quốc Trung 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI