Thân phận xe gắn máy

21/04/2017 - 06:59

PNO - PGS.TS Phạm Xuân Mai tin rằng xe máy là nguyên nhân gây hỗn loạn giao thông, kẹt xe, kéo theo sự trì trệ của toàn TP.HCM. Đã là Tiến sĩ rồi lên đến Phó giáo sư, lại có thể nói sai hay sao?

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Xuân Mai vừa có phát biểu chấn động tại hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM - thực trạng và giải pháp”. Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai nên cấm hẳn xe máy, đừng mang cái nghèo ra mà dọa nhau mãi.

Lại thêm, PGS.TS Phạm Xuân Mai tin rằng xe máy là nguyên nhân gây hỗn loạn giao thông, kẹt xe, kéo theo sự trì trệ của toàn TP.HCM. Đã là Tiến sĩ rồi lên đến Phó giáo sư, lại có thể nói sai hay sao?

Than phan xe gan may
 

1. Bảy giờ sáng ở TP.HCM có gì ngoài đường? Đầu tiên sẽ có nắng vào tháng này, nắng rất gay gắt. Kế đến là có khói bụi, vào tháng này khói bụi cộng nắng gay gắt rất mệt. Cuối cùng, là có kẹt xe.

Tất nhiên thì khi kẹt xe dưới nắng gay gắt và khói bụi thì người điều khiển xe gắn máy hứng trọn mọi thứ. Người ngồi ô tô có khó chịu vì kẹt xe đổi lại vẫn được nhạc dịu êm và máy lạnh. Người ngồi xe buýt còn dễ chịu hơn vì bất cứ lúc nào kẹt xe mà xe buýt lại không tràn vào làn xe gắn máy để giành dường. Còn người điều khiển xe gắn máy không phi tót lên vỉa hè để nhường phần đường hợp lệ của mình cho xe buýt.

Hôm nào nhào lên vỉa hè gặp mấy anh cảnh sát, mấy anh trật tự đô thị, thì người điều khiển xe máy vừa mới phi tót lên vỉa hè vội vàng lao thẳng xuống lòng đường đứng cạnh xe buýt theo đúng tinh thần “trời kêu ai nấy dạ”.

Từ bảy giờ sáng trở đi, phố xá ở Sài Gòn đều đặn một nhịp tôi vừa kể. Nhưng đó là bức tranh tổng thể, không liên quan đến ý kiến của PGS.TS Phạm Xuân Mai.

2. PGS.TS Phạm Xuân Mai bảo rằng người điều khiển xe máy là thủ phạm gây nên cảnh hỗn loạn giao thông, kẹt xe.

PGS.TS chắc bận nghiên cứu công trình khoa học, nên ít có thời gian ra phố. Bởi nếu ra phố thì chắc chắn 100% PGS.TS Mai sẽ thấy một điều hết sức bình thường đó chính là, “Khi kẹt xe thì tất cả phương tiện đang tham gia lưu thông đều là thủ phạm”. PGS.TS không tin thì cứ đúng tám giờ ra ngã tư nào nhìn cũng được.

Than phan xe gan may
 

PGS.TS sẽ hết sức bất ngờ vì khả năng giành đường của mấy anh lái xe taxi. PGS.TS lại càng hốt hoảng hơn với khả năng tạt đầu của mấy anh lái xe buýt. PGS.TS còn bàng hoàng không kém với khả năng ép xe gắn máy của xe tải. PGS.TS còn thập phần hoang mang với khả năng lấn làn của các xe ô tô biển xanh đỏ, biển ưu tiên, hoặc trên kính xe có dán bản của cơ quan đơn vị này nọ, hoặc đơn thuần chỉ là những người điều khiển ô tô biển dân sự thiếu kiên nhẫn.

Trong bối cảnh đó, người điều khiển xe gắn máy không có lựa chọn nào khác là điều khiển xe theo lối “điền vào chỗ trống”, nghĩa là thấy đường trống chỗ nào thì lao xe vào chỗ ấy. Bất chấp phía trước là xe buýt, phía sau là xe tải, bên trái là ô tô cá nhân, bên phải là xe taxi… tất cả đang gầm gừ đòi nuốt chửng xe máy.

3. Điều đơn giản nhất để lý giải một vụ kẹt xe gói gọn trong mấy chữ, theo ý tôi đó chính là “Tất cả cùng ùa ra đường vào một thời điểm thì gây nghẽn đường”. Có vậy thôi.

Thế nên vấn đề chính là sắp xếp lại giờ giấc, giờ giấc kèm ý thức, ý thức kèm các phương tiện giao thông công cộng. Phải làm sao để người dân tin rằng đi xe buýt sẽ tiện hơn xe máy, con cái họ có thể an tâm đến trường trên phương tiện công cộng mà không cần bố mẹ phải đích thân hộ thống. Phải làm sao để phương tiện công cộng chính là câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi, “Đến cơ quan, đến điểm hẹn bằng phương tiện gì?”…

Đó là giải pháp mà lãnh đạo thành phố phải xây dựng từng bước, có kế hoạch thích hợp và lâu dài, song song cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chứ không phải là cấm xe máy.

Cái gì khó cũng tính đến chuyện cấm thì việc gì phải cần cán bộ lãnh đạo, chỉ cần có khả năng đọc viết tiếng Việt thuần thục là làm được rồi. Nếu cái gì khó cũng cấm thì cần gì phải học đến PGS.TS chi cho mệt, mà chỉ cần tốt nghiệp tiểu học.

Ngô Nguyệt Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI