Tết vô, vợ chồng căng thẳng vì nợ nần chồng chất

26/02/2022 - 15:00

PNO - Đây là bài học, là cơ hội để em siết chặt quản lý tiền bạc gia đình, để khỏi rơi vào những cảnh nợ nần không mong muốn.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tết xong, em được chồng “tặng” cục nợ mấy chục triệu đồng. Cả nhà đang “bóp mồm bóp miệng” để lo trả nợ. Hai đứa con em tuổi ăn tuổi lớn, mới trở lại đi học trực tiếp, tiền ăn bán trú, tiền học, tiền đồng phục… em phát sốt vì không biết xoay đâu ra tiền. 

Cả năm ngoái dịch giã, tháng nào cũng giảm lương, công ty thưởng tết chỉ vài triệu đồng, em đã nói với chồng năm nay ăn tết tiết kiệm. Vậy mà chồng em vẫn nhất quyết khoản tiền biếu ông bà phải giữ nguyên 10 triệu đồng như năm ngoái, còn mua thêm quà cáp sắm sửa cho nhà ông bà.

Em cũng đã tính cắt giảm tiền biếu bên ngoại để bù lại, nhưng rồi nghĩ nhà nội sao thì nhà ngoại vậy cho công bằng. Tiền sắm sửa, biếu hai bên, lì xì các cháu họ hàng, tưởng đã xong, sát tết, chồng tự nhiên đòi về quê, khăng khăng mua vé ăn chực nằm chờ ở sân bay. 

Biết tính chồng vung tay quá trán, em đã cố gắng kiềm chế nhắc nhở, nhưng rồi vẫn thâm hụt. Sau tết chồng trở lại nhà, lương tháng Hai của em chồng rút sạch.

Suốt từ tết đến giờ, vợ chồng lục đục, gia đình căng thẳng khó chịu. Em nói ai tiêu thì người đó lo trả nợ, em không có khả năng kiếm tiền, mà thời buổi này kiếm đâu ra việc. Chồng em bảo tiền chi tiêu cho cả nhà nội nhà ngoại, chứ có phải một mình anh ấy tiêu đâu.

Em mệt mỏi quá, chỉ nghĩ về tiền thôi là đã đủ chóng mặt. Em không ngủ được vì nợ tiền thẻ tín dụng, lãi chồng lên lãi, có cãi vã thường xuyên mà không có tiền trả cho ngân hàng thì bế tắc vẫn hoàn bế tắc. 

Hôm rồi căng quá, anh ấy bảo sẽ gọi điện thoại về nói mẹ chồng em gửi trả tiền biếu tết cho em, nhà anh ấy không thèm, vợ chồng thế này cũng không ở với nhau được đâu, liệu giải quyết sớm…

Em khóc suốt mấy bữa nay chị ơi, sự việc đang đi quá tầm tay em rồi…

Thảo Nhi (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Thảo Nhi thân mến, 

Cặp vợ chồng nào cũng có lúc cãi nhau về tiền bạc. Lúc dư dả, đầy đủ thì mình cân đối một chút là xong. Lúc thiếu thốn, nhất là nợ nần, cả hai bên đều chịu áp lực. Cảm giác mắc nợ ai đó chẳng dễ chịu gì, lại bị vợ cằn nhằn, hiếm ông chồng nào chịu nổi.

Mà cãi nhau, chì chiết nhau chỉ làm tổn thương, chứ đâu có sinh ra tiền để trả nợ đâu em. Dân gian có câu “Cháo nóng ăn quanh, mắc nợ trả dần”, đằng nào thì chuyện cũng đã xảy ra rồi, bây giờ em hãy cứ coi như giai đoạn gia đình lục đục vừa qua là giai đoạn mình “chấn chỉnh”, rút kinh nghiệm.

Giờ thì phải tìm cách để trả nợ thôi. Muốn có tiền trả nợ thì vợ chồng phải cùng làm, cùng tính toán, cùng tiết kiệm. Mai này trả xong rồi, mình sẽ “rút kinh nghiệm sâu sắc” thêm một lần nữa, cũng chưa muộn. 

Bước đầu tiên là xác định rõ số nợ. Về khoản nợ tín dụng, em lấy giấy bút tính toán cụ thể với chồng, tính cả lãi lũy tiến (nếu không tự tính được thì nhờ ngân hàng tính giúp).

Tiền lương hai vợ chồng, em trừ ra những khoản nhất định phải chi cho con cái, ăn uống, sinh hoạt phí… ở mức độ tiết kiệm, còn mỗi tháng dành được bao nhiêu trả nợ, đến khi nào thì trả xong.

Một bảng tính toán rõ ràng như vậy sẽ giá trị hơn lời cằn nhằn, chì chiết, nó giúp chồng em nhận thức rõ mức độ “vung tay” của mình, nhận thức rõ mình mất bao nhiêu thời gian, tiền bạc để bù lại những phút chi tiêu vô lối, không kế hoạch.

Đây là bài học, là cơ hội để em siết chặt quản lý tiền bạc gia đình, để khỏi rơi vào những cảnh nợ nần không mong muốn. 

Chuyện kể lể than phiền ở nhà nội nhà ngoại về chuyện nợ dịp tết là nên tránh. Với cách nghĩ truyền thống của người già, khoản biếu tết là tiền báo hiếu của con cái, tiền mừng tuổi…

Mình nói ra như là một gánh nặng sẽ dễ làm mích lòng ông bà. Thôi cứ coi đây như một sơ suất, do thiếu kinh nghiệm quản lý thôi, rút kinh nghiệm cho năm sau em nhé! 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI