Tại sao họ khổ?

08/03/2021 - 11:55

PNO - Tôi thấy nhiều phụ nữ trông chờ ngày sinh nhật hay ngày 8/3 để được người đàn ông của đời mình tặng quà, tặng hoa, nhưng chẳng bao giờ quan tâm chăm sóc bản thân, tặng quà cho chính mình.

Nếu trước kia tôi luôn phản ứng gay gắt khi nghe ai nói “phụ nữ hơn nhau tấm chồng”, thì bây giờ nhìn lại nhóm bạn, tôi thấy câu này phần nào đúng. Nhưng tôi vẫn không thể tránh cảm giác ấm ức: sao những người vợ không chủ động nắm lấy vận mệnh của mình mà lại đem giao vào tay người khác, dù đó là ông chồng?

Gần 30 năm tôi mới gặp lại Bé, cô bạn thời tiểu học. Bé đi học muộn, hơn chúng tôi hai tuổi, vậy mà trông cô già hơn bạn bè cả chục tuổi. Thật ra, trong trí nhớ tôi không tồn tại cái tên Bé, cho đến ngày họp lớp vừa rồi. Cuộc chuyện trò hôm ấy trầm hẳn khi đến phần chia sẻ của Bé. 

Bé có chồng, có hai đứa con trai và ly hôn khoảng hơn hai năm nay. Khi còn sống với Bé, chồng bạn công khai ngoại tình và thường xuyên về nhà đánh đập vợ. Bé cắn răng chịu đựng cho đến ngày không nhịn được nữa thì buông tay.

Chồng cũ của Bé lấy vợ mới và họ ở ngay gần nhà Bé. 

Tiếng là ly hôn, tài sản đã chia, Bé được căn nhà và nuôi hai con nhỏ, còn chồng cũ ra đi tay không, nhưng thực tế anh ta vẫn về nhà vợ cũ bất cứ lúc nào. Thậm chí, biết Bé đi uống cà phê với bạn, hắn cũng ghen tuông vô lối và sẵn sàng đánh Bé nếu tâm trạng không vui. 

Vợ sau của chồng Bé trên thế “đương kim vợ”, “vợ chính thức” nên mỗi lần chồng về nhà thăm con riêng là cô ta kiếm chuyện, có lần còn nắm tóc Bé đánh ghen giữa chợ.

Tôi không thể kiên nhẫn nghe hết chuyện, nên bực bội: “Sao không giải quyết dứt điểm. Đã ly hôn sao còn qua lại, còn bị đánh đập? Chính quyền đâu, hội phụ nữ địa phương đâu rồi?…”. 

Bé im lặng. Có lẽ, bạn chấp nhận điều bất công như một thói quen, một điều hiển nhiên. Tôi mắng Bé: “Bạn không thương mình, cứ chịu đựng mãi thế, cuộc đời rồi sẽ ra sao?”. Bé rưng rưng nước mắt, tôi cũng bất lực vì không thể làm gì giúp bạn.

Tôi thấy Bé là bản sao của mẹ tôi. Ngày trước, ba tôi điềm nhiên có vợ nhỏ và mẹ luôn phải chịu đựng những trận đòn vô cớ của ba. Có lần người vợ bé của ba đánh ghen ngược lại mẹ tôi. Chị em tôi hồi ấy còn nhỏ, chưa thể hiểu mọi việc hay có thể can thiệp chuyện người lớn.

Tất nhiên, sau này chuyện đó không còn nữa. Khi chúng tôi lớn lên thì người đàn bà kia cũng biết thân biết phận.

Đôi lần tôi hỏi mẹ: “Tại sao ngay từ lúc ba bồ bịch, mẹ không ly hôn, giải thoát cho mình? Mẹ phải sống cuộc đời của mẹ, sao cứ mãi gắn với ba một cách đau khổ như thế”.

 Mẹ tôi cũng giống như Bé, không trả lời được câu hỏi của tôi. Nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ, câu trả lời của mẹ chắc chắn là vì các con, vì chị em chúng tôi, vì miệng đời dị nghị, vì xã hội đàm tiếu… Và thời này vẫn rất nhiều người phụ nữ như Bé, như mẹ tôi, đến việc thương mình cũng không biết làm.

Có một dạo, chị gái tôi phát hiện anh rể lăng nhăng với người đàn bà trẻ đẹp. Thời gian đó chị mất thăng bằng và hành xử tiêu cực. Chị cho rằng lỗi do người đàn bà thứ ba kia xuất hiện và chèo kéo, quyến rũ chồng chị. Nghĩ vậy, chị cảm thấy bất lực, chỉ biết chửi rủa kẻ chuyên dụ dỗ đàn ông, chuyên lừa tiền, lừa tình. 

Tôi chẳng biết khuyên chị thế nào để kìm lại nỗi căm hờn ngùn ngụt trong chị. Chị tôi là kiểu người tiêu biểu không biết thương thân. Hơn 40 năm nay, chị chẳng dám bỏ một chuyến hàng, một ngày làm việc ở kho bãi để vào tiệm làm đẹp, uốn lại mái tóc xác xơ hay chăm sóc làn da rám nắng.

Chưa bao giờ chị thử tự thưởng cho mình một bộ đầm đẹp, tự ngồi vào quán ăn một ly chè. Những bữa trưa bữa tối của chị là trong kho hàng lộn xộn đầy muỗi mòng hay ở bãi xe đầy khói bụi.

Mình không thương mình thì ai thương mình? Ảnh minh họa
Mình không thương mình thì ai thương mình? Ảnh minh họa

Tôi nói với chị: “Chị đánh ghen mệt chưa, chán chưa? Nếu chán rồi thì tìm cách quên cái cặp gian phu dâm phụ ấy đi. Mà chị cũng nên soi gương coi lại mình một chút. Nhìn chị em chỉ thấy nộ khí giận hờn và tức tối. Cứ như thế, con cái cũng mệt theo”.

Tôi hỏi chị, đã bao giờ chị thử chăm lo cho đời sống tinh thần của mình, hay cả ngày chỉ lo nợ nần tiền bạc, lo gom góp tiền mua cái xe xịn cho thằng con đầu, lo kiếm con gà thật ngon nấu bữa trưa cho thằng út? 

Tôi hỏi chị đã nghĩ mình thích gì bao giờ chưa, hay mỗi bữa đi chợ chỉ chăm chăm “tìm món nào ổng thích ăn”, đứng trả giá từng đồng để mua đôi giầy cho anh rể.

Tôi hỏi chị có bao giờ nhân ngày lễ lạt, thử rủ bạn bè đi hát karaoke một bữa, yêu cầu con trai lấy xe hơi chở về quê thăm cha mẹ, hay ngày nghỉ nào cũng chỉ lo kiếm hàng, thuê tài xế, dọn dẹp nhà cửa nấu ăn cho chồng con?

Tôi thấy nhiều phụ nữ trông chờ ngày sinh nhật hay ngày 8/3 để được người đàn ông của đời mình tặng quà, tặng hoa, nhưng chẳng bao giờ quan tâm chăm sóc bản thân, tặng quà cho chính mình. Nhiều người cũng hô hào, đòi quyền bình đẳng giữa đàn ông và phụ nữ, nhưng chính họ luôn tự cho mình cái thế “lép vế”, “cửa dưới” đối với chồng.

Và với những câu hỏi tại sao họ khổ, họ đều chọn im lặng… 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI