Của để dành

16/06/2014 - 15:49

PNO - PN - Tôi có một nơi ẩn náu cuối cùng, luôn luôn an toàn và ấm áp, im lặng và bao bọc, thương yêu vô điều kiện và không trách móc. Thường lập tức hiện ra như một sự vỗ về dịu dàng và mạnh mẽ, mỗi khi trái tim tôi nhọc mỏi đau...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngôi nhà đơn sơ có hai người già hàng ngày ra vào hiu quạnh, thỉnh thoảng cãi cọ nhau những chuyện vụn vặt. Tự nấu nướng chăm nhau, nuôi con chó con gà, quét lá rụng ngoài vườn, tưới vài luống rau - công việc đơn điệu lặp lại thành vòng quay mỗi ngày. Cuộc sống phẳng lặng đến mức người trong nhà chỉ biết đã hết một ngày cũ khi nhìn bóng tối sầm sập đổ xuống khu vườn. Nếu còn điều gì để ngóng đợi, chắc là giọng líu lo xa hút của những đứa cháu ngoại qua điện thoại, và lâu lâu có một cuối tuần nhà đầy chật tiếng cười của con cháu.

Cua de danh
Ngôi nhà yên ấm của cha mẹ luôn là nơi ta mong muốn trở về những khi mệt mỏi
Ảnh minh họa, nguồn internet

Gần 20 năm nay tôi đã tự tách bứng mình như cái cây con rời khu rừng mẹ, cuộc sống quay cuồng ham vui ham lạ của kẻ đầu xanh tuổi trẻ cuốn tôi đi qua mỗi ngày. Đôi khi nhớ ra có hai người già mòn mỏi đợi điện thoại, thì bấm dãy số quen thuộc như một mật mã cá nhân, nhưng lại nhanh chóng quạu cọ: “Con biết rồi, bố mẹ cứ dặn đi dặn lại như nói với trẻ nít vậy!”, cúp máy vẫn kịp nghe tiếng thở dài của người già bên kia đầu dây... Như nhiều người tự cho là mình bận rộn khác, vòng quay của công việc, bạn bè, rồi những chốn vui thú “thời trang” - đã thôn tính hết cuộc sống của tôi. Rồi cũng chẳng có gì mới hơn. Sau mỗi lần tổn thương chuyện tình ái, bải hoải chuyện công việc, giận dữ chuyện bạn bè, tôi kiệt sức tìm về ngôi nhà cha mẹ mình, như con thú bị trọng thương quay về hang ổ cũ.

Thấy con về, rầu rĩ như tàu lá héo, mẹ vào chuồng gà bắt con mái tơ ngon nhất, ra vườn hái nắm rau, quả chanh quả ớt để làm cơm. Buổi chiều, tôi ra vườn trẩy quả chín, nhổ cỏ cho luống rau. Thấy những điên rồ của mình bỗng thành nhảm nhí. Mọi nỗi mệt mỏi tuột khỏi người, nhẹ nhàng như cởi chiếc áo mỏng. Đêm đến, tôi được thiếp ngủ an lành trong mùi lá cây ngọt ngào từ ngoài vườn đưa vào, giữa những câu chuyện kể lầm rầm, vụn vặt không đầu không cuối của người già. Tôi lười lĩnh hưởng thụ chậm rãi và yên lặng trong ngôi nhà cha mẹ mình. Những bụi bặm mệt mỏi thị thành được gột rửa; mọi giận hờn, bon chen, toan tính thành vô nghĩa lý. Tôi khỏe mạnh lại hơn hớn xách túi ra đi, để rồi như một chu kỳ, lần sau quay về lại nhàu như lá héo...

Gần đây, mỗi lần trở về lại thấy ngôi nhà lặng lẽ hơn. Tiếng ho của người già nghe bắt đầu đau nhức, vườn ngập cỏ, chó gà ngơ ngác, trong đêm có tiếng bước chân rất khẽ của người nọ dừng trước phòng người kia canh chừng xem “ông ấy ngủ ngon không”, “chân trái của bà có bớt mỏi?”. Mỗi lần chào hai người già để trở về cuộc sống tưng bừng nơi phồn hoa đô hội, thấy mình cứ ngần ngừ không muốn bước khỏi cánh cổng. Thi thoảng, trong một cơn hờn giận bạn đời cùng lúc trầm cảm công việc, cứ chấp chới trong đầu ý nghĩ bế con gái về quê ngoại trồng rau nuôi gà, nấu nướng quét nhà đi chợ, để hai người già dắt đứa trẻ đi chơi nhẩn nha quanh xóm. Cảnh an nhàn ấy sao yên ấm mà xa lắc…

Rồi vẫn phải sống tiếp, các nghĩa vụ là thứ thuế đời sống bất cứ ai cũng phải đóng, đâu được muốn “về núi” sớm thì về! Thôi thì chỉ cầu cho bước đường mỏi mệt ngoái nhìn về lúc nào cũng có hai người già đứng đó, như hai tim đèn nhỏ nhoi mà an ủi dịu dàng, biểu tượng thiêng liêng của sum vầy, vững chãi như chiếc cột neo ngọn nguồn sinh lực sống nơi mình. Mái nhà tỏa bóng mẹ cha ai cũng có, như của để dành, là báu vật cuối cùng, để chúng ta như chàng Goliath chỉ cần chạm chân vào Đất Mẹ, sẽ được tiếp sức lực để hồi sinh mạnh mẽ. Và tha thiết sao những cuộc điện thoại đơn giản thế này (có thể làm ta yên vui cả ngày): “Bố mẹ đều khỏe. Nhà đã ăn cơm, cơ mà bữa nay trời nóng quá…”.

 Quỳnh Hương

Từ khóa Của để dành
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI