Ta dạy học trò được gì từ hành vi đấm, đá?

02/05/2021 - 20:17

PNO - Trẻ em học từ hành vi của người lớn nhiều hơn từ những lời dạy. Khi ta hành xử méo mó, khó mong học trò sẽ lớn lên ngay ngắn.

Không có học đường nào cho phép thầy giáo thẳng tay tát, đá vào ngực học trò (Ảnh cắt từ clip)
Không có trường học nào cho phép thầy giáo tát, đá vào ngực học trò (Ảnh cắt từ clip)

Giáo dục hiện đại đã loại bỏ hoàn toàn hành vi xúc phạm học trò bằng lời nói, nghiêm cấm chuyện đánh học trò. Vậy mà, đến tận hôm nay vẫn còn những người thầy ngang nhiên xem học trò “như con em” để hành hung. Ngạc nhiên hơn, từ vị trí của một giám đốc trung tâm (tương đương hiệu trưởng), ông Nguyễn Minh Vỹ lại cho rằng, có “một số đối tượng xấu lợi dụng video này để làm phức tạp tình hình giai đoạn này” và cho biết đã “nhờ công an vào cuộc điều tra”.

Ông Vỹ quên rằng, không có điều luật nào cho phép một người xâm phạm đến thân thể của người khác. Xâm phạm thân thể trẻ vị thành niên (học sinh lớp 10) càng là điều không được phép. Khi đó là những đứa trẻ ta có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục thì việc tát vào mặt, đá vào ngực các em là tình tiết tăng nặng của hành vi vi phạm pháp luật.

Thay vì nhận lỗi và nhanh chóng tìm cách xử lý, ông lại đổ cho “đối tượng xấu” khi đoạn clip bằng chứng vụ bạo hành ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) - nơi ông quản lý, lan truyền. Lẽ nào khi báo chí lên tiếng về vụ việc, chúng tôi cũng là “đối tượng xấu” trong mắt ông?

Cần nhớ rằng, hệ Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là hệ đào tạo dành cho những người không có điều kiện theo học hệ chính quy, những người đồng thời muốn có một cái nghề bên cạnh việc học văn hóa. Học sinh hệ Giáo dục thường xuyên không thể bị mặc định xem là trẻ hư như định kiến bấy lâu nay.

Thậm chí, kể cả các em có là trẻ hư thì trách nhiệm của chúng ta vẫn là yêu thương, uốn nắn, dạy dỗ để các em trở thành người hữu dụng cho xã hội. Nhưng, với cách hành xử của ông, các em sẽ lớn lên thế nào với vết thương tâm hồn - bị chính thầy giáo của mình tát, đá ngay giữa lớp?

Và thưa thầy Khúc Xuân H., chủ nhiệm lớp 10A3, câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt” đã từ lâu không còn được chấp nhận trong đời sống. Nó chỉ cho thấy sự bất lực của người lớn trong việc giáo dục trẻ nhỏ. Trong bốn bức tường lớp học, những đứa trẻ vị thành niên kia hoàn toàn yếu thế trước thầy của chúng, nhưng chắc chắn chúng không phải bao cát để thầy trút xả cơn giận dữ hay áp lực học đường.

Bất kể nguyên nhân ban đầu là gì, hành vi của thầy là cực kỳ phản sư phạm và không thể chấp nhận. Coi học sinh “như con em trong nhà” chưa bao giờ đồng nghĩa với việc đánh đập chúng, huống chi là tung cú đá thẳng vào ngực bọn trẻ.

Trẻ em học từ hành vi của người lớn nhiều hơn những lời ta dạy. Cho dẫu ta có dạy bao lời hay ý đẹp, bao bài học nhân nghĩa mà chính ta lại hành xử méo mó thì không thể trông mong học trò sẽ lớn lên ngay ngắn.

Bất giác, tôi chợt nhớ em Lê Thanh Huy, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Cái Khế 2 (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), nhớ hành vi lễ phép vòng tay cúi đầu cảm ơn người lái xe ô tô đã dừng lại, nhường em qua đường. Sự lễ phép ấy hẳn phải đến từ người thân, đến từ những thầy cô giáo luôn yêu thương, chăm sóc em chứ không thể có từ những người thẳng tay đánh đập học trò.

Nếu ta không phô bày lồ lộ cái xấu, chẳng có đối tượng xấu nào lợi dụng được. Thậm chí, nếu biết xung quanh có nhiều đối tượng xấu thì ta càng phải làm tốt nhiệm vụ của mình, để cảm hóa, uốn nắn cái xấu, bởi vì chúng ta là những nhà sư phạm - những người gánh vác trên vai trọng trách dạy người.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI