Sức ảnh hưởng của thần tượng ảo ngày càng lớn

27/03/2023 - 06:41

PNO - Khái niệm “thần tượng ảo” đã có lịch sử hơn 30 năm và đã trở thành từ khóa phổ biến ở nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây, khi thế giới số hóa giao thoa với đời sống thực.

Các thành viên của nhóm nhạc nữ “ảo” MAVE: vừa ra mắt công chúng Hàn Quốc vào đầu năm 2023  ẢNH: METAVERSE ENTERTAINMENT
Các thành viên của nhóm nhạc nữ “ảo” Mave: vừa ra mắt công chúng Hàn Quốc vào đầu năm 2023 - Ảnh: Metaverse Entertainment 

Thần tượng “ảo” - lợi nhuận thật

Việc tạo ra ca sĩ thần tượng ảo từ công nghệ AI không xa lạ với các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Thông thường, các thần tượng ảo có nhiều mối liên hệ với phim hoạt hình. Năm 1984, thần tượng ảo đầu tiên Lynn Minmay xuất hiện ở Nhật Bản. Cô là một ca sĩ hư cấu trong bộ hoạt hình Super Dimension Fortress Macross.

Năm 2007, Vocaloid 2 với giọng nói của Hatsune Miku được Crypton Future Media và Yamaha giới thiệu. Các nhạc sĩ có thể sáng tác bài hát cho Miku và cô có thể hát các bài hát đó như một ca sĩ thực thụ. Quá trình cập nhật liên tục giúp Miku nổi tiếng trong nhiều năm và tạo ra sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

Vào năm 2021, Kakao Entertainment đã đầu tư 9 triệu USD vào Metaverse Entertainment và lãnh đạo việc định hình “Mave:” trở thành nhóm ca sĩ có thể tồn tại trong thế giới K-pop mang tính cạnh tranh cao. “Mave:” - viết tắt của Make New Wave - ra mắt vào ngày 25/1/2023 với album đơn đầu tiên Pandora's Box.

Việc nhóm nhạc ảo lần đầu xuất hiện trên chương trình Show! Music Core của đài MBC đã gây chấn động. Video YouTube về buổi biểu diễn đạt được lượt xem cao nhất trên nền tảng này trong số tất cả các nghệ sĩ từng tham gia chương trình. Từ những điệu nhảy đồng bộ chặt chẽ cho đến biểu cảm khuôn mặt, các thành viên của Mave: đã thể hiện những màn trình diễn ngang tầm với người thật.

Ở Trung Quốc, có hơn 4.000 thần tượng ảo biểu diễn trên internet vào năm 2021. Họ chơi trò chơi, hát, nhảy, trò chuyện với người hâm mộ và thậm chí tổ chức các buổi hòa nhạc. Thần tượng ảo xuất hiện trên các tiêu đề tin tức tại Trung Quốc với số lượng ngày càng tăng. Một nghệ sĩ “ảo” nổi tiếng khác ở Hồng Kông là MonoC đã bán tác phẩm nghệ thuật của mình với giá 24.146 USD vào tháng 2/2022. Quy mô thị trường của các nghệ sĩ ảo tại Trung Quốc đạt khoảng 16,9 tỉ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2023.

Theo dữ liệu được công ty nghiên cứu thị trường iiMedia tổng hợp, phần lớn người hâm mộ thần tượng ảo thuộc gen Z (thế hệ sinh từ 1997-2012), tập trung ở độ tuổi 18-23.

Ưu việt nhưng chưa “hoàn hảo”

Nhìn chung, thần tượng ảo là sản phẩm của công nghệ và xã hội. Không giống như các ngôi sao giải trí truyền thống, thần tượng ảo có đặc điểm là đem đến thu nhập cao, dễ thích nghi với nhiều hoạt động và hoàn toàn được kiểm soát. 

Ngày nay, hầu hết người hâm mộ có tâm lý mong muốn các thần tượng thật của mình có thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe như không yêu đương, không vướng vào scandal. Những đòi hỏi này rất dễ đạt được với thần tượng ảo, do đó dễ thu hút nhiều người hâm mộ. Dù vậy, phát triển thần tượng ảo là một quá trình tốn kém. Công việc dựng 3D và thiết kế nhân vật đầy đủ có thể tiêu tốn nhiều triệu USD và khả năng tạo ra lợi nhuận ngay lập tức chỉ ở mức thấp.

Theo báo cáo của công ty tư vấn tài chính UBS, chi phí trả trước trung bình để tạo ra một thần tượng ảo cao cấp 4,7 triệu USD. Ngoài ra, việc tiếp tục duy trì hoạt động cho nhân vật cũng khá tốn kém. Ví dụ, phải mất hơn 300.000 USD để sản xuất một ca khúc cho ban nhạc nữ ảo gồm 5 thành viên A-Soul - một trong những ban nhạc ảo nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Ở khía cạnh khác, thần tượng ảo không phải sản phẩm hoàn hảo. Carol - ca sĩ chính của A-Soul - quyết định rời nhóm vào tháng 5/2022. Theo người hâm mộ, nghệ sĩ biểu diễn thật đằng sau thần tượng ảo này đã phàn nàn rằng cô ấy bị bắt nạt, làm việc quá sức và trả lương thấp. Vào năm 2022, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã đăng bài cảnh báo các công ty internet nên thận trọng khi tìm cách triển khai “thần tượng ảo” trước nguy cơ thao túng vốn và cạnh tranh độc quyền.

Bài viết cũng lưu ý rằng một số thần tượng ảo “được sử dụng để tham gia các hoạt động bất hợp pháp”, “có thể ảnh hưởng đến các giá trị, sự gắn kết xã hội” và cần được kiểm duyệt 
chặt chẽ. 

 Linh La (theo Korea Herald, SCMP, Economist)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI