K-pop định hình thế hệ thần tượng mới cùng những thách thức

02/03/2021 - 12:27

PNO - Thành tích vượt trội của BTS, Blackpink… vô tình tạo áp lực nặng nề lên các nhóm nhạc tân binh.

Những năm gần đây, các chuyên gia và những người hâm mộ luôn băn khoăn với câu hỏi liệu ngành công nghiệp K-pop có đang trong giai đoạn thay đổi thế hệ?

Một số người tin rằng các nhóm tân binh như ITZY và TXT đang dần viết tiếp kỷ nguyên mới, trong khi những người khác lại cho rằng thời điểm chuyển giao vẫn chưa đến vì hầu hết các "ngôi sao thế hệ thứ ba" - bao gồm cả những tên tuổi sừng sỏ như BTS và Blackpink - vẫn đang trong thời kỳ hoàng kim.

Thế hệ mới (hay còn được gọi là thế hệ gen 4) đề cập đến những ban nhạc ra mắt vào năm 2018 trở về sau. Ngoài ITZY và TXT, thì (G) I-DLE, ENHYPEN, TREASURE, ATEEZ, EVERGLOW, Stray Kids và aespa cũng được xếp vào nhóm thế hệ mới.

Tài năng và xinh đpẹ giúp các cô nàng ITZY được đánh giá là một trong số những nhóm nhạc thế hệ mới tiêu biểu.
Tài năng và xinh đẹp giúp các cô nàng ITZY được đánh giá là một trong số những nhóm nhạc thế hệ mới tiêu biểu

Sự khác nhau giữa các thế hệ idol mới và cũ

Trước đây, hầu hết các nghệ sĩ K-pop đều nỗ lực để có được chỗ đứng trong ngành công nghiệp nội địa, trước khi tính đến việc thâm nhập thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, các ban nhạc thần tượng ngày nay thì hoàn toàn ngược lại, họ đặt mục tiêu ghi dấu ấn tại quốc tế ngay từ khi mới khởi động sự nghiệp.

TXT, nhóm nhạc nam của Big Hit Entertainment và nhóm nhạc nữ ITZY của JYP Entertainment cũng bắt đầu các hoạt động quảng bá của họ tại Mỹ ngay khi ra mắt. Thậm chí, các cô nàng ITZY còn đang từng bước mở rộng thị trường, thường xuyên lưu diễn đến Indonesia cùng các quốc gia khác để quảng bá âm nhạc của mình. Tương tự, ATEEZ cũng nuôi tham vọng Mỹ tiến với chuyến biểu diễn ở Bắc Mỹ, chỉ khoảng bốn tháng sau khi thành lập.

Choi Ha-rim, biên tập viên của tạp chí K-pop IDOLOGY, đã so sánh thế hệ gen 4 với EXO, một nhóm nhạc thế hệ thứ ba, đồng thời chỉ ra điểm mới trong cách tiếp cận thị trường của các nhóm nhạc tân binh.

“Không giống như những nhóm nhạc khác, EXO đã sử dụng chiến lược bản địa hóa ngay từ đầu để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc bằng cách tung ra nhóm nhỏ EXO-M bao gồm bốn thành viên người Trung Quốc. Nhưng các ca sĩ tân binh ngày nay thì khác, họ thường không nhắm mục tiêu đến một quốc gia hoặc khu vực cụ thể, mà cố gắng chiếm giữ thị phần rộng mở” - Choi Ha-rim cho biết.

Do đó, thực tế khác lạ dễ nhận thấy thời gian qua, khi những tân binh mới toanh như EVERGLOW nổi đình đám ở nước ngoài, dù vẫn chưa thực sự được khán giả xứ Hàn biết đến.

TXT tăng cường hoạt động tại thị trường quốc tế.
TXT tăng cường hoạt động tại thị trường quốc tế

Ngoài ra, sự xuất hiện của các nhóm nhạc K-pop không có thành viên Hàn Quốc cũng đáng chú ý không kém. Đây được xem là chiến lược tiếp thị mà các “ông lớn” như JYP, SM, Big Hit… hướng đến trong tương lai để mở rộng lượng người hâm mộ.

Năm 2020, JYP đã thành lập nhóm nhạc nữ Nhật Bản NiziU, một năm sau khi SM Entertainment ra mắt nhóm nhạc Trung Quốc WayV. Công chúng đặt câu hỏi, liệu những tiết mục của các nhóm trên có thuộc thể loại K-pop hay không, nhưng trong nhiều trường hợp, chúng được xem như là "phiên bản mở rộng" của K-pop.

"Các nền tảng như YouTube đã được sử dụng làm công cụ giao tiếp giữa người hâm mộ và các nghệ sĩ trong một thời gian dài, nhưng ngày nay, có nhiều nền tảng dành cho khán giả hơn như Weverse, Lysn và Universe, giúp tăng cường khả năng tương tác đáng kể” - Choi Ha-rim chia sẻ.

Những thách thức

Sau thành công của thế hệ gen 2 như Bigbang, Super Junior, SNSD… cho đến thế hệ gen 3 gồm BTS, Blackpink, EXO, Twice… đã và đang gây được tiếng vang lớn trên toàn thế giới, khi sở hữu lượng khán giả toàn cầu và xây dựng các fandom (cộng đồng người hâm mộ) quốc tế vững chắc. Những thành tích nổi bật này vô hình chung đặt gánh nặng lên vai các nhóm nhạc thế hệ mới.

Giờ đây, những nghệ sĩ gen 4 muốn tạo dấu ấn riêng, hướng đến mục tiêu cao hơn nữa thì càng phải cố gắng vượt qua “cái bóng” của các bậc tiền bối.

BTS và Blackpink liên tiếp ghi dấu ấn đậm nét trên thị trường toàn cầu.
BTS và Blackpink liên tiếp ghi dấu ấn đậm nét trên thị trường toàn cầu.

Nhà phê bình âm nhạc Cha Woo-jin cũng khuyên các nhóm nhạc tân binh không nên quá choáng ngợp trước thành tích của những người đi trước. “Thành công không phải là việc đứng đầu bảng xếp hạng. Các thần tượng nên chọn con đường riêng của họ thay vì cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định” - ông nói.

Dẫu vậy, nhà phê bình cũng chỉ ra rằng, để đáp ứng kỳ vọng của công chúng, thì bản thân các idol nên nhạy cảm và tích cực trau dồi kiến thức văn hóa.

Trên thực tế, hàng chục ngôi sao K-pop gần đây đã bị chỉ trích vì sự vô cảm về văn hóa. Một trong số đó là IM của Monsta X, nam idol đã lên tiếng xin lỗi vào ngày 15/2, sau khi mặc chiếc áo có cụm từ nhạy cảm trong hình ảnh quảng cáo cho album solo Duality, mà người hâm mộ theo đạo Hồi cho rằng xúc phạm đến tín ngưỡng tôn giáo.

“Các ngôi sao K-pop và các công ty quản lý cần hiểu bối cảnh lịch sử và văn hóa sâu rộng hơn, dựa trên cơ sở xem xét cộng đồng người hâm mộ K-pop đa dạng. Để có được sự công nhận toàn cầu, họ nên thận trọng hơn trong việc sáng tạo nội dung của mình” - nhà phê bình âm nhạc Cha Woo-jin nói. 

Song song với việc cải thiện kỹ năng, sức khỏe tâm thần của các nghệ sĩ cũng là vấn đề gây nhức nhối, khi không ít idol đã tìm cách tự vẫn để giải tỏa áp lực trong năm 2020. Chính vì vậy, không chỉ bản thân các nghệ sĩ mà các công ty quản lý cũng nên tìm cách xử lý và kịp thời nắm bắt những thay đổi tâm lý của các ngôi sao. 

Chung Thu Hương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI