Sốt giá khoai lang xuất khẩu

10/12/2022 - 06:52

PNO - Giá khoai lang xuất khẩu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện đang tăng cao, tuy nhiên nhiều nông dân tiếc nuối vì không có nhiều khoai để bán.

Với khoảng 13.000ha đất trồng khoai, nhiều năm nay huyện Bình Tân (Vĩnh Long) được xem là “thủ phủ khoai lang” lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là giống khoai tím Nhật - chủ yếu để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ông Lê Văn Đằng (xã Tân Hưng, huyện Bình Tân) cho biết: Gần đây giá khoai lang xuất khẩu bất ngờ tăng lên 1-1,2 triệu đồng/tạ (1 tạ bằng 60kg theo cách tính ở ĐBSCL) đối với khoai loại tốt; khoai thường từ 700.000-800.000 đồng/tạ. Mức giá này rất hấp dẫn, đảm bảo cho nông dân có lãi hơn 10 triệu đồng/công, nhưng đa phần nhiều hộ không có khoai để bán bởi vào vụ nghịch. 

Giá khoai lang tăng cao nhưng nông dân Vĩnh Long không còn nhiều khoai để bán - ẢNH: H.T
Giá khoai lang tăng cao nhưng nông dân Vĩnh Long không còn nhiều khoai để bán - Ảnh: H.T

Bà Nguyễn Thị Linh (nông dân xã Tân Thành) cho hay: “Sở dĩ giá khoai lúc này ở mức cao là vì tại Vĩnh Long nói riêng và các nơi khác ở ĐBSCL nói chung không có bao nhiêu diện tích đang cho thu hoạch. Nguồn cung quá ít, trong khi nhu cầu tăng nên sốt giá là chuyện hiển nhiên”. 

Theo ông Sơn Văn Luận - Giám đốc Hợp tác xã khoai lang Thanh Ngọc (huyện Bình Tân) - những năm 2020 và 2021 thời điểm dịch bệnh phức tạp, Trung Quốc kiểm tra nghiêm ngặt nên việc xuất khẩu khoai lang tím của ĐBSCL sang thị trường này vô cùng khó khăn, giá khoai giảm thê thảm. Có thời điểm như vào tháng 5/2021, giá khoai lang chỉ còn khoảng 40.000 đồng/tạ (hơn 650 đồng/kg) nhưng bán không ai mua. Khoảng 3 năm gần đây nhiều hộ bị lỗ nặng, diện tích trồng khoai xuất khẩu thu hẹp đáng kể. 

Cụ thể, ở huyện Bình Tân, đã có hơn 50% diện tích trồng khoai được nông dân chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn trái. Vụ hè thu năm 2022, huyện Bình Tân chỉ có khoảng 400ha khoai lang, giảm rất nhiều so các năm trước. “Hiện nay nông dân cũng mới gieo trồng hơn 100ha khoai lang, trong đó diện tích tới kỳ thu hoạch không bao nhiêu. Vì vậy số hộ có khoai lang để bán lúc này là rất ít; có thể sau tết Nguyên đán 2023 thì nông dân mới mở rộng trồng khoai lang trở lại” - ông Sơn Văn Luận nói. 

Tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) tình hình cũng tương tự. Diện tích trồng khoai ở các xã Hòa Tân, Tân Phú, Phú Long… hiện đã giảm nhiều. Để đảm bảo cho nghề trồng khoai lang xuất khẩu ổn định, UBND tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo nông dân tổ chức lại sản xuất gắn kết với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng diện tích đạt tiêu chuẩn an toàn… 
Ông Sơn Văn Luận nhận định: Dù giá khoai lang xuất khẩu đang cao nhưng nông dân sẽ không dám trồng nhiều như trước nữa. Trồng khoai lang xuất khẩu đòi hỏi vốn đầu tư tương đối cao (khoảng 150 triệu đồng/ha), đầu ra vẫn còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc… khiến bà con dè dặt. Giải pháp lâu dài là cơ cấu lại theo hướng doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết với các hợp tác xã và nông dân; trong đó doanh nghiệp phải đầu tư vốn, vật tư… ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. 

“Gần đây có 3-4 doanh nghiệp ở Hà Nội, TPHCM… liên hệ với hợp tác xã hợp đồng bao tiêu khoai lang xuất khẩu với giá sàn 10.000 đồng/kg, nếu đến kỳ thu hoạch mà giá thị trường tăng thì mua tăng cho nông dân. Cách làm này được cho là hướng đi bền vững, tạo sự an tâm để bà con đầu tư trồng khoai. Ngoài ra, cần tăng cường xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu…” - ông Sơn Văn Luận nói. 

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI