Sóng thần ở Indonesia: 'Nước cuốn trôi tất cả'

23/12/2018 - 18:04

PNO - Sóng thần đêm 22/12 đã làm ít nhất 222 người thiệt mạng và 800 người khác bị thương trên các đảo Java và Sumatra, sau vụ lở đất ngầm do núi lửa Krakatau phun trào.

Song than o Indonesia: 'Nuoc cuon troi tat ca'
Sóng thần quét qua thị trấn Pandeglang, huyện Tanjung Lesung tỉnh Banten, Indonesia - Ảnh: Reuters

Khi sóng thần xuất hiện dọc vành đai eo biển Sunda vào đêm 22/12, các tòa nhà cao tầng và hàng trăm nhà dân bị "thiệt hại nặng nề".

Đợt sóng thần này là tai họa nối tiếp chuỗi thảm kịch ở Indonesia trong năm nay. Trước đó, các trận động đất đã san phẳng nhiều nơi trên đảo du lịch Lombok, còn thảm họa kép động đất - sóng thần đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng ở đảo Sulawesi. Tháng 10 vừa qua, máy bay chở khách của Lion Air rơi xuống biển Java, cướp đi sinh mạng của gần 200 người.

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG) cảnh báo người dân và khách du lịch tránh xa các bãi biển quanh eo biển Sunda vì thủy triều có thể còn dâng cao đến ngày 25/12. 

Song than o Indonesia: 'Nuoc cuon troi tat ca'
 
Song than o Indonesia: 'Nuoc cuon troi tat ca'
 

Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy nhà cửa đổ sập dọc đường đi, xe cộ bị cuốn trôi còn cây cối bật gốc. 

Endan Permana, người đứng đầu cơ quan giảm nhẹ thiên tai ở Pandeglang, cho biết cảnh sát đang hỗ trợ nạn nhân ở Tanjung Lesung, tỉnh Banten - một địa điểm du lịch nổi tiếng không xa thủ đô Jakarta. Theo ông Permana, có rất "nhiều người đang mất tích”.

Trong lúc đó, ở Lampung miền nam Sumatra có ít nhất 7 người thiệt mạng do sóng thần. Ketut Sukerta, người phụ trách cơ quan thảm họa ở nam Lampung cho biết, nhân viên cứu hộ và xe cứu thương gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng do nhà cửa và cây cối gãy đổ đầy đường.

Song than o Indonesia: 'Nuoc cuon troi tat ca'
 
Song than o Indonesia: 'Nuoc cuon troi tat ca'
Nhà cửa của người dân bị phá hủy khi sóng thần ập vào bờ ngày 22/12 - Ảnh: AP

“Nước cuốn trôi tất cả”

Khi sóng thần ập vào bờ, khoảng 250 nhân viên công ty điện nước PLN đang tập trung tại Tanjung Lesung để tham dự dạ hội cuối năm. Đoạn video kinh hoàng ghi lại thời điểm sóng thần ập vào sân khấu của ban nhạc rock địa phương Seventeen đang biểu diễn.

“Sân khấu trên bãi biển đã bị nước cuốn đi, sóng thần cuốn phăng mọi thứ trên đường”, trích tuyên bố của công ty PLN.

Ít nhất 7 người thiệt mạng, trong đó có một nhạc công của ban nhạc và người quản lý. Rất nhiều người khác bị thương, và một số cho tới nay vẫn mất tích.

Khoảnh khắc sóng thần cuốn trôi sân khấu biểu diễn của ban nhạc rock địa phương Seventeen

Cơ quan giảm nhẹ thiên tai tiếp tục tổng hợp thông tin về thảm họa, và có thể con số nạn nhân còn tăng thêm.

Khi được hỏi về nguyên nhân gây ra sóng thần, ông Sutopo Purwo Nugroho - phát ngôn viên cơ quan quản lý thảm họa - nhận định: nguyên nhân gây ra sóng thần có thể là do "lở đất dưới đáy biển khi núi lửa trên đảo Anak Krakatau hoạt động", kết hợp với triều cường bất thường khi trăng tròn.

Núi lửa Anak Krakatau nằm giữa Java và Sumatra phun tro nóng và dung nham mấy tháng nay. Ngọn núi phun trào trở lại vào khoảng 9g tối ngày 22/12, sau đó 30 phút, sóng thần ập đến.

Năm 1883, núi lửa Krakatau phun trào, gây ra hàng loạt đợt sóng thần làm tổng cộng hơn 36.000 người thiệt mạng.

Song than o Indonesia: 'Nuoc cuon troi tat ca'
Núi lửa Anak Krakatau nằm giữa Java và Sumatra phun tro nóng và dung nham mấy tháng nay - Ảnh: EPA

Người dân ven biển cho biết, họ không phát hiện ra dấu hiệu nào cho thấy sóng thần có thể sắp tiến vào, chẳng hạn như nước rút thấp hoặc một trận động đất trước đó.

Chuyên gia địa chấn Nugroho nhận định, sóng thần được kích hoạt bởi các vụ phun trào núi lửa là "hiếm gặp", và sóng thần eo biển Sunda không phải do động đất gây nên.

Song than o Indonesia: 'Nuoc cuon troi tat ca'
 
Song than o Indonesia: 'Nuoc cuon troi tat ca'
 

Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương và thường xuyên bị động đất. Những năm gần đây, đất nước này đã gặp phải một số trận động đất và sóng thần lớn:

• 2004: Động đất mạnh 9,1 độ richter ở bờ biển phía tây tỉnh Aceh, phía bắc đảo Sumatra ngày 26/12 gây ra sóng thần tại 14 quốc gia, làm 226.000 người thiệt mạng tại khu vực dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương, hơn một nửa trong số đó ở tỉnh Aceh.

• 2005: Một loạt động đất mạnh xảy ra ở bờ biển phía tây Sumatra vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Hàng trăm người chết ở đảo Nias, ngoài khơi Sumatra.

• 2006: Trận động đất mạnh 6,8 độ richter ở phía nam Java, hòn đảo đông dân nhất Indonesia, gây ra một cơn sóng thần tại bờ biển phía nam, khiến gần 700 người thiệt mạng.

• 2009: Động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra gần thành phố Padang, thủ phủ tỉnh Tây Sumatra, hơn 1.100 người thiệt mạng.

• 2010: Động đất mạnh 7,5 độ richter làm rung chuyển một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Mentawai ngoài khơi Sumatra, gây ra một cơn sóng thần cao tới 10m cuốn trôi hàng chục ngôi làng và làm khoảng 300 người thiệt mạng.

• 2016: Một trận động đất nông xảy ra ở Pidie Jaya tỉnh Aceh, mặc dù không kích hoạt sóng thần, nhưng hơn 100 người đã thiệt mạng do nhà đổ.

• 2018: Động đất lớn ở phía bắc đảo du lịch Lombok của Indonesia, khiến hơn 500 người thiệt mạng.

• 2018: Hơn 2.000 người thiệt mạng vì động đất và sóng thần mạnh xảy ra ở thành phố Palu, trên bờ biển phía tây đảo Sulawesi.

Tô Châu (Theo Today Online/Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI