Sông Sài Gòn bao giờ trở lại của chung?

11/09/2019 - 16:09

PNO - Từ khu đô thị nằm giữa sông nước, Sài Gòn trở thành thành phố bên sông. Nhưng rồi, không gian ven sông bị tư nhân thâu tóm, người dân không còn được tiếp cận cảnh quan chung…

“Thực trạng phát triển đô thị dày đặc bên sông đã đến ngưỡng rồi. Bây giờ là lúc chúng ta xác định thành phố sẽ gục ngã hay gượng dậy” - phó giáo sư, tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Hồng Thục (Viện Nghiên cứu định cư và con người), đã thẳng thắn bày tỏ như trên tại hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành; các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 10/9. 

Từ thành phố “trong sông” thành “bên sông’’

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Sài Gòn từ 300 năm trước không phải là thành phố “bên sông” mà là dạng đô thị “nằm giữa lòng sông nước” với hệ thống kênh rạch chằng chịt.

“Do có những gò đất cao nằm giữa các sông rạch nên Sài Gòn là nơi tụ cư sớm nhất, lại nằm giữa đầu mối giao thông đông - tây, Cao Miên và cao nguyên nên hình thành đô thị một cách thuận lợi.

Gò đất cao nhất được người Việt khai phá đầu tiên đặt tên là Tân Khai (đỉnh là khu vực Đài Truyền hình TP.HCM ngày nay), trải dài từ rạch Thị Nghè đến ngã ba sông Sài Gòn (tên chúa Nguyễn đặt là Tân Bình Giang) và rạch Bến Nghé (còn gọi là kênh Tàu Hủ từ khi Chợ Lớn hình thành).

Từ gò Tân Khai nhìn ra bốn hướng, đều gặp hằng hà sa số các ao hồ, kênh rạch, sông suối đan xen chằng chịt với rừng rẫy, gò đồi. Người Sài Gòn xưa đi lại phần lớn bằng ghe thuyền trên hai con kênh Thị Nghè và Bến Nghé để lượn ra con sông mẹ êm đềm, tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất khoáng đạt này’’ - bà Thục dẫn chứng.

Song Sai Gon bao gio tro lai cua chung?
Không gian ven sông Sài Gòn chưa được quy hoạch đồng bộ dẫn đến tình trạng nhiều nơi đất ven sông thành nhà ở tư nhân, không còn cảnh quan chung để người dân thưởng ngoạn - Ảnh: L.N.

Hiện nay, tình trạng xây dựng ồ ạt ven sông đã khiến cảnh quan sông nước mất dần, nhiều nơi, không gian chung trở thành không gian riêng. 

“Như khu vực Thảo Điền (Q.2), đất dọc sông bây giờ phần lớn là của tư nhân, không còn không gian công cộng để người dân thưởng ngoạn nữa. Đó là hậu quả của một quá trình dài thành phố thiếu bộ “khung sườn” về phát triển xanh. Nếu quy hoạch tốt, những mảng xanh ven sông được bảo vệ thì không gian chung sẽ không bị chiếm làm của riêng như hiện nay” - bà Thục phân tích.

PGS-TS Hồng Thục cho rằng, trong 10 năm qua, dù TP.HCM đã cố gắng cải tạo, trả lại cảnh quan ven sông, kênh rạch nhưng còn những vấn đề rất đáng lo ngại, như phương án quy đổi hơn 110ha đất ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để xây dựng các khu nhà cao tầng được một số đơn vị đề xuất mới đây. 

Bà Thục lập luận: “Hai con đường Trường Sa, Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chính là cảnh quan sông nước, đủ sức tái tạo lịch sử khai phá của một đô thị giữa sông nước và kết nối người dân vào dải xanh khổng lồ này. Nếu lấy quỹ đất 110ha ven kênh để xây cao ốc, để mở rộng đường thì khu vực này sẽ trở thành con đường nghẹt, lam lũ. Như thế sẽ bức tử con kênh, cơ hội phát triển đô thị xanh duy nhất ở nội đô Sài Gòn sẽ không còn”.

Xây kè chưa hẳn đã cứu được sông

Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM - nhìn nhận, hành lang ven sông Sài Gòn và kênh rạch tại TP.HCM vẫn còn bị lấn chiếm, sử dụng vào mục đích cá nhân như xây bến thủy trái phép, làm nhà hàng… Ông Nhã cho biết, theo chủ trương của TP.HCM, đến năm 2050, TP.HCM sẽ thực hiện các dự án xây kè kiên cố dọc bờ sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, phương án xây kè kiên cố dọc bờ sông Sài Gòn chưa nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. PGS-TS Nguyễn Hồng Thục cho rằng, hiện nay, TP.HCM chưa có bản đồ về địa lý thủy văn, nên nếu kiên cố hóa toàn bộ diện tích ven sông, có thể sẽ dẫn đến những sai lầm đáng tiếc, vì có thể có những khu vực không cần phải xây kè mà phải để nguyên thành không gian thiên nhiên.

Kiến trúc sư Oliver Souquet - giám đốc một công ty của Pháp - cho rằng, TP.HCM nên xây dựng đô thị không chỉ tiếp cận được với sông Sài Gòn mà bên trong cũng phải tiếp cận với cảnh quan sông nước. “Nhiều thành phố bên sông như Bangkok (Thái Lan) đã để xảy ra tình trạng đánh mất không gian ven sông. Do đó, hy vọng Sài Gòn sẽ không lặp lại cảnh tượng này” - kiến trúc sư Oliver Souquet bày tỏ.

Trước thực trạng trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt hàng các chuyên gia trong và ngoài nước tiếp tục tìm những giải pháp phù hợp, giúp TP.HCM xây dựng quy hoạch và phát triển đô thị ven sông và kênh rạch một cách tối ưu nhất. 

Hoàng Nhiên ghi 

Bên sông cũng không được ngắm sông

TS Võ Kim Cương (Hội Quy hoạch và Phát triển TP.HCM) cũng cho rằng, hiện nay, do không có đường dọc bờ sông Sài Gòn nên người dân không được tiếp cận cảnh quan sông nước. 

“Nằm bên sông Sài Gòn nhưng dân chúng TP.HCM chỉ có thể tiếp cận bờ sông một đoạn ngắn dọc công viên Bạch Đằng ở Q.1, hoặc chỉ những nơi chưa có công trình như Bình Quới, Thanh Đa, hay các huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi mới có thể nhìn thấy dòng sông từ trên bờ” - TS Võ Kim Cương dẫn chứng.

Trong bài tham luận của mình, kiến trúc sư Khương Văn Mười cũng đề cập: “Hiện nay, tình trạng nhà chống cọc tiếp tục phát triển làm hẹp dòng kênh, chặn dòng chảy gây ô nhiễm ngày càng nhiều. Có nơi, khoảng cách từ đường đến bờ kênh xa cả trăm mét làm phát sinh nhà ổ chuột trên kênh rạch. Những khu này dễ sinh ra tệ nạn, ảnh hưởng cả cuộc đời của trẻ, gây tác hại đến nền kinh tế thành phố”.

Theo TS Kim Cương, những tác hại trước mắt do tình trạng nhà trên kênh rạch là: ngăn cản dòng chảy, lắng bùn, không nạo vét được, sông bị ô nhiễm, che chắn gió vào thành phố, gây ô nhiễm dòng nước, mùi hôi tác động đến cả cộng đồng dân cư hai lưu vực kênh rạch. 

Không để diễn ra tình trạng xâm lấn sông

Ông Võ Văn Hoan cho rằng, trong quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn, sẽ không để diễn ra tình trạng người dân và doanh nghiệp xâm lấn sông. Để ngăn chặn, theo ông Hoan, UBND TP.HCM sẽ xây dựng một khung pháp lý về quy hoạch phát triển sông, với những quy chế thống nhất, rõ ràng trách nhiệm của từng đơn vị, người dân và doanh nghiệp, đồng thời có biện pháp chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm này.

UBND TP.HCM sẽ hướng tới đo đạc địa giới để triển khai các phương án có sự tham gia và quản lý của người dân như phong trào giữ bờ giữ đất, trồng cây ven bờ… Ông Hoan khẳng định, TP.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng mọi quy hoạch đều phải hướng đến một đô thị sông nước. Đô thị sông nước đó phải hài hòa với tự nhiên, thân thiện môi trường và nâng chất không gian sống. 

“Một đô thị chỉ có những tòa nhà chọc trời, khai thác từ mép bờ sông đến lòng sông là một đô thị phát triển không thành công” - ông Hoan nói.

Tuyết Dân ghi

“Là thành phố sông nước, giá trị của sự hình thành kênh rạch trong thành phố chưa được khai thác tối đa để phục vụ dân sinh và du lịch. TP.HCM cần tạo tầm nhìn ra kênh rạch thoáng rộng, không khí giữa khu dân cư đối lưu với không khí trên mặt nước được dễ dàng” - ông Cương nói.

 TS Võ Kim Cương đề xuất: “Cần giải tỏa trắng các khu vực ven sông, kênh rạch, tạo dựng không gian mới đầy đủ chức năng dọc theo tuyến và bổ sung các chức năng mà hiện trạng bên trong khu dân cư cạnh đó còn nhiều. Có thể thực hiện cuốn chiếu từng đoạn, đầu tư xây dựng mới bao gồm tổ chức cho dân tái định cư tại chỗ, tạo dựng cho người dân có cuộc sống an toàn về kinh tế, xã hội. Thành phố cần nâng cao đẳng cấp giá trị không gian cảnh quan sông nước, diện mạo đô thị”.

Tại hội thảo, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về thực trạng nhiều khu vực ven sông Sài Gòn vẫn còn bị lấn chiếm, thậm chí bị xây những công trình xa xỉ như nhà nghỉ, hồ bơi ngay trong hành lang sông, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng, những trường hợp vi phạm này đã được xử lý cương quyết. Do đó, nếu có xảy ra những vụ việc mới, sẽ tiếp tục xử lý. 

“Để xảy ra những trường hợp lấn chiếm như thế theo phân cấp, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương” - ông Hoan nói. 

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI