Sở Y tế TPHCM khẩn trương lên kế hoạch phòng chống cúm A (H5N1)

25/02/2023 - 15:32

PNO - Trước tình hình tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam có ca nhiễm cúm A (H5N1) tử vong, Sở Y tế TP đã cảnh giác và lên kế hoạch ứng phó.

 

Nhân viên tiến hành khám, xét nghiệm và tiêu hủy gia cầm nếu có bệnh, ảnh minh họa
Nhân viên tiến hành khám, xét nghiệm và tiêu hủy gia cầm nếu có bệnh (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - đã gửi văn bản khẩn chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, Trung tâm Y tế, phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức cùng các cơ sở khám chữa bệnh về tăng cường phòng, chống bệnh cúm A(H5N1), triển khai các biện pháp giám sát chặt người nhập cảnh đi đến, ở từ vùng có dịch cúm A (H5N1) và phối hợp các trạm kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu.

Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp, chùm ca bệnh ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur để xác định nguyên nhân, triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế lây lan diện rộng. Đồng thời, truyền thông đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống bệnh cúm gia cầm tại cửa khẩu và tại cộng đồng.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP làm đầu mối phối hợp Chi cục Chăn nuôi và thú y tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tại các quận, huyện, TP Thủ Đức, tổ chức tập huấn cho các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức về công tác giám sát và phòng chống dịch cúm A(H5N1) tại cộng đồng.

Sở Y tế TPHCM giao trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp phòng y tế tham mưu UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A (H5N1) theo chỉ đạo của UBND TPHCM và hướng dẫn của các sở, ngành liên quan.

Tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Đặc biệt chú ý đến các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi đến/ở từ vùng dịch, đồng thời báo cáo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện các biện pháp truyền thông phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn quản lý.

Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm "Hướng dẫn chẩn đoán, xử trí, phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người" theo quyết định số 30/2008/QĐ-BYT.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi diễn tiến bất thường, đặc biệt có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết. Hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để được chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong. Báo cáo khẩn về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP để được điều tra dịch tễ, lấy mẫu giám sát kịp thời.

Giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A(H5N1). Tổ chức tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI