Sinh viên đánh giá giảng viên: Mỗi nơi mỗi kiểu

25/08/2013 - 09:34

PNO - PNO – Việc đánh giá quá trình giảng dạy của giảng viên (GV) là phù hợp, giúp cho GV có trách nhiệm và quan tâm đến trình độ chuyên môn của mình. Tuy nhiên, để kết quả khảo sát thu về phản ánh trung thực hơn thì cần phải điều...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Từ học kỳ II năm học 2009-2010 đến nay, hầu hết các trường ĐH trên cả nước đã tiến hành lấy ý kiến phản hồi từ người học (SV) về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Chủ trương lấy ý kiến “khách hàng” để thay đổi cho phù hợp được đồng tình từ phía các trường, GV lẫn SV. Tuy nhiên, chất lượng của việc đánh giá này vẫn còn nhiều điều cần bàn.

Sinh vien danh gia giang vien: Moi noi moi kieu

SV nghe hướng dẫn về phiếu đánh giá GV tại ĐH Thủy Lợi

Trăm hoa đua nở

Có thể nói việc “SV đánh giá quá trình giảng dạy của GV” là một quan niệm khá mới mẻ đối với giáo dục đại học ở nước ta. Hiện nay, khái niệm này đang được hiểu và thực hiện theo nhiều cách khác nhau.

Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) lấy ý kiến SV về GV theo chuẩn đầu ra mà nhà trường xây dựng; Trường ĐH Khoa học tự nhiên chỉ lấy ý kiến SV qua mạng về khảo sát môn học, khóa học để đánh giá chất lượng đào tạo; có trường phát phiếu cho SV đánh giá; Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ban đầu thì tiến hành khảo sát trên giấy, từ năm 2010 triển khai khảo sát qua cổng thông tin điện tử, mỗi SV được cấp 1 tài khoản (account), khi truy cập vào điểm môn thi nào thì phải điền đầy đủ phiếu đánh giá mới xem được.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phiếu khảo sát do các trường tự thiết kế cũng khác nhau. Phiếu khảo sát của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) gồm 3 nội dung: phần A gồm 20 câu, được chia thành 5 nhóm: kiến thức, phương pháp giảng dạy, sử dụng phương tiện - tài liệu học tập, kiểm tra, đánh giá SV, quan hệ - giao tiếp giữ GV và SV. Yêu cầu trả lời ở phần này là SV chọn những mức độ: 1. Hoàn toàn không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Đồng ý 4. Hoàn toàn đồng ý. Phần B gồm 5 câu hỏi trắc nghiệm đa lựa chọn. Mỗi câu có 4 phương án lựa chọn khác nhau về các phương pháp mà các GV thường sử dụng trong giảng dạy và kiểm tra, đánh giá. Phần C gồm 2 câu hỏi mở, đây là phần dành cho SV ghi nhận xét và đề xuất đối với GV đang được đánh giá.

Theo số liệu từ Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT), kết quả khảo sát cho thấy có 89,17% SV và 72,50% GV ủng hộ chủ trương “SV đánh giá GV”. Đa số SV và GV đều cho rằng, đánh giá nên tổ chức sau khi kết thúc môn học và kết thúc học kỳ (52,14% ý kiến); công cụ đánh giá nên là phiếu được chuẩn bị sẵn (80%); chủ thể tổ chức đánh giá là khoa/bộ môn (25%) hoặc phòng chức năng của trường (66,67%) và kết quả đánh giá nên thông tin để GV điều chỉnh hoạt động của mình (62,50%). Khảo sát cũng cho thấy các ý kiến không đồng nhất đánh giá hoạt động của GV với đánh giá con người.

Còn tại ĐH Đà Nẵng thì phiếu khảo sát bao gồm 14 câu với hai mức trả lời là có và không. Khi trả lời không, SV chọn tiếp một trong 3 tùy chọn khác. Phiếu cũng có phần mở để SV ghi những góp ý khác GV được đánh giá. Tại ĐH Văn Lang (TP.HCM) bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2007, việc triển khai phiếu khảo sát này có ghi trong phụ lục hợp đồng của GV… Gọi là “Phiếu 19” vì có 19 câu hỏi với 5 mức trả lời: hoàn toàn đồng ý, đồng ý, không đồng ý, hoàn toàn không đồng ý, không có ý kiến. Ban đầu chỉ có một bộ câu hỏi dung chung cho các môn học, sau này nhà trường chia ra 4 loại phiếu: đánh giá cho lý thuyết, thực hành, đồ án môn học và giờ học trong phòng máy. Phiếu khảo sát của Trường ĐH Nha Trang được thiết kế gồm 20 câu với 3 lĩnh vực: hoạt động giảng dạy của GV (10 câu), cảm nhận của SV (5 câu) và 5 câu đánh giá cơ sở vật chất phục vụ dạy và học của trường.

ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là một trong số rất ít trường thực hiện khá bài bản và hiệu quả việc lấy ý kiến phản hồi từ người học. Ngay từ đầu, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng quy định về công việc này, công bố rõ đến từng GV. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Ban chỉ đạo đưa ra tiêu chí theo hướng dẫn của bộ sát với yêu cầu hoạt động của GV và làm minh bạch. Trường còn quy định rõ việc sử dụng thông tin phản hồi, trách nhiệm thực hiện của mỗi người và cả chế độ lưu trữ. Cách tổ chức và việc xây dựng tiêu chí rõ ràng nên được hầu hết GV ủng hộ”.

Trường xây dựng hai loại phiếu lấy ý kiến về hoạt động giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành (thí nghiệm) của GV riêng biệt, SV dễ dàng đánh giá. Sau khi xử lý, kết quả khảo sát được giao cho trưởng khoa và gửi đến từng GV. Các GV có quyền đưa ra ý kiến phản hồi của mình và phải nêu ra minh chứng cần thiết cho trưởng khoa về ý kiến phản hồi của SV. Đồng thời có trách nhiệm thảo luận và đăng ký với trưởng khoa về kế hoạch khắc phục ý kiến phản hồi chưa tốt, nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy.

Chất lượng đánh giá còn... bỏ ngỏ

Mục đích của việc thực hiện chủ trương này nhằm góp phần thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục ĐH; xây dựng đội ngũ GVcó phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao, phương pháp và phong cách giảng dạy tiên tiến, hiện đại. Hoạt động này sẽ tạo thêm kênh thông tin giúp GV điều chỉnh hoạt động giảng dạy và nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH. Bên cạnh đó, hoạt động SV đánh giá GV cũng góp phần giúp tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học với quyền lợi, nghĩa vụ học tập, rèn luyện của bản thân; tạo điều kiện để người học được phản ảnh tâm tư, nguyện vọng, được thể hiện chính kiến về hoạt động giảng dạy của GV.

Sinh vien danh gia giang vien: Moi noi moi kieu

SV điền vào phiếu đánh giá GV

TS Hoàng Thị Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm Thông tin ĐH Văn Lang, chia sẻ: “Có một điều thú vị trong quá trình triển khai việc lấy kiến của SV đánh giá GV là càng về sau yêu cầu của SV càng cao hơn. Độ chính xác theo từng phiếu đánh giá thì không cao nhưng xét về mặt tổng thể thì khá trung thực. Ở trường, tạm chia ra 3 nhóm GV: nhóm 1 là những giảng viên kì cựu họ không quan tâm lắm; nhóm 2 là những GV trẻ sẵn sàng tiếp nhận để sửa đổi; nhóm 3 là những GV thỉnh giảng, họ hoàn toàn không quan tâm, nhiều lần cung cấp thông tin khảo sát SV cho họ nhưng vì đặc thù nghề nghiệp, họ không dạy chỗ này thì dạy chỗ khác nên không quan tâm để điều chỉnh…”.

Tại trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM, công việc này cũng được tiến hành từ rất sớm và phiếu khảo sát được phát ra ở thời điểm gần cuối mỗi học kỳ. ThS. Lý Đan Thanh - GV Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế của trường này cho rằng: “Việc đánh giá quá trình giảng dạy của GV là phù hợp, giúp cho GV có trách nhiệm và quan tâm đến trình độ chuyên môn của mình. Tuy nhiên, để kết quả khảo sát thu về phản ánh trung thực hơn thì cần phải điều chỉnh bộ tiêu chí đánh giá…”.

Bạn Nguyễn Hoàng A. (SV ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) thì cho rằng: “Phiếu đánh giá của SV với môn học của từng GV có nhiều bất cập. Thứ nhất, phiếu chưa phản ánh rõ được thực trạng của nhà trường, một số GV bị đánh giá thấp lần trước nhưng vẫn chưa cải thiện được phương pháp dạy của mình. Thứ hai, có không ít SV không biết hoặc xem nhẹ quyền lợi của mình nên chưa thật sự quan tâm đến việc đánh giá...”. Một SV ở ĐH Bình Dương thì cho rằng: “Trường bắt SV ghi tên vào bảng đánh giá nên SV không dám đánh giá thật tình, đánh giá chỉ là hình thức chứ không hiệu quả…”.

TS Nguyễn Đức Minh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Thời gian đầu mới triển khai, nhiều GV tỏ ra không đồng tình với nhiều lí do khác nhau nhưng sau này mọi người đã quen và xem đó để tự điều chỉnh việc giảng dạy của mình. Nếu GV nào bị điểm thấp thì trưởng khoa sẽ có buổi làm việc riêng để cải thiện tình hình”.

PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng ĐH KH XH&NV TP.HCM, chia sẻ trên VnExpress.net: “Phiếu đánh giá phải làm một cách khoa học, nên tham khảo mẫu của một số nước. Nội dung chú trọng vào kiến thức, phương thức truyền giảng và đạo đức giảng viên trong quan hệ thầy - trò, tôn trọng đời tư của họ. Quá trình xử lý kết quả cần đảm bảo tính khách quan, đúng mực, gửi đến từng GV. Lãnh đạo có thể gặp gỡ trực tiếp, trao đổi thẳng thắn với GV về vấn đề chưa tốt mà nhiều sinh viên nêu ra. Việc đóng góp ý kiến về GV thực chất là văn hóa phê bình và tự phê bình. Đây là kênh tham khảo cần thiết, góp phần giúp GV và trường nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời giúp SV phát huy tính dân chủ, tự chủ…”.

CÔNG CHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI