Sẽ trực tiếp tháo gỡ từng trường hợp trẻ không giấy khai sinh

09/04/2014 - 16:51

PNO - PN - Khi chúng tôi đề cập đến ngôi làng với hơn 400 đứa trẻ không được làm khai sinh ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, ông Hoàng Kim Chiến - Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp bất ngờ:

edf40wrjww2tblPage:Content

"Đúng là từ vài năm nay, việc bà con Việt kiều từ Campuchia trở về theo con đường không chính thức đã diễn ra khá nhiều tại các địa phương giáp biên giới. Chúng tôi đã đi thực tế nhiều nơi như Tịnh Biên (tỉnh An Giang), làng nuôi cá bè ở La Ngà (tỉnh Đồng Nai)… để ghi nhận và hướng dẫn việc giúp dân về thủ tục tư pháp. Thế nhưng, Cục Công tác phía Nam chưa nắm được thông tin về làng Việt kiều ở ấp Tà Dơ này".

* PV: Thưa ông, liệu những hướng dẫn thủ tục cho dân của xã Tân Thành hiện đã hợp lý chưa?

- Ông Hoàng Kim Chiến: Về việc đăng ký khai sinh, nguyên tắc chung là mọi trẻ em sinh ra đều được đăng ký khai sinh. Khoản 2, điều 5, Nghị định 158/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định:“Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó”.

Như vậy, để làm được các giấy tờ tùy thân khác như CMND, hộ khẩu… thì điều kiện là phải có giấy khai sinh, đồng thời phải xác định được nơi cư trú hợp pháp theo quy định của Luật Cư trú. Việc quản lý và đăng ký hộ khẩu do cơ quan công an thực hiện. Đối với các trường hợp di cư về Việt Nam sinh sống theo con đường không chính thức, chính quyền có trách nhiệm giải quyết, trong đó việc vận động trở lại nơi người ta đã rời đi cũng là một trong những giải pháp để ổn định, nhất là ở một số khu vực biên giới.

* Được biết, hơn bốn năm trước, xã Tân Hòa, cùng huyện Tân Châu nơi ông Trần Quang Ghi từng làm lãnh đạo cũng có hơn 80 hộ Việt kiều Campuchia kéo về. Ông Ghi là người đi xin ý kiến chỉ đạo, chỉ đạo lại các ban ngành ở xã giúp dân kê khai, ổn định cuộc sống. Sau 5 năm, một số hộ dân đầu tiên ở Tân Hòa đã có hộ khẩu. Vậy tại sao ở Tân Thành chưa có hướng ra?

- Ông Hoàng Kim Chiến: Nhận được thông tin từ Báo Phụ Nữ, chúng tôi vừa liên hệ với ngành tư pháp Tây Ninh, được biết cơ quan công an và tư pháp địa phương đang rất nỗ lực giải quyết, ví dụ như hướng dẫn hồ sơ nhập quốc tịch đối với các trường hợp có giấy tờ và những trường hợp không có giấy tờ tùy thân đã cư trú tại Việt Nam trong thời gian từ 5-20 năm theo quy định tại các điều 19, 20, 21, 22 Luật Quốc tịch 2008. Thật ra, theo đúng luật, ông Ghi và lãnh đạo ở Tân Hòa cũng chỉ cấp được giấy tờ cho người dân sau khi họ về sống ở đó trên 5-10 năm.

* Lẽ nào, những đứa trẻ ở Tân Thành phải chờ đến 5-10 năm nữa mới được có giấy khai sinh?

- Ông Hoàng Kim Chiến: Quy định là như thế. Khoảng thời gian 5-10 năm đối với một đời người không ngắn, nếu có quyền nhân thân, chắc hẳn đứa trẻ ấy sẽ có được nhiều thứ khác chứ không riêng chuyện được đến trường. Trong tháng Tư này, Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp sẽ về Tân Thành, Tân Châu để trực tiếp tháo gỡ cho từng trường hợp để các trẻ ở đây có thể có giấy khai sinh.

* Cảm ơn ông.

HẠNH CHI (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI