"Sẽ có một ngày saxophone ngân lên khẩu trang rơi xuống..."

15/02/2022 - 17:01

PNO - Một cuộc ra mắt sách nhiều nước mắt nhưng cũng thật nhiều yêu thương. "Cây kèn và chiếc khẩu trang" là ấn phẩm của văn nghệ sĩ viết về đại dịch COVID-19.

Ngày 15/2, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM và nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức buổi ra mắt trang trọng cho ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang (nhiều tác giả). 194 tác phẩm của 138 tác giả, thuộc các lĩnh vực nghệ thuật: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu và nhiếp ảnh được tuyển chọn trong ấn phẩm đặc biệt này. 

Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM cho biết, bản thảo được vận động tập hợp trong thời gian chỉ 3 tuần kể từ khi thành phố nới lỏng giãn cách. 

Ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang dày gần 500 trang
Ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang dày gần 500 trang

"Ở góc độ sáng tác, các văn nghệ sĩ đã phát huy tối đa khả năng sáng tạo và trách nhiệm "văn nghệ sĩ là chiến sĩ" của mình. Rất tiếc là có những tác phẩm thuộc loại hình không thể chuyển tải bằng hình thức ấn phẩm như các tác phẩm múa, kịch bản phim điện ảnh, phim tài liệu. Bằng ấn phẩm đặc biệt này, chúng tôi xin gửi gắm lòng tri ân vô hạn của giới văn nghệ sĩ TPHCM đến các y bác sĩ, tình nguyện viên, công an, quân đội, những người của tuyến đầu chống dịch đã hy sinh quên mình vì tính mạng, sức khỏe của người dân thành phố" - nhà thơ Lê Tú Lệ chia sẻ. 

Bài thơ Cây kèn và chiếc khẩu trang của chị cũng được lựa chọn làm tiêu đề tác phẩm. "Giữa cây kèn saxophone và chiếc khẩu trang/bầy vi rút đánh đu trên từng nốt nhạc/Bầy vi rút điên cuồng lượn lờ/Đêm Sài Gòn đặc quánh/Đêm Sài Gòn tức thở/Đêm Sài Gòn không như mơ...". Những vần thơ viết từ tâm dịch đau đớn nhưng cũng đầy niềm tin cậy lạc quan, rằng:

"Sẽ có một ngày saxophone ngân lên khẩu trang rơi xuống/Hãy mạnh mẽ lên tôi ơi/Như bao đời Sài Gòn mạnh mẽ/Và đêm này sẽ qua, sẽ qua..." (trích Cây kèn và chiếc khẩu trang); hay "Bóng kẽm gai dẫu làm rách mặt đường/Thành phố xót, ta cùng nhau vá lại/Tình đoàn kết đi xuyên qua thời đại/Giữa muôn vàn giãn cách vẫn thương nhau" (trích Chốt gác, Trần Ngọc Mai).

Phần văn học in nhiều bài thơ đã từng dự thi và được trao giải cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam của Hội Nhà văn TPHCM, với các tác giả: Nhật Quỳnh (Yên Khang), Trần Ngọc Mai, Hương Thu, Đoàn Thị Diễm Thuyên... Ngoài ra còn có tản văn, bút ký, truyện ngắn của các nhà văn Bích Ngân, Trầm Hương, Hoài Hương, Hồ Thị Ngọc Hoài...

Phần Nhiếp ảnh ghi lại hình ảnh những ngày chống dịch
Phần Nhiếp ảnh ghi lại hình ảnh những ngày chống dịch

Chiếm số lượng nhiều nhất trong ấn phẩm là các ca khúc viết từ đại dịch, trong đó có những ca khúc đã phổ biến, lan tỏa: Sài Gòn mùa thương (đạo diễn Xuân Phước), Sài Gòn thở đi em (thơ Trương Bảo Châu, nhạc Nguyễn Quốc Đông), Người thầy thuốc vì nước quên mình (lời Lê Anh Tuấn-Phạm Phương Lan, nhạc Lê Anh Tuấn), Bé đi cách ly một mình (nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh), Cảm ơn những bàn tay (thơ Hồ Tịnh Văn, nhạc Yên Lam)...

Nhiều ca khúc, tác phẩm mỹ thuật, kịch bản sân khấu được sáng tác từ cuộc cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài phòng, chống dịch COVID-19, do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phát động vào tháng 6/2021. Hình ảnh nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn ở bệnh viện dã chiến được họa sĩ Trần Văn Mạnh vẽ lại trong tác phẩm Thắp tin yêu, bằng chất liệu sơn dầu. Hình ảnh về các y, bác sĩ đi vào tranh của các họa sĩ Quách Như Diện, Nguyễn Bá Khanh, Lê Tấn Đạt, Phạm Giao, Hồ Minh Quân, Tạ Thị Ánh Hồng...

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh (phải) chia sẻ những ngày làm việc và sáng tác trong đại dịch
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh (phải) chia sẻ những ngày làm việc và sáng tác trong đại dịch

"Các tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ thành phố đã thể hiện tinh thần hiệu triệu mạnh mẽ, kêu gọi sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân. Nghĩa tình sẻ chia trong giai đoạn hết sức khó khăn của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Có những tác phẩm ca ngợi sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu đầy xúc động, những tác phẩm ấm áp tình người, kể về những ngày người dân chia sẻ tình cảm ấm áp giữa gian nan.

Và cũng có những tác phẩm viết về nỗi đau, tuy nhiên trong đớn đau mất mát ấy, người dân thành phố vẫn kiên cường lạc quan với thông điệp về niềm tin chiến thắng mà các văn nghệ sĩ đã gửi gắm" - bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM nhìn nhận. 

Buổi ra mắt ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang lắng đọng với những ca khúc từng làm ấm lòng Sài Gòn mùa giãn cách, cảm động trước những sẻ chia của các văn nghệ sĩ đã chiến đấu và chiến thắng COVID-19: nhà thơ Huệ Triệu, Hồ Đắc Thiếu Anh, nhạc sĩ Lê Anh Tú, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nga... Chỉ một mùa hè, 42 văn nghệ sĩ thành phố đã mất vì COVID-19. 

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM trao tặng qua cho gia đình cố nhạc sĩ Y Jang Tuyn
Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM trao tặng qua cho gia đình cố nhạc sĩ Y Jang Tuyn

"Xin cho chúng tôi những người còn sống được cúi đầu bái vọng..." - bài thơ Những linh hồn đang bay của nhà thơ Trần Mai Hường, như thay lời tiễn biệt những người đã mất và sẻ chia trước những mất mát quá lớn của con người trong đại dịch. Cây kèn và chiếc khẩu trang bổ sung vào dòng sách về đề tài COVID-19 một ấn phẩm với sự góp mặt của nhiều loại hình nghệ thuật, như một dấu ấn để nhớ mãi một mùa hè...

Song Giang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI