Sau 2 năm doanh nghiệp khai thác lấy hàng tấn vàng bỏ đi, Bồng Miêu tan hoang vì vàng tặc

12/04/2020 - 08:07

PNO - Kể từ khi công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) dừng hoạt động từ năm 2018, hoạt động khai thác vàng trái phép ở đây trở nên rầm rộ, khó kiểm soát.

Tan hoang Bồng Miêu

Nhìn từ phía xa, những ngọn đồi nham nhở, bị xé nát như những vết cắt, hằn sâu vào lòng đất. Càng đến gần càng thấy rõ nơi này đã bị tàn phá tan hoang đến độ nào. Những ngọn đồi bị đào xới nham nhở, để lộ những vỉa đất đá ngổn ngang.

Thấy người lạ, một số người chạy nhanh vào phía rừng keo lẩn trốn; nhưng cũng có những người vẫn điềm nhiên tiếp tục công việc của mình.

Những ngọn đồi ở Bồng Miêu bị đào xới nham nhở để khai thác vàng trái phép.
Những ngọn đồi ở Bồng Miêu bị đào xới nham nhở để khai thác vàng trái phép

“Làm thế này không sợ bị công an xử lý sao?”, tôi hỏi. Cậu thanh niên khoảng ngoài 20 tuổi, kéo khăn che kín mặt hơn, đáp trổng: “Làm thuê cho người ta thôi. Kiếm ngày công chứ có làm chi đâu mà sợ”. Hỏi ra, đa số những người ở đây đều là từ nơi khác về làm thuê.

“Cứ một tuần, ông chủ lại lên một lần, cung cấp thức ăn rồi tính tiền công. Làm ruộng không có cái ăn nên mới lần mò tới đây làm vàng chứ sung sướng gì đâu chú” - người đàn ông trung niên vừa làm vừa nói.

Những bãi khai thác trái phép sử dụng máy móc để lắng, lọc, tuyển quặng.
Những bãi khai thác trái phép sử dụng máy móc để lắng, lọc, tuyển quặng

Theo tìm hiểu, những bãi vàng trái phép ở đây đa phần là do dân địa phương đứng ra làm chủ, phân chia lãnh thổ khai thác, thuê nhân công từ các vùng khác như: Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam)... về lao động. Người thì tận dụng lại những hầm mỏ bỏ lại của công ty vàng Bồng Miêu để tiếp tục khai thác; người thì đào, khoan những vỉa đất đá mới rồi tiến hành tách, tuyển vàng.

Nhưng chung quy lại, việc tách tuyển vàng sẽ được các “chiếc xe không số” vận chuyển quặng từ bãi vào các rừng keo, nơi đó có đầy đủ máy móc để tách vàng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao, bởi muốn tách, tuyển vàng thì đa số đều phải dùng cyanua (một chất cực độc, được dùng trong việc tách quặng vàng, thiếc...). Những điểm tách quặng này nằm sâu giữa các rừng keo, nước thải đều được xả ra tự nhiên mà không qua bất cứ bể lắng, lọc nào.

Những chiếc xe không số được dùng để chở xái, quặng về điểm tập kết.
Những chiếc xe không số được dùng để chở xái, quặng về điểm tập kết

Đến thời điểm hiện tại, khai thác vàng trái phép đã lấn sâu vào khu vực nhà máy của Công ty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu. Tại đây, cảnh đào bới nham nhở, hố trải dài hàng hecta. Từng tốp người cả nam lẫn nữ dùng cuốc, xẻng đào bới, có tốp dùng cả máy khoan bê-tông để đục đá cho dễ đào. Sau khi phân loại đất đá vào những bao tải, số quặng này được những chiếc xe máy chở vào các khu rừng keo gần đó để xay, tuyển vàng. Cứ thế, tiếng máy nổ vang cả một góc rừng.

Doanh nghiệp lấy vàng bỏ đi, ngân sách nhà nước oằn lưng xử lý hậu quả

Câu chuyện khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu có lẽ đã quá quen thuộc trong mấy chục năm nay, tuy nhiên, để nói rằng sẽ dẹp được thì chẳng ai dám khẳng định. Như một cán bộ xã Tam Lãnh từng nói, chỉ cần ở dưới này rục rịch đi truy quét thì ở trên đó đã nắm rõ thông tin. Lực lượng chức năng đẩy đuổi thì chạy, khi công an rút về thì ra làm tiếp. Đập máy này thì mua máy khác... Cứ thế, cuộc chiến cứ dùng dằng, kéo dài cả mấy năm nay, chẳng có hồi kết.

Sau khi phân loại, quặng sẽ được đưa về nơi lắng, lọc và tách vàng. Nơi này được đặt ở sâu giữa rừng keo gần đó.
Sau khi phân loại, quặng sẽ được đưa về nơi lắng, lọc và tách vàng được đặt ở giữa rừng keo gần đó

Trung tá Cao Ngọc Lĩnh - Trưởng Công an xã Tam Lãnh thừa nhận, tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra trên địa bàn lâu nay. “Người dân ở đây không có việc làm ổn định nên họ lấy việc làm vàng để mưu sinh. Trước việc làm trái phép trên, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức đẩy đuổi, nhưng sau đó họ lại tiếp tục vào làm”, ông Lĩnh nói.

Theo quan sát, mỗi ngày, ở trên các ngọn đồi đều có hàng chục người làm việc. “Họ đào bới đất đá để lấy quặng rồi dùng chất độc hại tuyển vàng xả ra làm ô nhiễm môi trường. Những nơi họ khai thác gây ra sạt lở đất, nhất là vào mùa mưa bão. Nhiều lần lực lượng chức năng vào truy quét đẩy đuổi "vàng tặc", nhưng sau một thời gian lại tái diễn”- một người dân thôn Trà Sung (xã Tam Lãnh) thông tin.

Quặng được rửa sạch, chuẩn bị tách vàng.
Quặng được rửa sạch, chuẩn bị tách vàng

Theo thống kê của UBND xã Tam Lãnh, trong năm 2019, địa phương đã tổ chức 67 đợt kiểm tra, xử lý tình hình làm vàng không phép trên địa bàn xã. Qua đó phát hiện và tiêu hủy 64 máy nổ, 55 cối xay, 37 cối đập, 114 lán trại, 104 hồ hóa chất, 11.725m bạc, 6.250m dây nước... và đổ khoảng 8,5 tấn quặng xuống vực sâu.

Riêng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã tổ chức 9 đợt kiểm tra, xử lý tình hình làm vàng không phép trên địa bàn, qua đó phát hiện và tiêu hủy 6 máy nổ, 6 cối đập, 6 cối xay, 10 lán trại, 3.300m dây nước, 1.250m bạc, 6 hồ hóa chất...

Những hầm lò cũ của công ty vàng Bồng Miêu để lại. Người dân vẫn lợi dụng để khai thác lại trong những hầm này, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Người dân vẫn đang khai thác những hầm lò cũ của Công ty vàng Bồng Miêu để lại

“Các đối tượng làm vàng chủ yếu là lao động nghèo ở địa phương và nhiều nơi khác tìm về. Một phần sống ngay trên mỏ vàng nhưng đất sản xuất lại ít, không có công việc ổn định vì vậy họ tìm cách mưu sinh bằng cách mót vàng. Những người này chưa từng trải qua khóa huấn luyện khai thác hầm lò, không có bảo hộ lao động, chỉ dựa vào kinh nghiệm làm vàng lâu năm của bản thân. Lực lượng chức năng liên tục truy quét, đẩy đuổi nhưng vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng này”, ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho hay.

Các con sông nằm sát bãi vàng như Bồng Miêu, Tiên Phước, sông Trạm, Quế Phương… đã đổi màu đục ngầu, nguồn nước bị ô nhiễm vì các chất hóa học. Đã rất nhiều lần xuất hiện cá chết trắng sông nghi do nhiễm độc. Cá chết, nguồn thủy sinh có dấu hiệu cạn kiệt, người dân địa phương lo lắng về chất lượng nguồn nước sinh hoạt. 

Việc xả thải trực tiếp ra môi trường khiến các dòng sông, suối trên địa bàn xã Tam Lãnh bị ảnh hưởng nặng nề.
Việc xả thải trực tiếp ra môi trường khiến các dòng sông, suối trên địa bàn xã Tam Lãnh bị ảnh hưởng nặng nề

Ông Nguyễn Thế Vinh cho biết, việc đẩy đuổi, truy quét là rất khó khăn do lực lượng của xã ít, trong khi diện tích cần phải kiểm tra lại rất lớn. "Nếu muốn chấm dứt hẳn tình trạng này thì phải đánh sập các hầm lò cũ, đồng thời tăng cường lực lượng hỗ trợ với xã để liên tục truy quét. Cứ đoàn này đi về thì có lực lượng khác chuẩn bị thay thế tiếp tục truy quét. Như thế mới chấm dứt được tình trạng mình vừa rút quân thì vàng tặc lại trở ra, tiếp tục làm", ông Vinh kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, cuối năm 2019, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua nghị quyết về việc bố trí ngân sách để thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với tổng kinh phí dự kiến lên đến 19,081 tỉ đồng. Trong đó sử dụng số tiền 6,468 tỉ đồng do Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và ngân sách tỉnh Quảng Nam phải bỏ thêm 12,613 tỉ đồng. Đề án này bao gồm các hạng mục như: xử lý môi trường các hồ nước, trồng cây phủ xanh, trồng cỏ chống trôi lấp, xây dựng tường rào, biển báo. Xây nhiều lớp tường và bít kín cửa hầm lò chính bằng bê tông cốt thép có chiều dày 1m. Tại 15 cửa lò phụ sẽ xây gạch bít lối ra vào, sử dụng mìn đánh sập các cửa lò khai thác trái phép...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Vinh, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một hạng mục nào trong đề án này được triển khai. Và, chuyện khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Tháng 7/1992, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu được Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương) cấp phép khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh). Sau 15 năm hoạt động, công ty này vướng vào việc nợ hơn 1.200 tỷ đồng và tuyên bố phá sản. Sau nhiều lần tìm cách giải quyết không được, đến tháng 7/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt kế hoạch triển khai đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu và giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI