Phóng viên: Hơn 2 năm ít xuất hiện để chờ một lần trở lại mới lạ hơn. Với vai ông Danh trong phim Út Lan: Oán linh giữ của, anh thấy sự chờ đợi của mình liệu có xứng đáng?
Diễn viên Mạc Văn Khoa: 10 năm làm nghề, dù may mắn được khán giả đón nhận, nhưng đôi khi nhìn lại tôi thấy mình cứ quanh quẩn trong vòng lặp. Sáng đi diễn, tối muộn về và cứ diễn đi, diễn lại những vai đó. Chính tôi xem còn tự thấy chán mình thì khán giả làm sao còn thấy thú vị. Tôi quyết định dừng lại, tìm kiếm vai diễn mới hơn, thú vị hơn. Tôi cứ chờ như vậy cho đến một ngày “gặp” được vai ông Danh trong Út Lan: Oán linh giữ của.
Trên phim, tôi vào vai người đàn ông lớn tuổi, là phú hộ. Sống ở vùng quê bình yên nhưng người đàn ông này có tâm lý khá phức tạp. Ông Danh thuộc tuyến nhân vật phản diện, lại ở dòng phim kinh dị - tâm linh trước nay tôi chưa từng đảm nhận nên tôi rất thích. Nhân vật có những cảnh đánh nhau, tra tấn, lại có hát cải lương, hát tuồng... Khi xem lại mình trong phim này, tôi cảm giác mình tận hưởng lắm, như đang được xem ông Danh chứ không phải Mạc Văn Khoa nữa.
Anh chuẩn bị gì cho vai diễn mà anh gọi đây là “cú chơi tất tay” sau 2 năm?
Khi quyết định nhận vai này, tôi biết mình phải học hỏi và tập rất nhiều. Đầu tiên là do thời gian qua đóng hài, lúc nào cơ mặt cũng cường điệu hơn, ngữ điệu trong giọng nói cũng phải cố để cho hài hơn. Còn vào vai ông Danh, tôi phải “lạnh”, tập trung diễn tả chiều sâu nhân vật bằng ánh mắt. Chất giọng cũng phải trầm hơn. Tôi phải chỉnh lại dáng đứng, dáng đi, cách nói chuyện. Mất khoảng 3 tháng để tôi lấy tâm lý vào nhân vật.
Đến khi phim ra rạp, vợ và mẹ vợ của tôi đều nói thời gian đóng phim tôi rất khó chịu, không “lầy lội”, dễ thương như trước. Tôi nhớ, những ngày đóng phim này, lúc về nhà tôi cũng giữ nguyên tâm lý nhân vật vì nếu thoát vai, ngày hôm sau không thể diễn lại đúng nét diễn của nhân vật. Có nghĩa không chỉ tôi trải nghiệm mà cả gia đình cũng “sống” cùng nhân vật ông Danh.
Khoảng thời gian anh ít xuất hiện, mọi thứ vẫn đi về phía trước, tâm lý đứng ngoài cuộc chơi nghệ thuật có dễ chấp nhận?
2 năm nghỉ ở nhà, dù ít xuất hiện trên gameshow và phim ảnh nhưng tôi vẫn âm thầm làm việc. Tôi ấp ủ một kịch bản và muốn thực hiện thành bộ phim điện ảnh của riêng mình. Hằng đêm, tôi vắt tay lên trán nghĩ về kịch bản, ý tưởng. Hiện kịch bản đã hoàn thiện 60 – 70%. Với tôi, kịch bản tốt thì phim mới hay nên tôi cần tập trung phần lớn thời gian cho khâu này. Cơ hội đóng vai ông Danh cũng là trải nghiệm thú vị để tôi tiếp tục bước khỏi vùng an toàn.
Ông Danh là vai phản diện đầu tiên của Mạc Văn Khoa trên phim
Lựa chọn trở thành đạo diễn của anh có đến từ việc anh nhìn thấy nhiều đồng nghiệp rẽ hướng và thành công như Trấn Thành, Lý Hải...?
Cách đây tầm 4 năm, khi lần đầu đóng phim của anh Lý Hải, thấy cách anh Hải làm việc, tôi như được truyền năng lượng tích cực. Bản thân bắt đầu mê điện ảnh, mê không khí trên phim trường. Tôi từng diễn chung với anh Trấn Thành, anh Trường Giang và gần đây thì hợp tác với đạo diễn Trần Trọng Dần của phim Út Lan – Oán linh giữ của. Anh Dần là đạo diễn Việt kiều nên tôi được tiếp cận những góc máy, khung hình mới. Sau 10 năm, tôi tích góp từng chút và cộng với chất riêng của mình, tôi mong được làm một bộ phim mang “chất” của Mạc Văn Khoa.
Điện ảnh là cuộc chơi tốn kém và không đơn giản, anh chuẩn bị gì khi bước chân vào đường đua đó?
Bộ phim đầu tiên tôi góp chút vốn là Siêu lừa gặp siêu lầy (2023) của anh Võ Thanh Hòa. Ngoài tham gia diễn xuất, việc tôi góp vốn chỉ với mong muốn được đồng hành để học hỏi thêm kinh nghiệm. Tôi nhận ra, tiền là quan trọng nhất để làm một bộ phim điện ảnh. Có tiền, mình sẽ tự tin làm. Còn nếu cứ chắt bóp từng đồng, người làm nghệ thuật sẽ gặp căng thẳng.
Ngày xưa là diễn viên, thấy mưa đôi khi tôi thích lắm vì được nghỉ ngơi. Còn giờ làm sản xuất phim, thấy trời mưa là sợ vì mỗi hạt mưa sẽ khiến phát sinh đủ thứ tiền. Nói chung, khi có được kịch bản hay, tôi sẽ tự tin đi kêu gọi đầu tư, tự tin sản xuất phim điện ảnh.
Ở phim đầu tay, tôi sẽ giữ vai trò biên kịch vì từ năm lớp 8, khi thầy cô muốn tôi diễn kịch, tôi đã ở nhà viết những mẩu chuyện nhỏ. Tôi cũng từng học lớp chọn văn nên về ngôn từ, tôi thấy mình có lợi thế. Còn về vai trò đạo diễn, tôi sẽ làm đồng đạo diễn bởi dù gì, tôi cũng chưa có kinh nghiệm, nếu được đồng hành, tôi sẽ tự tin hơn.
Anh từng tự ti nói rằng mình “xấu lạ”, giọng nói chua ngoa nhưng trong nghệ thuật, những thứ khiến anh tự ti ấy lại thành nét riêng, như một “món quà”...
Hồi nhỏ tôi nhút nhát, không dám đứng trước đám đông. Đến năm lớp 8, thầy giáo vào chọn tôi đi đóng kịch cho lớp. Đó là lần đầu tôi được đóng kịch. Vai nhỏ lắm, chỉ lên thoại 1 câu để cho bà con trong xã coi. Nhưng sau khoảnh khắc ấy, lúc đạp xe từ điểm diễn về, tôi nhớ lại cảm giác đứng trên sân khấu, thấy sao thích thế. Từ đó, tôi tìm hiểu, thích coi những chương trình Gặp nhau cuối tuần rồi viết kịch bản để diễn ở trường, ở lớp. Tôi dần tự tin hơn, có thể đứng trước đám đông nói được, diễn được.
Ban đầu, tôi tự ti với giọng nói, dáng người nhưng cứ làm dần rồi thấy chính cái dáng gầy gò lại trở thành đặc điểm để khán giả dễ nhớ, dễ nhận ra tôi hơn. Đến hôm nay, tôi cảm ơn gương mặt xấu lạ của mình vì đã trở thành thương hiệu, từ điểm yếu mà thành lợi thế.
Có thể bây giờ, những quan niệm về cái đẹp đã được “cởi bỏ” nhưng thời điểm 10 năm trước, tôi tin những bước đầu tiên của anh với nghề không hề dễ dàng. Anh có từng nghĩ đến 2 từ bỏ cuộc?
Không phải nghĩ đến mà tôi đã từng quyết định bỏ cuộc. Sau khi học xong ở Nha Trang, tôi vào TPHCM, theo con đường diễn viên. Trong một năm đó, bố mẹ là người nuôi tôi. Nuôi bằng từng cân lạc, cân vải, cân thóc, bằng từng con gà, con vịt, quả trứng... trong gần một năm. Thấy công việc không tới đâu, lại không thể phụ thuộc bố mẹ nên tôi quyết định về quê kiếm công việc khác, có thể đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan. Nhưng đúng lúc tôi tuyệt vọng, chuẩn bị rời đi thì chương trình Cười xuyên Việt lại xuất hiện, tôi đăng ký tham gia và được chú ý. Đó là năm 2015.
Trong những câu chuyện anh kể về ngày thơ ấu và hành trình trưởng thành, bố mẹ luôn là người đồng hành, anh nghĩ gì về tình thương vô điều kiện này?
Bây giờ, mỗi lần ngồi ăn cơm hay để ý thấy cái bát, đôi đũa là tôi lại xúc động. Ngày tôi vào Nha Trang học đại học, không thể quên giây phút ngồi phía sau lưng để bố chở ra cây xăng bắt xe đò. Là cậu bé chưa bao giờ ra khỏi Hải Dương mà lần này lại đi một mình, chuyến xe dài 30 tiếng. Tôi lo không nói được gì.
Khi bố chở tôi đi quá cổng nhà tầm 200 – 300 mét thì nghe tiếng mẹ gọi. Tôi với hỏi: “Mẹ quên gì à?”, thì mẹ nhét vào ba lô của tôi 1 cái bát, 1 đôi đũa, bảo là mang vào trong kia có cái mà đựng ăn. Mỗi lần nhớ lại thấy động lực rất lớn để cố gắng làm nghề lo cho bố mẹ. Tới hôm nay, tôi vẫn ở nhà thuê nhưng cố gắng cùng chị gái để xây cho bố mẹ căn nhà rộng rãi, sáng sủa hơn ngày xưa. Đó là điều hạnh phúc lớn với tôi. Bố mẹ đã khổ vì mình thì giờ mình vất vả xíu cũng không sao.
Vậy còn người phụ nữ bên cạnh anh hiện tại, sự nghiệp của anh hẳn không thể thiếu cô ấy?
Ngoài ba mẹ luôn ủng hộ thì tôi cũng muốn cảm ơn vợ, người đã bên cạnh tôi từ năm 2015. Ngày đó, dù tham gia những gameshow, diễn tiểu phẩm rất nhỏ hay đi tỉnh 30 – 40km, chúng tôi cũng luôn tự chạy xe cùng nhau rồi cùng ăn cơm, cùng thức đêm. 10 năm đi bên cạnh nhau, tới khi sinh em bé thì vợ không đi cùng nữa. Thời gian đầu, tôi hơi hụt hẫng bởi đã quen rồi. Tôi ngại đi một mình hay đi cùng một người khác.
Trong 2 năm chờ đợi để có được vai diễn mới, thu nhập tôi giảm rất nhiều. Có tháng, thậm chí tôi không kiếm được tiền nhưng vì đã quyết tâm chờ đợi vai diễn lạ, tôi không thay đổi lựa chọn. Nhiều lúc tôi chạnh lòng, buồn lắm nhưng vợ luôn là hậu phương vững chắc, động viên tôi cố gắng.
10 năm bên nhau, hôn nhân dạy anh điều gì?
Vợ chồng tôi trải qua cuộc sống hôn nhân được vài năm. Không thể nào máu lửa, tươi mới như ngày đầu yêu nhưng càng ngày sẽ càng thương nhau, hiểu nhau. Tôi nghĩ nếu cả hai biết hy sinh cho nhau một chút để vun đắp thì mối quan hệ mới tốt.
Trong nhà, tôi thường là người nhịn vợ vì vợ tôi nóng tính. Lúc nào cãi tay đôi, tôi thường là người rút trước, chờ khi nào vợ “nguội” thì tôi nói chuyện. Những việc nào cần quyết định trong buôn bán, làm ăn, vai diễn hay trường học cho con, tôi sẽ quyết định. Còn về quản lý chi tiêu, chăm con thì vợ sẽ đảm nhận.
Giữa hai vợ chồng tôi, mọi thứ khá rõ ràng, đặc biệt về tiền. Tiền tôi đi diễn, tôi sẽ dành riêng để đầu tư cho nghệ thuật, góp xíu vốn vào các phim mà tôi tham gia. Còn tiền buôn bán bún đậu, vợ sẽ giữ để trả tiền nhà, lo cho con ăn học. Vợ không lo tôi tiêu xài lung tung vì ngoài việc mua con chim, con cá, cái cần câu, tôi không có nhu cầu mua gì khác cả.
Có phải vì từng kinh qua đủ nghề từ làm nông cho tới bưng bê nên anh chi tiêu tiết kiệm, luôn muốn tích góp lo cho tương lai?
Tôi xuất thân từ gia đình làm nông ở Chí Linh, Hải Dương. Từ nhỏ tôi đã phụ bố mẹ cấy lúa, gặt lúa, trồng lạc, bẻ vải, bẻ nhãn... Khi lên đại học, tôi làm giày da ở công ty mấy tháng. Có khi thì tôi làm phục vụ kiếm vài chục ngàn. Nhân đây, tôi cũng muốn đính chính là bản thân chưa làm phụ hồ. Thời sinh viên vào Nha Trang, tôi ở nhà chị họ bán vật liệu xây dựng, tôi hay đi cùng anh đến lò gạch, chở gạch giao các vựa. Tôi đi theo phụ. Mọi người nghe tôi đi theo xe chở gạch, nghĩ tôi làm phụ hồ nhưng thực tế không phải. Tôi chỉ muốn mình làm gì, mình kể nấy, không kể thêm để mọi người nghĩ tôi khổ cực, vất vả.
Những công việc này là chất liệu để sau này tôi có vào vai làm nông hay công nhân, tôi biết cách. Ngoài ra, lao động, kiếm tiền chân chính cũng giúp tôi quý trọng đồng tiền, công sức mình bỏ ra.
Trong cuộc đời, sẽ có nhiều khoảnh khắc khiến ta hạnh phúc, tự hào về bản thân. Với anh, lần gần nhất anh có cảm giác tự hào đó là khi nào?
2 năm về trước, bố tôi rất yếu. Điều buồn nhất là khi mình có chút thành công, vừa cùng chị gái lo được cho bố mẹ căn nhà thì sức khoẻ của bố đi xuống. Điều đó khiến tôi day dứt suốt thời gian dài, không có tâm trí để làm việc gì khác. Nhưng, cuộc đời nhiều khi có những phép màu. Sau đó, bố tôi may mắn trị đúng bệnh và khoẻ mạnh trở lại. Đợt vừa rồi, khi phim Út Lan: Oán linh giữ của ra mắt ở Hà Nội, bố ngồi cạnh tôi trong rạp. Giây phút ấy tôi ngỡ mình đang mơ vì từng nghĩ không được nhìn thấy bố nhưng giờ đây, bố đang bên cạnh, xem tôi đóng vai phản diện đầu tiên trên màn ảnh – bước chuyển mình trong nghệ thuật của con trai. Khoảnh khắc ấy thật hạnh phúc với tôi, là động lực để tôi tiếp tục cố gắng.
Cảm ơn anh đã chia sẻ.