Sài Gòn trong tranh ký họa

19/05/2021 - 06:57

PNO - Có một Sài Gòn vừa chân phương vừa cổ kính trong tranh ký họa của những họa sĩ nước ngoài.

Sài Gòn là lẽ sống

Sài Gòn là đất tứ xứ, tưởng chừng vô tư nhưng rất lựa chọn. Sài Gòn, từ bao đời, người muốn đến thì nhiều, kẻ muốn đi thì ít. Họ đến Sài Gòn để lập nghiệp và lạ lùng thay, họ còn đến Sài Gòn để làm người Sài Gòn. Cái thú làm người Sài Gòn, nghe sao kỳ quặc.

Có người thích Sài Gòn hào sảng, có người lại ưng Sài Gòn nghĩa hiệp. Kẻ tha hương mang ân nghĩa Sài Gòn bao dung. Người thành danh tha thiết, nặng lòng với thành phố. Và bất kỳ ai đi chăng nữa, khi lựa chọn sống vì mảnh đất này, họ không còn là người Sài Gòn xác thịt nữa rồi. Ravindranath Balakrishnan - một thương gia đến từ Ấn Độ và Richie Fawcett - một chuyên gia pha chế đến từ nước Anh cũng vậy, họ chọn làm người Sài Gòn như một lẽ sống.

Đến Việt Nam từ năm 2007, Ravi chọn Sài Gòn là nơi để bắt đầu công việc của mình, như bao thương nhân Ấn Độ từng cập bến trăm năm trước. Và chính cái nội tại của thành phố là hấp lực giữ chân ông cho đến ngày hôm nay.

“Tôi luôn so sánh Sài Gòn với Bangalore, nơi tôi sẽ quay lại ở Ấn Độ. Cả hai đều tương đồng. Thế nhưng, tôi tìm thấy cảm giác bình yên để sinh sống và làm việc ở đây”, ông chia sẻ.

Cuối tuần, Ravi thường cùng vợ đến trung tâm Sài Gòn để vẽ.
Cuối tuần, Ravi thường cùng vợ đến trung tâm Sài Gòn để vẽ

Cứ mỗi cuối tuần, Ravi sẽ cùng gia đình và bạn bè lân la khắp các con đường ở thành phố. Sau khi nhâm nhi ly cà phê cùng bữa sáng kiểu Sài Gòn, mọi người sẽ bắt đầu vẽ. Thành phố đâu chỉ là nơi làm ăn, nó còn là cảm hứng bất tận trong sáng tạo nghệ thuật. Ravi chọn vẽ ký họa để thể hiện tình cảm dành cho thành phố này.

Còn với Fawcett, Sài Gòn đã chọn anh. Cơ duyên từ một lần được mời sang Việt Nam đào tạo pha chế để từ đó, thành phố đã giữ chân chàng trai đến từ nước Anh hơn một thập niên. Anh vẽ từ năm 3 tuổi và chưa tham gia bất kỳ lớp học vẽ nào. Thậm chí, anh còn dạy vẽ cho người khác. Vẽ Sài Gòn không chỉ thỏa mãn đam mê mà còn giúp anh trở thành một phần của thành phố.

“Nhịp sống của Sài Gòn vận động như những dòng thủy triều. Đó là sự hài hòa giữa cũ và mới, giữa hiện đại và truyền thống, kiến trúc, ẩm thực, nghệ thuật. Tất cả kết hợp tạo nên bản dạng của thành phố. Tuy nhiên, vì đại dịch nên nội lực Sài Gòn không còn dạt dào như trước”, anh kể.

Fawcett (trái) và tác phẩm của mình.
Fawcett (trái) và tác phẩm của mình

Với hội họa Việt Nam, Fawcett dành tình yêu đặc biệt cho bộ tứ “nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”. Trong khi đó, vì đa phần vẽ màu nước nên Ravi quan tâm đến những họa sĩ trong lĩnh vực này như Hồ Hưng, Đoàn Quốc, Bảo Huỳnh.

Dù sống ở đây hơn 15 năm nhưng Ravi chỉ mới bắt đầu vẽ từ ba năm trước và từng tham dự một lớp học màu nước ở Sài Gòn. Vẽ vì yêu, vì thích, vẽ để thư giãn. Tính đến thời điểm hiện tại, họa sĩ không chuyên đến từ Ấn Độ đã có hơn 300 bức vẽ về mảnh đất này. Mỗi bức là một kỷ niệm, là chọn lựa dành thời gian cuối tuần cho người yêu Sài Gòn của mình.

Không thua kém họa sĩ đến từ Ấn Độ, 10 năm sống ở Sài Gòn, Fawcett đã vẽ hơn 1.000 bức từ ký họa đường phố đến ký họa từ trên cao và có cho riêng mình một studio mang tên thành phố. Sài Gòn tuy thu nhỏ trong mỗi bức tranh của Richie nhưng cảnh trí vẫn vô cùng nhộn nhịp như chính cuộc sống của nó.

Vẽ để kể chuyện

Đến từ đất nước Ấn Độ đa tôn giáo nên yếu tố tâm linh ít nhiều ảnh hưởng đến các bức tranh của Ravi. Ông chủ yếu vẽ đền, nhà thờ và những công trình có kiến trúc đặc biệt ở Sài Gòn.

Các công trình tôn giáo trong tranh của Ravi.
Các công trình tôn giáo trong tranh của Ravi

“Không giống như chụp ảnh, vẽ ký họa mang lại cho chúng ta một cảm giác lạ kỳ như Déjà vu. Đi đến đâu tôi cũng vẽ. Say mê Sài Gòn, tôi đưa nó vào những bức vẽ và tự trao cho mình sứ mệnh mang hình ảnh Sài Gòn đến với bạn bè quốc tế”.

Sài Gòn trong tranh của Ravi vừa thân thương vừa gần gũi. Vệt màu nước loang ra như cách thành phố giản dị dang tay cưu mang mọi thứ. Mỗi địa điểm, Ravi chỉ mất chưa đến 1 giờ đồng hồ để ký họa và lên màu. Vì yêu thích các công trình tôn giáo nên Ravi thường lân la kiếm tìm Sài Gòn linh thiêng ở quận 1 và quận 5.

Với Fawcett, Sài Gòn nhìn từ trên cao hấp dẫn anh hơn. Không chỉ là họa sĩ, anh giống như một bác sĩ giải phẫu Sài Gòn thông qua những bức tranh của mình. Sài Gòn nhìn từ trên cao ken đặc nhà cửa, Sài Gòn trong tranh của Richie là một sinh thể được giải phẫu tường tận đến từng tế bào.

Từ nhỏ, vì yêu thích vẽ nên anh đã tự kiếm được tiền từ công việc vẽ. Và Sài Gòn một lần nữa khơi dậy đam mê vẽ trong anh. Khác với Ravi chỉ vẽ vào cuối tuần, Richie thường xuyên vẽ vào buổi sáng vì đó là thời gian anh cảm thấy thoải mái nhất.

Sài Gòn nhìn từ trên cao.
Sài Gòn nhìn từ trên cao

Ngoài những con đường có nhiều công trình kiến trúc đặc biệt, cả hai họa sĩ không chuyên đều mê những khu chợ cũ nổi tiếng của Sài Gòn. Nó là không gian sáng tạo vô bờ bến của họ. Hay nói như Fawcett, những ngôi chợ ấy chính là huyết mạch của sinh thể mang tên Sài Gòn.

Quan sát trong quá trình vẽ và gắn bó với thành phố trong một thời gian dài, cả hai đều dễ dàng nhận ra sự thay da đổi thịt của thành phố. Ravi cho biết tốc độ sạt lở di sản ngày càng diễn ra nhanh chóng và ông cố gắng ký họa để lưu lại những biểu tượng của Sài Gòn trong tranh và cuốn sổ tay ký họa của mình. Tình yêu ấy còn được ông lan tỏa cho các thành viên khác trong gia đình. Trong khi đó, Fawcett lại cho rằng nỗ lực bảo vệ mặt tiền của di sản cũng sẽ giúp nó sống sót trước vòng xoáy kim tiền hiện tại.

Phố đồ cổ Lê Công Kiều vẽ từ năm 2015 và 5 năm sau.
Phố đồ cổ Lê Công Kiều vẽ từ năm 2015 và 5 năm sau

Một vài bức tranh ký họa của Fawcett tại một số địa điểm còn gây ấn tượng cho người xem vì anh không chỉ vẽ một lần. Sau 5 năm, 10 năm, anh sẽ quay lại nơi mình từng ký họa để vẽ một lần nữa. Bức tranh cũ vẫn còn nhưng ký ức về Sài Gòn mấy năm trước thì không. Hoài niệm của chàng trai ngoại quốc giữa thành phố mới vấn vương trên trang giấy cũ.

Hiện tại, với gia tài tranh ký họa của mình, Ravi đang có kế hoạch tổ chức một triển lãm cùng với nhóm vẽ tranh ký họa đường phố ở Sài Gòn. Ông cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được sống ở Việt Nam tại thời điểm này.

“Tuy có những điều khác biệt về văn hóa nhưng chính sự thân thiện của Sài Gòn đã giúp tôi trở thành một phần của văn hóa nơi đây. Nếu được làm điều gì đó cho thành phố thì có lẽ tôi vẫn sẽ vẽ và chia sẻ những bức tranh ấy cho cả thế giới”, ông tâm sự.

Các công trình kiến trúc độc đáo thường xuyên xuất hiện trong tranh của Ravi.
Các công trình kiến trúc độc đáo thường xuyên xuất hiện trong tranh của Ravi
Đường phố Lê Lợi năm 2013.
Đường phố Lê Lợi năm 2013

Fawcett thì khác, không chỉ bán tác phẩm, anh còn lên kế hoạch xuất bản một cuốn sách ảnh về gia tài tranh của mình. Bên cạnh đó, mùa hè này, những người yêu Sài Gòn cũng sẽ được ngắm các bức tranh ký họa giải phẫu thành phố từ trên cao của anh, được treo ở Tổng lãnh sự quán Anh.     

“Tôi là một người kể chuyện về Sài Gòn sao, cứ cho là như vậy. Tuy nhiên, câu chuyện của tôi chỉ là một vài trang trong một chương nhỏ của cuốn sách lớn”, anh bộc bạch.

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI