Rước họa vì mua nhà, đất bằng giấy tay

01/10/2016 - 11:30

PNO - Không ít người đem khoản tiền lớn để mua nhà, đất bằng giấy tay để rồi đối mặt với nguy cơ mất trắng, hoặc vướng kiện tụng kéo dài…

“Sau nhiều năm kiện cáo, cuối cùng vụ việc của tôi trở lại vị trí xuất phát. Người bán khẳng định đã bán cho tôi nhưng người tranh chấp với tôi cũng cho biết họ đã mua của người bán… Mua bán nhà, đất bằng “giấy tay” rắc rối quá, nếu biết vậy tôi đã không liều như thế” - bà T.N.Tú, ngụ Q.12, TP.HCM nói.

Mới đây, TAND TP.HCM đã tuyên hủy bản án số 126 ngày 4/4/2016 của TAND Q.12 về tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất giữa bà Tú (nguyên đơn) và ông L.T.Đông (Q.12, TP.HCM) là bị đơn.

Bà Tú cho biết, năm 2011, bà mua căn nhà không số ở Q.12 của bà L.T.T.Mai với giá hơn một tỷ đồng. Việc mua bán chỉ bằng giấy tay có sự chứng kiến của tổ trưởng tổ dân phố. Do bà Mai đang cho ông Đông thuê nên khi nhận tiền, bà Mai dẫn bà Tú đến gặp ông Đông để báo đã bán nhà. Ông Đông đề nghị tiếp tục thuê căn nhà và trả tiền cho bà Tú. Năm 2012, bà Tú thông báo lấy lại nhà nhưng ông Đông không giao. Bà Tú kiện ra TAND Q.12 và tòa tuyên bà Tú thắng kiện.

Ruoc hoa vi mua nha, dat bang giay tay
Vấn đề đất đai luôn “nóng” tại các buổi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri

Ông Đông kháng cáo và TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm tuyên hủy bản án của TAND Q.12 để xét xử sơ thẩm lại. “Tôi phải bỏ công việc làm ăn để theo đuổi vụ kiện. Rất mệt mỏi nhưng tôi phải theo đến cùng vì đã bỏ ra một số tiền lớn để mua nhà. Tôi nhận thấy các giấy tờ nhà, đất đã đầy đủ. Vả lại, tôi biết rất rõ người bán nên mới quyết định mua. Ai ngờ…” - bà Tú rầu rĩ.

Tương tự, năm 2006, ông N.V.Công (Q.12, TP.HCM) mua của bà T.T.Thanh lô đất 7m x 21m ở Q.12. Đến năm 2011, một người lạ đến cắm cột trên lô đất mà ông Công đã mua. Người này khẳng định đã mua đất từ bà Thanh. “Khi tôi mua đất, bà Thanh cho biết lô đất được bà mua của hai người, việc mua bán bằng giấy tay. Tất cả các giấy tờ tay bà Thanh cam kết giao hết cho tôi. Thế nhưng bây giờ xảy ra tranh chấp. Từ năm 2011 đến nay tôi đã gõ cửa khắp nơi từ phường đến quận nhưng vẫn chưa được giải quyết. TAND Q.12 đang thụ lý vụ việc của tôi, đã bố n lần thay đổi thẩm phán nhưng vụ việc vẫn chưa xong” - ông Công nói.

Bi đát hơn là trường hợp của bà T.T.Mừng, ngụ Q.11. Tháng 2/2002, vợ chồng bà mua căn nhà bằng giấy tay ở Q.Bình Thạnh giá 76 lượng vàng. Trong quá trình mua bán, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, khi bà Mừng đi làm thủ tục hợp thức hóa chủ quyền nhà đất thì được biết căn nhà thuộc diện xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp chủ quyền và đã bị buộc tháo dỡ.

Do vậy, cho đến nay, vấn đề của gia đình bà Mừng vẫn chưa được giải quyết. “Do cần nhà ở và thấy nhà đã xây dựng xong nên tôi mới mua và gặp rắc rối khi chủ cũ xây dựng sai phép. Tôi mong các cơ quan chức năng xử lý có tình, có lý để tôi an tâm sinh sống” - bà Mừng mong mỏi.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực bất động sản, việc mua bán nhà, đất bằng giấy tay hiện nay rất phổ biến, người mua biết là rất rủi ro nhưng vẫn mua bởi nhiều lý do như: giá rẻ hơn, phù hợp với túi tiền của người thu nhập trung bình, thu nhập thấp; giao dịch nhanh gọn… Cũng có trường hợp may mắn mua nhà, đất bằng giấy tay sau đó được hợp thức hóa, nhưng rất nhiều trường hợp gặp rắc rối.

Theo luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, dù với lý do gì thì việc mua nhà đất bằng giấy tay cũng đều là những giao dịch không được pháp luật thừa nhận. Trong chừng mực nào đó, nó còn là nguyên nhân hình thành những khu ổ chuột mới.

Việc mua bán như thế tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý cho người mua như luôn trong tâm trạng bất an, không biết tình trạng pháp lý của căn nhà, lô đất thế nào, không thể thực hiện các giao dịch hợp pháp, có thể xảy ra tranh chấp bất kỳ lúc nào và có nguy cơ bị mất trắng... Đồng thời, nó còn gây “khó” cho công tác quản lý của cơ quan công quyền, như không xác định được ai là người sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch chung và không thu được thuế.

“Khi mua nhà đất, khách hàng cần xem xét kỹ bản chính giấy tờ sở hữu nhà đất, đối chiếu địa chỉ, diện tích, tên tuổi chủ sở hữu. Bên cạnh đó, cũng phải đến chính quyền địa phương (UBND phường, xã, quận huyện) để tìm hiểu về tình trạng tranh chấp, quy hoạch của khu vực từ sau thời điểm cấp chủ quyền để đảm bảo an toàn, vì nhiều trường hợp mua giấy tay đất nông nghiệp sẽ không được hợp thức hóa, xây dựng nhà” - luật sư Cường cảnh báo.

Quỳnh Mai - Lý Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI