Ra chợ, "giật mình" với cách phòng ngừa COVID-19

01/02/2021 - 14:54

PNO - Được xem là địa điểm có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, song tại các chợ từ người bán lẫn người mua còn rất thờ ơ với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Sợ nhưng vẫn chủ quan

Thông báo khẩn số 28 ngày 28/1 của Bộ Y tế đề nghị các tiểu thương và người mua hàng phải đeo khẩu trang khi ra vào chợ, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi xếp hàng thanh toán, trao đổi buôn bán... Đặc biệt, người bán hàng, người lao động tại chợ phải cài đặt và bật ứng dụng Bluezone, NCOVI trong suốt thời gian bán hàng, làm việc nếu sử dụng thiết bị di động thông minh... Nhưng thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, ít tiểu thương thực hiện các yêu cầu cơ bản này.

Trong khu chợ tự phát, một bộ phận người dẫn chấp hành đeo khẩu trang bên cạnh một số trường hợp vẫn chưa tuân thủ
Trong khu chợ tự phát, một bộ phận người dẫn chấp hành đeo khẩu trang bên cạnh một số trường hợp vẫn chưa tuân thủ

Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TPHCM), nhiều tiểu thương, người mua hàng đều không mang khẩu trang, hoặc mang không đúng cách như kéo xuống chừa phần mũi, miệng hoặc thậm chí xuống cổ... Đang cao điểm cuối năm, nhiều khu vực quầy hàng bên trong chợ, người mua rất đông, khách phải chen chân nhau đi. Khoảng cách an toàn trong phòng tránh dịch muốn duy trì là không thể.

Còn tại chợ Tân Định (Q.1, TPHCM), một số tiểu thương cho biết, ở nhiều thời điểm đông khách, khu vực nhà lồng khá ngột ngạt, việc mang khẩu trang thường xuyên khiến nhiều người khó thở, thi thoảng phải kéo khẩu trang khỏi mũi... 

Phía ngoài các chợ, nhiều quầy kinh doanh thực phẩm, nhiều tiểu thương dù mang khẩu trang nhưng đeo dưới cằm khi bán hàng. Có người bao biện, mang khẩu trang gây khó khăn khi trả lời khách hàng nên phải kéo khẩu trang ra...

Tương tự, tại chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình, TPHCM), ngay trước sảnh chợ đã treo tấm pano khá to với nội dung “Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên và đúng cách để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả”. Nhưng chỉ các tiểu thương tại đây tuân thủ, còn đa phần khách tới chợ đều đeo… dưới cằm, thậm chí không đeo, không giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1m. 

Một số chợ như Hoàng Hoa Thám, Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), An Đông (Q.5, TPHCM)… chấp hành phòng, chống dịch nghiêm túc hơn vì được trang bị loa phát thanh, bảo vệ cũng liên tục ra vào kiểm tra. Tại chợ Hòa Hưng (Q.10, TPHCM), ngay cổng ra vào chợ có trang bị chai nước rửa tay sát khuẩn với hai bảo vệ túc trực nhắc khách rửa tay khi vào chợ, đeo khẩu trang. 

Siết chặt lo... chợ ế?

Đại diện BQL chợ Phạm Văn Hai cho biết, ý thức của tiểu thương là quan trọng, việc phát thanh nhắc nhở liên tục là cách để họ cảnh giác, thực hiện nghiêm túc hơn. Đồng thời cũng phải trấn an tiểu thương, khách hàng không hoang mang trước dịch bệnh để khách còn đến chợ. Chợ có đội bảo vệ tuần tra, nếu tiểu thương nào không chấp hành sẽ nghiêm khắc xử phạt theo quy định. Nước rửa tay tại các cửa chốt ra vào, máy đo thân nhiệt… cũng được trang bị nhưng do chợ có hơn 60 cửa ra vào nên không thể đo thân nhiệt hết cho khách ra vào chợ, mà chỉ đo được những người đi ngang qua các chốt. Chưa kể rất nhiều khách chọn ghé mua tại những điểm bán tự phát xung quanh chợ, nằm ngoài kiểm soát của chợ. 

Cũng theo vị này, chợ không có chức năng xử phạt hành chính đối với trường hợp tiểu thương không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch nên phải phối hợp với UBND phường để xử lý. Tiểu thương vi phạm lần đầu sẽ nhắc nhở, lập biên bản, làm cam kết. Nếu tái phạm lần hai thì sẽ báo cáo UBND phường xử lý phạt tiền. Nếu vẫn còn vi phạm thì sẽ làm mạnh tay là rút giấy phép kinh doanh. 

Ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng BQL chợ An Đông, cho biết thêm, chợ vẫn phát loa hằng ngày, nhắc nhở, hướng dẫn tiểu thương và khách hàng đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn, khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Bluezone, NCOVI. Các cổng ra vào chợ được trang bị máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn. Khuyến cáo nhân viên, phụ việc, tiểu thương có biểu hiện sốt, khó thở phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất... “Đáng lo nhất là chợ sỉ, thu hút khách từ mọi miền đất nước... nguy cơ lây nhiễm cao nên chợ tập trung vận động tiểu thương nâng cao ý thức chấp hành’’, ông Ngọc nói. 

Theo ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, bình quân mỗi ngày có khoảng 10.000-12.000 bạn hàng, khách hàng ra vào chợ, cao điểm có thể lên đến 15.000 khách/ngày nên nguy cơ cao hơn nhiều so với các chợ dân sinh. Thế nhưng, để giữ khoảng cách tối thiểu 1m giữa người mua và bán rất khó.

Với lưu lượng từ 10.000 - 12.000 người ra vào chợ mỗi ngày, trong đó nhiều người sinh sống tại những nơi có ổ dịch COVID-19 nên chợ đầu mối Thủ Đức siết chặt công tác phòng dịch ngay từ cổng chợ
Với lưu lượng từ 10.000 - 12.000 người ra vào chợ mỗi ngày, trong đó nhiều người sinh sống tại những nơi có ổ dịch COVID-19 nên chợ đầu mối Thủ Đức siết chặt công tác phòng dịch ngay từ cổng chợ

Bất cứ ai nếu không mang khẩu trang tuyệt đối không được vào chợ. Riêng đối với tài xế vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương về chợ, buộc phải đo thân nhiệt trước khi cho hàng nhập chợ. Bảo vệ tại chợ nếu phát hiện tiểu thương không mang khẩu trang thì chụp lại ô, sạp, BQL sẽ mời lên nhắc nhở lần đầu, sau đó nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý theo quy định của chợ - ngưng cấp điện sinh hoạt tại sạp. Theo ông Nhu, dù chưa có báo cáo số lượng cụ thể, tuy nhiên cũng có rất nhiều tiểu thương vi phạm và bị xử lý ngưng cấp điện sinh hoạt. 

Thanh Hoa - Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI