Quyết định nghỉ học, quyết định của niềm tin!

13/03/2020 - 14:20

PNO - Quyết định cho học sinh sinh viên (HSSV) tiếp tục nghỉ học đến 5/4 là cơ sở cho niềm tin rằng, chúng ta sẽ dốc toàn lực để khống chế và kiểm soát dịch bệnh, với ưu tiên tối đa về an toàn, sức khỏe của người dân, thậm chí có phải đánh đổi bằng suy giảm kinh tế hay lợi ích du lịch...

Thông tin tại Trường đại học Y Dược TPHCM có một sinh viên thuộc đối tượng F2 đang được cách ly tại nhà khiến bao người dân, nhất là sinh viên và phụ huynh học sinh lo lắng. Trường hợp F2 này là sinh viên Khoa Răng hàm mặt, đã xét nghiệm PCR SARS CoV-2 âm tính và có liên quan đến bệnh nhân thứ 38 nhiễm COVID-19 (28 tuổi, ngụ TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - con dâu của nữ doanh nhân, bệnh nhân thứ 34).

Ngoài ca F2 phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày kể trên, trường cũng thông báo có các ca nghi ngờ là F3 (vì F2 âm tính) và các ca này (theo danh sách F2 khai) cũng đang tự cách ly tại nhà.

Theo Ban giám hiệu Trường đại học Y Dược TPHCM, tất cả thầy cô, sinh viên đều an tâm giảng dạy và học tập bình thường, vì trường đã tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ Khoa Răng hàm mặt và các khu điều trị theo quy trình và điều này cũng đã được thực hiện từ đầu dịch đến nay.

Trường cũng đã xịt khử trùng tăng cường ở khu điều trị 1, đồng thời tuân thủ tuyệt đối các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, tuân thủ triệt để các quy định an toàn cho cá nhân và cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việc phun khử trùng là một trong các biện pháp đề phòng lây lan dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra
Việc phun khử trùng là một trong các biện pháp đề phòng lây lan dịch bệnh COVID-19 - Ảnh minh họa

Các trường hợp gọi là F0, F1, F2, F3… được Bộ Y tế xác định cụ thể gồm F0 là người được xác định dương tính với COVID-19. Những người này được cách ly, điều trị tại bệnh viện. F0 phải báo cho F1 về tình trạng của mình.

F1 là người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với người dương tính với COVID-19 (F0). Diện F1 cần đeo ngay khẩu trang, giữ khoảng cách với người xung quanh trên 2m, báo cho cơ sở y tế gần nhất hoặc qua hệ thống hotline đã được Bộ Y tế công bố, chuẩn bị đồ và đi cách ly tại bệnh viện. F1 tự báo cho F2 về tình trạng của mình.

F2 là người tiếp xúc gần với F1, tương tự F3 là người tiếp xúc với F2; F4, F5 là người tiếp xúc với F3, F4… Tất cả đều cần phải đeo ngay khẩu trang, giữ khoảng cách với người xung quanh trên 2m, báo cho cơ sở y tế gần nhất hoặc qua hệ thống hotline đã được Bộ Y tế công bố, chuẩn bị đồ đạc, làm theo hướng dẫn cách ly tại nhà hoặc nơi quy định khác và tự báo cho nhau về tình trạng của mình.

Có thể thấy, trong tất cả các khuyến cáo của Bộ Y tế về cách ly cũng như phòng chống dịch, vấn đề tránh tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng, giúp hạn chế sự phát tán virus.

Chúng ta mường tượng thế nào về không gian của một lớp học, một ngôi trường, đặc biệt là các cơ sở mầm non, tiểu học, THCS, THPT…? Cứ cho rằng 100% học sinh đều đeo và sử dụng khẩu trang đúng cách, liệu việc hạn chế tiếp xúc có khả thi trong môi trường nguy cơ cao thời COVID-19 này?

Kể từ khi phát hiện ca bệnh thứ 17 hôm 6/3, chúng ta đã liên tiếp ghi nhận thêm 27 ca dương tính mới chỉ trong vòng 6 ngày, nâng tổng số mắc lên 44. Phần lớn các ca mắc mới đều có liên quan đến những người đã đi cùng chuyến bay VN0054 với ca thứ 17 và với ca thứ 34.

Và, cứ theo phân lập F1, F2, F3… của ngành y tế, thì hiện số trường hợp có tiếp xúc, có liên quan đến 27 ca này hiện lên đến con số bao nhiêu? Các ca nghi ngờ đang còn phải thông báo truy tìm, con số “có thể là bệnh nhân” phải được cách ly mỗi lúc mỗi tăng...

Khi đưa ra khái niệm phân lập, Bộ Y tế dừng lại ở F5 trên phạm vi… văn bản, nhưng ở phạm vi cộng đồng, chúng ta cần tự hiểu rằng, không có lý do gì để virus không “bắc cầu” qua tới F thứ n.

Theo một cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, những trường hợp F1, F2, F3… Fn có nguy cơ nhiễm bệnh như nhau và đều được khuyến cáo nên báo cho cơ sở y tế gần nhất để được thực hiện cách ly hoặc chủ động cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Việc tự cách ly này phải được y tế cơ sở giám sát để đảm bảo người tự cách ly không rời khỏi nơi cư trú, như trường hợp của ông bầu Vũ Khắc Tiệp.

Chưa kể, đó mới chỉ là hai nguồn lây được xác định, “chuyến bay tử thần” mang số hiệu VN0054 và bệnh nhân số 34. Hiện trên khắp các tuyến biên giới, các cửa khẩu từ đường bộ, đường không cho đến đường biển, chúng ta đang rất nỗ lực thực hiện khai báo y tế, kiểm soát chặt lịch trình, lưu trú, thậm chí từ chối thị thực hoặc cấm tàu du lịch cập cảng… Thế nhưng, kinh nghiệm trong 6 ngày qua, không cho chúng ta có thể “lạc quan tếu” rằng sẽ không có những N17 hay T34 mới.

Bấy nhiêu dữ liệu, liệu ai có thể khẳng định chúng ta đang ở giai đoạn nào của COVID-19?

Có thể lấy một điển hình tại một quốc gia đang xếp thứ 5 trong “bảng xếp hạng” các quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 là nước Pháp. Tính đến sáng 13/3, nước này có 2.876 ca mắc, 61 trường hợp tử vong. Cách đây mới 2 ngày, những con số này chỉ bằng một nửa hiện tại. Nhận xét của Tổng thống Pháp trong bối cảnh hàng ngàn người đã nhiễm, hàng chục ca đã tử vong, làm mọi người tỉnh giấc: “Chúng ta chỉ mới bắt đầu với dịch bệnh”.

Từ thứ Hai tới đây, tức 16/3, tất cả các trường học, cả các lớp dạy nhạc, dạy võ thuật, thể thao tại Pháp sẽ phải đóng cửa trong hai tuần theo lệnh của Tổng thống. Lệnh được ban ra nhưng chưa có giới hạn, trước mắt, dự tính có thể kéo dài tới tận dịp lễ Phục sinh, tức học sinh sẽ nghỉ học khoảng một tháng. Khi học sinh nghỉ học, đối với mẫu giáo và tiểu học, cha mẹ phải ở nhà trông coi và được bảo đảm hưởng 100% lương. Tất cả đều nhắm vào mục tiêu tránh tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc.

Dịch đang bùng lên. Hầu hết những người có con tuổi đi học mà chúng tôi trao đổi, đều cảm thấy bất an, nói sẽ tiếp tục cho trẻ nghỉ học dù trường học có mở lại hay không.

Chúng ta cần kiểm soát tình hình bằng cách chủ động với những công cụ hành chính trong tay. Quyết định tiếp tục cho học sinh sinh viên nghỉ học vào lúc này là quyết định phù hợp lòng dân, phù hợp diễn biến dịch bệnh và cũng cho thấy quyết tâm rất cao của chính quyền TPHCM trong việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, bởi suy cho cùng, nói như Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân hay Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong thì an toàn và sức khỏe của người dân mới là điều quan trọng nhất.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI