Quyền chuyển đổi giới tính: Còn rất xa vời

09/09/2016 - 06:00

PNO - Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến nay, tại Việt Nam đã có khoảng 4.000 -5.000 người thực hiện chuyển đổi giới tính. Những khảo sát gần đây cho thấy, người đồng tính ở Việt Nam có nhu cầu chuyển giới rất cao.

Một người trót sinh “nhầm giới tính” không chỉ khổ vì phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội, mà còn đau đớn bởi nỗi giằng xé nội tâm: công khai sống thật hay che giấu? Dù y học có thể can thiệp phần nào để giúp họ thực hiện “quyền chọn giới tính”, nhưng thực tế, quyền chọn lựa ấy vẫn còn rất xa vời. Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến nay, tại Việt Nam đã có khoảng 4.000 - 5.000 người thực hiện chuyển đổi giới tính. Những khảo sát gần đây cho thấy, người đồng tính ở Việt Nam có nhu cầu chuyển giới rất cao.

Khát khao chuyển giới

Nguyễn Minh Quân (28 tuổi, Q.7, TP.HCM) luôn khao khát chuyển giới thành nữ. Sau hơn 5 năm công khai sống thật với giới tính của mình, Quân vẫn đang phải mang hình hài của đàn ông.

Quân tâm sự: “Đến tuổi trưởng thành, tôi ý thức rõ giới tính của mình và muốn được chuyển giới thành nữ. Vì thời điểm đó xã hội còn định kiến nặng nề với người đồng tính nên tôi luôn cố che giấu giới tính thật của mình. Những năm gần đây, cộng đồng có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này, nên tôi đã công khai giới tính thật của mình. Tuy nhiên, từ chuyện công khai giới tính đến việc chuyển giới còn là một hành trình vô cùng khó khăn”.

Thanh L. (24 tuổi, Q.3, TP.HCM) tính toán: “Em đã tìm hiểu rất nhiều về việc chuyển giới. Muốn thực hiện phải ra nước ngoài. Những người làm văn phòng như em phải dành dụm hàng chục năm mới có đủ tiền làm phẫu thuật. Nếu pháp luật Việt Nam có quy định rõ ràng và cho phép các cơ sở y tế làm phẫu thuật chuyển giới, chi phí có thể sẽ rẻ hơn rất nhiều. Lúc đó, em mới có cơ hội thực hiện mong ước của mình”.

Hiện nay, do các cơ sở y tế ở Việt Nam chưa được phép làm phẫu thuật chuyển giới nên hầu hết các ca phẫu thuật đều phải ra nước ngoài thực hiện, chi phí khá cao. Trung bình, một ca phẫu thuật chuyển từ nữ sang nam khoảng 30.000 USD. Phẫu thuật từ nam sang nữ khoảng 35.000 USD. Đó là chưa tính các chi phí khác như thay đổi giọng nói, phẫu thuật thẩm mỹ, hormone…

BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, BV Bình Dân TP.HCM khẳng định: các BV lớn của Việt Nam hoàn toàn thực hiện được phẫu thuật chuyển giới. Tuy nhiên, phẫu thuật chuyển giới là phẫu thuật lớn, phức tạp, nên các BV cần có thời gian xây dựng quy trình bài bản.

Nếu Bộ Y tế ban hành quy định cụ thể, các BV sẽ có hành lang pháp lý để triển khai kỹ thuật chuyển giới. Thực tế, một số người có nhu cầu chuyển giới nhưng không đủ điều kiện kinh tế đã phải thực hiện ở những cơ sở không đảm bảo chuyên môn, rất dễ bị các biến chứng nguy hiểm như tăng men gan, tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ, cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch…

Quyen chuyen doi gioi tinh: Con rat xa voi
Ngày càng có nhiều người dân ủng hộ hôn nhân bình đẳng cho người đồng tính

“Nhiều người dù thực hiện chuyển giới ở nước ngoài, nhưng nếu không được tư vấn kỹ, sẽ có nguy cơ không còn khả năng có con sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng (hoặc tinh hoàn, dương vật) vì đã không lưu trữ trứng, tinh trùng… Người muốn chuyển giới phải suy nghĩ kỹ lưỡng vì sau khi thực hiện phẫu thuật thì không thể trả ngược lại cơ thể ban đầu”, BS Mai Bá Tiến Dũng cảnh báo.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở độ tuổi 15-59. Khoảng 78% trong số này mong muốn được phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Quyền chuyển giới đã được pháp luật thừa nhận, nhưng Việt Nam vẫn chưa ban hành Luật Chuyển đổi giới tính nên người đồng tính vẫn chưa thể thực hiện được ước mơ của mình.

“Quyền” treo “Lơ lửng”

Thực tế, dù pháp luật đã ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng người muốn chuyển đổi giới tính vẫn gặp phải rất nhiều rào cản. Bộ luật Dân sự (sửa đổi) 2015 quy định, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật, nên phải chờ đến khi có luật về chuyển đổi giới tính thì các cá nhân mới được thực hiện quyền này.

Ngày 1/1/2017 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mới có hiệu lực thi hành nhưng nếu đến thời điểm đó, vẫn chưa có luật chuyển đổi giới tính thì quyền này của người dân vẫn bị “treo”.

Do vướng những rào cản về luật pháp nên dù đã chuyển đổi giới tính nhiều năm nhưng N.Đ.T. (32 tuổi, chủ một chuỗi cửa hàng ở TP.HCM) vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn khi mang thân xác hoàn toàn khác với giới tính ghi trên giấy tờ của mình. T. cho biết:

 “Sau khi chuyển giới, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ đơn giản như đăng ký giấy phép kinh doanh ở UBND quận, khi tôi đưa CMND ra để đăng ký là chủ kinh doanh thì cán bộ đăng ký lúng túng không biết giải quyết thế nào. Cuối cùng, tôi phải nhờ người nhà đứng ra đăng ký kinh doanh giúp. Những việc như làm giấy tờ mua bán hay liên quan đến giới tính của tôi cũng đều rất phức tạp”.

 T. đã nhiều lần đến các cơ quan chức năng nộp đơn xin chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ, nhưng những nơi T. gửi đơn đều “bó tay” vì hiện chưa có quy định về việc người chuyển giới đổi tên.

Ông Lương Thế Huy, Giám đốc Quyền LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) - Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường nhận định: “Hiện người chuyển giới ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do không được pháp luật thừa nhận về tên khác, gương mặt, thân hình khác…

Vấn đề nhiều người chuyển giới mong mỏi là được công nhận quyền về nhân thân, hộ tịch. Họ khát khao được đổi tên, giới tính, ảnh trong chứng minh nhân dân, hộ chiếu… ”.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Việt Nam vẫn chưa cho phép chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính nên có nhiều điều bất cập cho chính những người này và cho xã hội. Họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, công việc, học tập do liên quan đến giấy tờ tùy thân, lý lịch tư pháp, chứng minh thư, hộ khẩu….

“Nhiều nước hiện đã cho chuyển đổi giới tính để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Lượng người muốn chuyển giới đang ngày càng nhiều và cần được luật pháp bảo đảm cho họ có một cuộc sống bình thường, sống thật với con người của chính họ. Theo tôi, pháp luật cần sớm có những quy định rõ ràng về việc chuyển giới để bảo vệ quyền lợi cho những người chuyển giới và có nhu cầu chuyển giới” - luật sư Hùng chia sẻ.

Tại hội thảo định hướng xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Bộ đã được Quốc hội giao chủ trì xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan khởi thảo luật này.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, khi xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, Bộ sẽ chú trọng “hiện thực hóa” quyền chuyển đổi giới tính của công dân. Những người đã chuyển giới tại các cơ sở hợp pháp (ngoài nước) cũng sẽ được chấp nhận xác định lại giới tính và tên trong lý lịch tư pháp. Dự kiến luật sẽ được đệ trình Quốc hội ngay trong nhiệm kỳ này

Văn Thanh - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI