Quy định pháp luật trên trời, cuộc đời ở dưới đất!

30/05/2018 - 11:39

PNO - Đó là nhận định của ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) khi nhận định, đánh giá về nhiều quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay khi triển khai và đi vào cuộc sống

Sáng 30/5, thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, việc triển khai còn nhiều hạn chế. Hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật (Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật Phòng, chống HIV AIDS, Luật Dự phòng, nâng cao sức khỏe...) chưa được chuẩn bị kỹ. Tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức. Chính phủ chưa bố trí thời gian để thảo luận bàn sâu về chính sách cụ thể của mỗi dự án.

Quy dinh phap luat tren troi, cuoc doi o duoi dat!
ĐB Ngọ Duy Hiểu than phiền về tình trạng "quy định pháp luật trên trời, cuộc đời ở dưới đất"

Trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian để tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình. Phát biểu của nhiều đại biểu còn trùng lặp, chưa tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến....

ĐBQH Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) cho biết, do không hài lòng với tình trạng chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên thay đổi theo kiểu “đưa dự án vào, nay xin rút, mai xin lùi ngày càng gia tăng, chứng tỏ kỷ cương hành chính chưa nghiêm”.

Từ kỳ họp thứ 4 ông đã gửi chất vấn đến 17 vị Bộ trưởng, trưởng ngành về công tác pháp chế. Ông chỉ được 13/17 vị hồi âm. Có 4 vị không trả lời là Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài nguyên – Môi trường và Nội vụ. 

Ông cũng đã tự tìm hiểu phân công của các bộ ngành về công tác pháp chế thì thấy có 12 người đứng đầu không trực tiếp phụ trách pháp chế mà ủy quyền cho cấp phó. Trong khi, theo ĐBQH, đây là lĩnh vực hết sức quan trọng, có ý nghĩa định hướng cho toàn bộ hoạt động của bộ, ngành…

Ông cho rằng, cần phải tăng cường kỷ luật nâng cao chất lượng xây dựng văn bản, đảm bảo đúng tiến độ, lắng nghe ý kiến nhân dân và đối tượng chịu sự tác động, kịp thời xử ý phát sinh để tháo gỡ kịp thời. Không để luật sau ra đời phủ nhận luật trước, sử dụng các chuyên gia trong lấy ý kiến để nâng cao chất lượng xây dựng luật.

Cũng phản ánh về chất lượng của các dự án luật, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhận định, nhiều dự án Luật dù mới đưa ra nhưng đã nhận được sự phản đối quyết liệt, gay gắt của pháp luật. “ĐBQH đã nói, quy định pháp luật trên trời, cuộc đời ở dưới đất”, đại biểu TP Hà Nội chia sẻ. 

Một trong nhưng giải pháp được vị ĐBQH này đưa ra là cần xác định trách nhiệm, chế tài của người tham mưu, ban hành chính sách pháp luật. Theo đó, nhiều dự án luật không chỉ chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng mà khi đi vào cuộc sống còn làm cản trở sự phát triển của kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, xác đinh trách nhiệm từ ai, cơ quan nào thì hầu hết chưa làm được.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI