Quản lý nhà nước lẫn ý thức người dân đều chưa tốt

13/08/2022 - 07:54

PNO - Dù nêu nhiều nguyên nhân như kinh tế khó khăn, người dân thiếu hiểu biết, do cồn công nghiệp tồn đọng trong dân… nhưng tôi vẫn thấy mình quản lý chưa tốt.

Ngày 11/8, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề an toàn thực phẩm sau khi ở TP.HCM xảy ra liên tiếp hai vụ chết người nghi do ngộ độc rượu, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - thẳng thắn: Mấy ngày qua, cơ quan quản lý nói sẽ tăng cường kiểm soát, ra lệnh thanh tra toàn bộ các cơ sở phân phối, kinh doanh rượu, yêu cầu cấp quận, huyện lưu ý những hộ nấu rượu, quán ăn vỉa hè, quán nhậu bình dân… nhưng theo tôi, đó chỉ là phần ngọn thôi.

Người dân nên có ý thức hơn về sự an toàn

Phóng viênBà có thể phân tích những khía cạnh liên quan trong chức năng của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM qua các vụ việc đau lòng vừa qua?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Kinh tế khó khăn khiến không ít người tiêu dùng tìm đến những sản phẩm trôi nổi giá rẻ, thương nhân tìm mọi cách tăng lợi nhuận, làm gia tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Một điều nữa là sau đợt dịch năm ngoái, các loại cồn sát khuẩn, cồn y tế đang tồn đọng khá nhiều trong các cơ quan, tổ chức, nhà dân. Đã từng xảy ra trường hợp nhân viên trung tâm y tế của một huyện lấy một can cồn sát khuẩn về để ở nhà. Cha của nhân viên này rủ bạn đến nhà, lôi cồn ra pha thành rượu nhậu, dẫn đến tử vong.

Hiện nay, các loại rượu không nhãn mác đang lưu hành rất nhiều. Sở dĩ nói cơ quan quản lý nhà nước đang làm phần ngọn, là vì tôi muốn đề cập đến ý thức của người dân về rượu nói riêng và thực phẩm nói chung. Đó mới là cái gốc của vấn đề. Để bảo đảm an toàn hơn, người dân phải mua rượu có nhãn mác, xuất xứ đàng hoàng, không thể cứ mua ở tiệm tạp hóa, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Chính vì chỉ giải quyết phần ngọn nên ta đang tạo môi trường thuận lợi để các loại rượu pha từ cồn công nghiệp, rượu giả trà trộn vào 
thị trường.

Thêm vào đó, uống rượu thì phải có chừng mực. Nếu uống quá nhiều thì ngay cả rượu xịn cũng gây chết người chứ đừng nói rượu dỏm. Ý thức ở đâu khi mà trong sáng thứ Bảy, báo chí đồng loạt đăng thông tin về hai người tử vong do uống rượu pha từ cồn công nghiệp ở TP.Thủ Đức thì ngay tối đó, năm thanh niên ở Q.1 ngồi nhậu với nhau rồi lôi cồn rửa tay ra uống để rồi cũng phải đi cấp cứu?

Rượu pha từ cồn công nghiệp (methanol) là rượu độc bởi methanol rất nguy hiểm. Từ mùa dịch năm 2021, chúng tôi đã ghi nhận một số ca tử vong, nhưng thời điểm đó, không thể biết họ chết do COVID-19 hay do rượu độc. Tuy nhiên, dù nêu nhiều nguyên nhân như kinh tế khó khăn, người dân thiếu hiểu biết, do cồn công nghiệp, cồn y tế tồn đọng trong dân… nhưng tôi vẫn thấy mình quản lý chưa tốt.

Thói quen buôn bán bát nháo mà bà mô tả, liệu có xử lý được không, thưa bà?

- Không thể triệt để được. Hiện nay, nếu đi kiểm tra thì chỉ xử lý được lỗi “không có nhãn mác, không rõ xuất xứ” bằng cách tịch thu, tiêu hủy và xử phạt hành chính với mức tiền bằng hoặc gấp đôi trị giá lô hàng. Giá lô hàng rượu trôi nổi chẳng bao nhiêu tiền nên mức phạt không đủ sức răn đe. Còn nếu cho rằng đây là nguyên nhân gây ra ngộ độc thì mức phạt có thể lên đến vài trăm triệu đồng, hoặc có thể xử lý hình sự nếu gây chết người, nhưng vấn đề là phải chứng minh được. Như vụ việc vừa qua ở TP.Thủ Đức, dù kết quả xét nghiệm nồng độ methanol cao hơn mức bình thường nhưng vẫn trải qua quá trình pháp lý lâu dài, công an phải làm rất kỹ chứ không phải dễ mà xử lý.

Cũng vụ việc đó, về phần mình, khi kiểm tra, phát hiện quán đó kinh doanh dịch vụ ăn uống mà chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và dùng nguyên liệu hải sản không rõ xuất xứ, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chỉ mới xử phạt hơn 26 triệu đồng. Phải chờ phía công an kết luận, mới có thêm các hình thức xử lý khác.

Quản lý an toàn thực phẩm cần thoát phận “cha chung”

* Trong quản lý ngành, có cách nào phát hiện rượu được làm từ cồn công nghiệp?

- Đáng buồn là hiện giờ, bằng mắt thường chúng ta không có cách gì phân biệt được giữa rượu và cồn công nghiệp. Cả hai đều trong suốt, không màu, có mùi rượu, cho nên rất dễ trà trộn. Do đó, nguy cơ gây ngộ độc là rất cao. Số người tử vong được ghi nhận chỉ là phần nổi thôi, không loại trừ những trường hợp tự mua rượu về nhà uống, hôm sau có những triệu chứng lơ mơ, nhức đầu, chóng mặt lại cứ tưởng là say xỉn bình thường hoặc có ca đi cấp cứu không kịp, chết luôn.

Từ lâu, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất việc nên cho thêm thuốc chỉ thị màu vào cồn công nghiệp khi xuất xưởng để dễ phân biệt. Nếu cho loại cồn này màu xanh như các chai sát khuẩn dùng trong y tế thì người dân dễ nhận biết, người bán muốn pha với nước để làm rượu cũng khó hơn hoặc phải pha nhiều nước hơn để màu xanh phai đi. Nhưng cái này thuộc Bộ Công Thương quản lý, mình chỉ biết đề xuất.

* Từ những thực tế đó, bà nghĩ gì về vai trò, hiệu quả hoạt động của ngành chức năng, của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đối với việc bảo đảm cho sự an toàn của thực phẩm?

- Có cả một rừng quy định do ba bộ đưa ra. Khi đưa quy định xuống theo hệ thống, hễ lĩnh vực nào có nhiều cơ quan quản lý thì phải chịu cảnh “cha chung không ai khóc”. Khi xảy ra chuyện, các cơ quan bắt đầu đổ thừa, đổ lỗi cho nhau. Trong phối hợp công tác hay xây dựng văn bản, ai cũng chỉ thấy cái mảng quản lý của mình thôi. Quan tâm số một của y tế đâu phải là thực phẩm, mà là chuyện khám chữa bệnh. Quan tâm số một của ngành công thương là hàng hóa lưu hành trên thị trường chứ không phải là thực phẩm. Ngành nông nghiệp cũng tương tự thế. 

Ý tôi muốn nói là, khi tụ hội những người, đơn vị làm công tác thực phẩm về thành một ban quản lý an toàn thực phẩm như của TP.HCM thì lúc này, quan tâm số một và duy nhất của ban là thực phẩm. Cần phải nâng quyền cho nó, nâng cấp độ của nó, tập trung lực lượng lại để làm. Khi nhập lại như vậy, sức mạnh nhân lên. Với ba, bốn trăm con người ban đầu đó, chúng tôi đủ sức để thiết lập được một hệ thống thanh tra trực tiếp, bố trí ngay tại quận, huyện để nắm bắt tình hình và phối hợp với địa phương tăng cường công tác thanh tra. Đấy là cái thành công nhất. 

Về vai trò, thay vì là chi cục hay phòng ban thuộc sở, thì bây giờ, vai trò của ban quản lý ở tầm một cơ quan ngang sở, trực thuộc UBND thành phố. Như vậy, chúng tôi có thể xây dựng những kế hoạch tổng hợp với tầm nhìn cao hơn, ít tầng nấc, có thực chất hơn và có những kế hoạch liên tỉnh thành dễ dàng hơn trong quản lý chuỗi cung ứng.

Khi có ban quản lý, nếu có sự cố gì xảy ra, ban hết sức chủ động. Trở lại vụ việc vừa xảy ra ở TP.Thủ Đức, đương nhiên Phòng Y tế TP.Thủ Đức phải vào cuộc ngay, nhưng họ biết sẽ báo cáo cho đầu mối nào. Ban quản lý xuống địa bàn kiểm tra, xử phạt được ngay và với tư cách của ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm, chúng tôi yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm soát rượu, nhất là rượu không rõ nguồn gốc, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

* Là một chuyên gia đầu ngành về dược, chắc chắn bà vẫn còn nhiều kỳ vọng về Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM?

- Lúc thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, một trong những lý do mà lãnh đạo UBND TP.HCM chọn tôi là muốn sau này ban hoạt động theo mô hình FDA của các nước, tức là gom cả thuốc lẫn thực phẩm về một mối. Nếu được như vậy thì thật sự hứa hẹn. Từ những kỳ vọng cho việc bảo đảm an toàn thực phẩm, tôi vẫn còn bức xúc với các quy định về thanh tra nói chung. Tôi nhiều lần tranh luận rằng, cần phải phối hợp giữa thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Nếu tôi nhận được tin tức tố giác vi phạm thì phải ập đến bất cứ lúc nào để kiểm tra. Tôi thừa nhận, có chuyện thanh tra thông đồng hoặc lạm quyền thế này thế kia, nhưng nếu cứ vì lẽ đó mà bó buộc bằng ý chủ quan thì rất khó. Cần đặt quyền lợi của người dân và Nhà nước lên trên để vi phạm ngày càng ít đi.

* Xin cảm ơn bà. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI